Cả Pulse GL66 và TUF Dash F15 đều sở hữu cấu hình CPU Intel Gen 11 và card đồ họa NVIDIA RTX 3000 series. Tuy nhiên, Asus và MSI đều có những tùy biến để chiếc laptop gaming của mình phù hợp với những tệp khách hàng riêng biệt.
Pulse GL66 hầm hố, TUF F15 mỏng nhẹ
Dù được hãng định vị là laptop gaming nhưng Asus TUF Dash F15 lại có ngoại hình giống một chiếc máy tính xách tay cho dân văn phòng. Asus không đem những chi tiết quá hầm hố, nổi bật lên chiếc máy gaming của mình. Trừ logo TUF to bản ở mặt lưng, chiếc máy này không mang nhiều đặc điểm thường thấy của một chiếc máy tính chơi game.
Ngược lại, Pulse là dòng sản phẩm hoàn toàn mới của MSI. Mặt trước của sản phẩm sở hữu những nét thiết kế đậm chất công nghệ và tương lai. Các họa tiết trên mặt lưng giúp chiếc máy thêm phần khỏe khoắn và thu hút game thủ.
Cả MSI Pulse GL66 và Asus TUF Dash F15 đều có mặt lưng được làm từ kim loại, các phần còn lại là nhựa nhưng chắc chắn. Chất lượng hoàn thiện của hai máy đều ổn, không bị ọp ẹp.
Với 1,9 cm độ dày và khối lượng 2 kg, TUF Dash F15 là một chiếc laptop gaming phù hợp cho việc di chuyển. Trong khi đó, MSI Pulse GL66 vẫn là một chiếc máy tính chơi game truyền thống với ngoại hình to, dày giúp tản nhiệt tốt hơn.
Hai sản phẩm có sự tương đồng về cổng kết nối với 3 cổng USB Type-A, 1 cổng mạng RJ45, 1 cổng 3,5 mm, 1 HDMI và 1 cổng USB Type-C. Đáng tiếc khi kết nối USB Type-C của MSI Pulse GL66 chỉ đạt chuẩn 3.2 gen 1. Cổng Type-C trên TUF Dash F15 được hỗ trợ chuẩn Thunderbolt 4.0 cũng như sạc bằng công nghệ PD công suất 100 W.
Màn hình MSI Pulse GL66 có chất lượng hiển thị tốt hơn
Tiêu chuẩn chung của laptop gaming phân khúc 30 triệu đồng là tần số quét cao và kích thước trên 15.6 inch. Cả hai chiếc máy của MSI và Asus đều có màn hình 144 Hz phù hợp cho việc chơi các tựa game đua xe, bắn súng.
Tuy nhiên, chiếc MSI Pulse GL66 lại chiếm ưu thế ở chất lượng hiển thị với độ sáng cao và hỗ trợ dài màu rộng. Màn hình của máy đạt đạt được 100% độ phủ màu sRGB và 72% độ phủ màu NTSC. Trong khi đó, TUF Dash F15 đạt 63% sRGB và 45% NTSC.
Người dùng có nhu cầu làm việc chỉnh sửa hình ảnh, video yêu cầu màn hình có độ chuẩn màu cao, sản phẩm của MSI sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, màn hình đẹp cũng giúp trải nghiệm các nội dung giải trí, xem phim, chơi game tốt hơn.
Một điểm cộng khác của MSI Pulse GL66 là sản phẩm vẫn có webcam ở viền trên màn hình, phục vụ tốt cho nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến mùa dịch. Để có viền trên màn hình mỏng hơn, Asus đã loại bỏ webcam trên TUF Dash F15.
Pulse GL66 có bàn phím full-size cùng LED RGB rực rỡ
Bàn phím của MSI là dạng full-size có đủ các phím số, giúp nhập liệu nhanh hơn. Tuy nhiên, phần bàn phím số này có kích thước khá bé, khó làm quen khi mới sử dụng. Bàn phím của TUF Dash F15 bị thiếu phím số nhưng lại có phím nguồn đặt riêng, không lo bị bấm nhầm như trên Pulse GL66.
Cảm giác gõ của hai máy không có nhiều khác biệt với hành trình phím tương đương.
