Liên quan đến việc nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký văn bản đồng ý chủ trương cho phép cải tạo đất (thực chất là khai thác) đúng một ngày trước khi về hưu, ngày 12/3, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - nói, Sở không đề xuất chủ trương xin cải tạo đất của các hộ dân ở Hòa Phú (Hòa Vang), nên không giám sát được việc khai thác cũng như đóng thuế tài nguyên hay phí môi trường.
Theo lời ông Điểu, “cái này họ làm thủ tục lên thẳng với lãnh đạo thành phố, thành phố đồng ý về chủ trương như thế nào đó phía sở không biết”. Điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần chỉ đạo của TP Đà Nẵng ban hành trước đó.
Theo chỉ thị 16 (ban hành ngày 13/11/2013 do đích thân ông Văn Hữu Chiến ký), Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, tổng hợp tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Doanh nghiệp khai thác đất tại khu vực đồi gò thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang làm người dân bức xúc. |
Trả lời câu hỏi, vì sao ông Văn Hữu Chiến khi còn làm chủ tịch ký giấy phép cho cải tạo đất nhưng cơ quan tham mưu quan trọng nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường lại không hề hay biết, ông Võ Văn Thương - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng đây là những dự án có quy mô nhỏ nên xã và huyện đề xuất.
Tuy nhiên, theo chỉ thị 16, tất cả dự án liên quan đến cải tạo đất phải được chủ tịch thành phố đồng ý, ông Chiến ký về mặt chủ trương, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện, xã giám sát.
Trong khi đó, việc tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng toàn bộ các dự án cải tạo đất khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Ông Nguyễn Đức Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc Phong, cho biết hàng chục xe vận chuyển, xe xúc phải đứng bánh, tiền vay ngân hàng, lương công nhân không biết xử lý như thế nào.
“Người cho phép, người dừng, cuối cùng doanh nghiệp khổ. Tôi chẳng biết phải làm sao?” - ông Khoa nói. Trưa 12/3, tại các địa điểm cải tạo đất ở thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) các doanh nghiệp đều tạm dừng việc khai thác đất, di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi hiện trường.
Ông Nguyễn Tấn Khoa, trưởng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, cho biết: “Dù chấp hành nhưng các doanh nghiệp không bằng lòng. Thành phố cho phép doanh nghiệp cải tạo đất, các doanh nghiệp bỏ kinh phí, hợp đồng, bồi thường cho người dân rất tốn kém. Giờ bị đình chỉ ngay thì chắc chắn họ sẽ thiệt hại về kinh tế, còn thiệt hại bao nhiêu thì chúng tôi không rõ”.
Theo ông Nguyễn Xuân Lý, cán bộ phụ trách khoáng sản (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang), diện tích của Công ty Thịnh Quốc Phong được phép cải tạo là 16.200 m3 nhưng chỉ mới khai thác khoảng 3.000 m3. Tương tự, Công ty Thịnh Phú Lâm được phép cải tạo với diện tích hơn 7.000 m2, khối lượng khai thác được 2/3 so với khối lượng cho phép.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký nhiều công văn vào thời điểm ông này gần về hưu, gây tranh cãi trong dư luận như chủ trương cho xây dựng ngọn hải đăng trên sông Hàn, hay việc cải tạo đất mới đây.
Liệu chức năng tham mưu, giám sát, phản biện của các cơ quan trực thuộc UBND TP Đà Nẵng có vấn đề? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Văn Thương cho rằng xây dựng tháp hải đăng là theo đề nghị của chủ đầu tư.
TP cho nghiên cứu để đánh giá nên hay không, sau đó lấy ý kiến phản biện xã hội trong đó có báo chí, cuối cùng là dự án phải dừng vì dư luận không đồng tình. “Không phải cá nhân anh Chiến mà chỉ là ý tưởng ban đầu”, ông Thương lý giải.
Có bao nhiêu văn bản liên quan đến khai thác khoáng sản được ông Văn Hữu Chiến ký một ngày trước khi về hưu? Ông Võ Văn Thương nói: “Chúng tôi không thống kê được, việc này cũng không liên quan gì đến việc về hưu hay không cả”. Ông Thương còn cho biết sắp tới Đà Nẵng sẽ có đợt tổng rà soát việc khai thác và cải tạo đất trên địa bàn.