Thị trường xe hơi Việt Nam nửa đầu năm 2018 đã có nhiều biến động, chủ yếu là xu hướng giảm doanh số bán ra của các hãng xe. Thế nhưng không phải nhà phân phối nào cũng đối mặt với khó khăn.
Bức tranh màu sáng của Mercedes-Benz và Haxaco
Mới đây Công ty cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh - Haxaco (HAX), một trong 3 nhà phân phối lớn nhất của Mercedes-Benz Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Doanh số tiêu thụ tăng trưởng không chỉ giúp hãng xe mà cả những nhà phân phối của Mercedes-Benz Việt Nam hưởng niềm vui. Ảnh: Thế Anh. |
Cụ thể, Haxaco là nhà phân phối xe hơi hiếm hoi có mức doanh thu tăng trưởng trong quý II đạt 1.188 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng của giá vốn thấp hơn giúp lợi nhuận gộp công ty thu về tăng 2,5 lần, đạt 64 tỷ. Sau khi trừ các chi phí liên quan, Haxaco báo lãi thuần 21,8 tỷ từ hoạt động kinh doanh, trong khi cùng kỳ lỗ 12,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, với 20 tỷ đồng nhận được từ tiền thưởng và hỗ trợ của Mercedes Benz Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế Haxaco thu về trong quý II đạt 33 tỷ đồng, đột biến so với số lỗ gần 6 tỷ đồng vào năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Haxaco ghi nhận 2.168 tỷ doanh thu thuần, tăng 18% và báo lãi sau thuế 37,3 tỷ đồng, tăng 48% so với nửa đầu năm ngoái. Dù vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 32% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tình hình kinh doanh thuận lợi của Haxaco cũng phản ánh trong bức tranh chung của sản phẩm Mercedes-Benz tại Việt Nam.
Trong khi nhiều hãng xe như BMW, Audi, Lexus, Porsche… gặp khó do không đưa được nhiều xe nhập khẩu về, thì Mercedes-Benz lại có nguồn cung xe dồi dào khi đặt nhà máy lắp ráp ngay tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân chính giúp, hãng xe sang này ghi nhận doanh số kỷ lục trong nửa đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA), trong tháng 6, lượng xe Mercedes tiêu thụ đạt con số kỷ lục từ trước tới nay, lên 791 chiếc. Tính chung trong quý II, đã có tổng cộng 1.537 xe Mercedes được tiêu thụ tại Việt Nam.
Dù con số giảm 7 chiếc so với cùng kỳ năm 2017, Mercedes-Benz vẫn là hãng xe sang duy nhất có mức tăng doanh số 6% sau 6 tháng đầu năm nay. Và lẽ đương nhiên, các nhà phân phối của hãng xe hưởng lợi từ xu hướng này.
Nhà phân phối Ford gặp khó
Trái ngược với bức tranh sáng sủa của nhà phân phối Mercedes-Benz, Công ty cổ phần City Auto (CTF), đơn vị phân phối thương hiệu xe Ford, lại đối mặt với tình trạng doanh số giảm mạnh 6 tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần của công ty đã sụt giảm 34%, chỉ đạt 596,5 tỷ đồng. Doanh thu giảm sâu nhưng các loại chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp lại giảm không đáng kể nên City Auto đã lỗ thuần 7,5 tỷ trong hoạt động kinh doanh, xấp xỉ cùng kỳ.
Phải nhờ tới gần 13 tỷ từ thu nhập khác, trong đó chủ yếu tiền hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện từ Ford Việt Nam và hỗ trợ chi phí hoạt động, nên City Auto mới thoát lỗ. Thậm chí, nhờ khoản trợ cấp này mà công ty còn ghi nhận gần 5 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 80% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, công ty đạt 1.348 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% và lỗ thuần từ hoạt động kinh doah chính hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn nhờ khoản 18 tỷ đồng chủ yếu là tiền hỗ trợ từ Ford Việt Nam nên City Auto thoát lỗ, và lãi sau thuế gần 8 tỷ đồng, tăng 70% so với nửa đầu năm ngoái. Con số này vẫn còn cách rất xa mục tiêu 28,8 tỷ lợi nhuận cả năm.
Không chỉ Ford, nhiều thương hiệu xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cũng gặp khó nửa đầu năm như Lexus, BMW, Audi, Porsche... Ảnh: Tùng Tin. |
Không chỉ Fords, nhiều thương hiệu xe nhập khẩu cũng như đại lý phân phối của họ tại thị trường Việt Nam cũng gặp khó nửa đầu năm 2018. Đơn cử, nhiều tháng liền Lexus không bán được chiếc ôtô nào, hãng xe sang này chỉ bán được 80 chiếc trong tháng 1 và chỉ một vài chiếc trong các tháng sau đó. Không nhập thêm được xe, nhưng các đại lý phân phối của Lexus vẫn phải chi trả phí duy trì hoạt động.
Tương tự, Audi hiện có hơn 100 xe đã được đưa về cảng nhưng chưa được thông quan; hay BMW sau lô hàng hơn 300 xe đưa về nước hồi cuối năm 2017, cũng chưa có thêm lô hàng mới nào được về.