Bàn phím của hai máy được trang bị đèn LED chiếu sáng, nhưng trên máy Asus chỉ có một màu xanh. Model của MSI có thể đổi màu RGB. Ngoài ra, phím bấm của Pulse GL66 cũng được làm dạng trong suốt giúp ánh sáng đèn LED hiển thị rực rỡ hơn.
Bên cạnh đó, TUF Dash F15 còn phục vụ tốt cho nhu cầu làm việc với phần bàn di lớn. Còn với một chiếc máy thuần gaming như Pulse GL66, việc trackpad có kích thước hơi bé cũng không phải là vấn đề lớn.
CPU Pulse GL66 khỏe hơn nhưng TUF F15 có card đồ họa mạnh
Dù cùng sử dụng chip Intel Gen 11 và GPU NVIDIA RTX 3000 nhưng hướng đi của hai nhà sản xuất cho chiếc laptop của mình lại khác biệt. TUF Dash F15 sở hữu con chip Intel Core i7 11350H và card đồ họa NVIDIA Geforce RTX 3060 6G. MSI Pulse GL66 sử dụng CPU Intel Core i7 11800H cùng GPU NVIDIA Geforce RTX 3050 Ti 4G. Cả hai máy đều có sẵn 16 GB RAM và 512 GB SSD.
Dù cùng là Core i7 nhưng 11370H của TUF Dash F15 chỉ có 4 nhân 8 luồng, trong khi 11800H trên MSI Pulse GL66 lại là 8 nhân 16 luồng. Vì vậy hiệu năng đa nhân của Pulse GL66 tốt hơn TUF Dash F15.
Hiệu năng chơi game của TUF Dash F15. |
Vì RTX 3060 6 GB của TUF Dash F15 mạnh hơn nên sản phẩm này có thể chơi tốt các game AAA thế giới mở. Chiếc máy của Asus hoàn thành bài kiểm tra Final Fantasy XV với khoảng 8.000 điểm. Trong khi MSI Pulse GL66 chỉ đạt 5.400 điểm.
Với những tác vụ yêu cầu nhiều về CPU như chơi game Shadow of the Tomb Raider hay render video, hiệu năng của chip Intel Core i7 11800H thể hiện thế mạnh vượt trội hơn Core i7 11350H. Nếu chơi các game eSports như Liên Minh Huyền Thoại, Intel Core i7 11800H và RTX 3050 Ti có thể kéo mức FPS lên mức 400-500 khung hình/giây.
Hiệu năng chơi game của MSI Pulse GL66. |
Vấn đề của RTX 3050 Ti trên MSI Pulse GL66 là thiếu VRAM. Với những tựa game 3D thế giới mở, 4 GB VRAM của 3050 Ti không đủ cho trải nghiệm của người dùng.
Ngoài ra, hệ thống tản nhiệt của MSI mạnh mẽ hơn với công nghệ Cooler Boost 5. Khi bật chế độ quạt mạnh nhất và chơi game nặng, nhiệt độ CPU và GPU của máy chỉ khoảng 70 độ C. Với cùng điều kiện sử dụng, nhiệt độ của Asus TUF Dash F15 lên tới 85 độ C cho CPU và khoảng 80 độ với GPU. RTX 3060 trên TUF Dash F15 cũng sẽ bị giảm hiệu năng khi máy quá nóng.
Chiếc laptop nào phù hợp với bạn?
Với những game thủ thuần, thích thiết kế hầm hố, bàn phím có LED RGB rực rỡ, hiệu năng mạnh mẽ để chơi các game eSports thì MSI Pulse GL66 là lựa chọn tốt hơn. Ngoài ra, sản phẩm này cũng phù hợp với người làm việc thiết kế nhờ màn hình có độ chuẩn màu cao và có trang bị webcam.
Lợi thế của TUF Dash F15 nằm ở thiết kế hiện đại cùng khối lượng nhẹ. Đây là chiếc máy dành cho người dùng thường xuyên di chuyển, cần tính di động cao nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng khỏe cho các tác vụ chơi game, làm việc.
Ngoài ra, ở phân khúc giá khoảng 30 triệu đồng, người dùng có thể tìm đến các sản phẩm có cấu hình tương đương như Acer Nitro 5 hoặc Lenovo Legion 5 2021.