Ngày 22/12, khi phát biểu trước một đám đông người ủng hộ tại Phoenix, Arizona (Mỹ), Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết đang cân nhắc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ trong một thời gian ngắn, theo Reuters.
Động thái này của ông Trump đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng ông không ủng hộ việc buộc TikTok phải rời khỏi thị trường Mỹ.
SCMP nhận định sự ủng hộ liên tục của ông Trump dành cho TikTok đã làm dấy lên suy đoán về các giải pháp tiềm năng để ngăn chặn lệnh cấm ứng dụng này tại Mỹ, mặc dù con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng.
Tình yêu của ông Trump với TikTok
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét, vì các bạn biết đó, chúng tôi đã sử dụng TikTok và nhận được sự hưởng ứng rất tuyệt vời với hàng tỷ lượt xem”, ông Trump phát biểu tại sự kiện AmericaFest, một cuộc họp hàng năm do nhóm ủng hộ bảo thủ Turning Point tổ chức.
Thực tế, ông Trump phản đối cấm TikTok một phần do lệnh cấm như vậy sẽ gián tiếp có lợi cho Meta, công ty do Mark Zuckerberg đứng đầu và sở hữu Instagram cùng Facebook.
Tuy nhiên, bất chấp việc lên tiếng công khai, giáo sư Carl Tobias của Trường Luật Đại học Richmond cho rằng tình hình rất phức tạp, xét đến nhiều giải pháp tiềm năng và bản chất khó đoán của ông Trump.
Trước đó, vào tháng 4, Thượng viện Mỹ đã thông qua một luật yêu cầu công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc - ByteDance - phải bán lại ứng dụng này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Đây cũng là luật nhận được sự ủng hộ hiếm hoi của lưỡng đảng trong bối cảnh Quốc hội Mỹ chia rẽ. Điều này khiến cho việc bãi bỏ hoàn toàn luật thông qua cuộc bỏ phiếu tại quốc hội là điều không thể xảy ra về mặt chính trị, ngay cả khi ông Trump có ảnh hưởng đối với đảng Cộng hòa.
Theo Tobias, một khả năng khác là Bộ Tư pháp ở chính quyền của ông Trump có thể xác định ByteDance đã giải quyết được những lo ngại về an ninh quốc gia theo luật này.
Ông Trump tiết lộ TikTok đã mang lại hàng tỷ lượt xem cho chiến dịch tranh cử tổng thống của cá nhân ông. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, động thái như vậy có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ và các bên khác coi là nhượng bộ Trung Quốc.
Lựa chọn cuối cùng là ByteDance phải bán cho một bên mua không phải người Trung Quốc, mặc dù công ty này liên tục từ chối khả năng này.
Với 170 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, việc mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ sẽ đòi hỏi nguồn lực đáng kể.
Cuối cùng, với tư cách là tổng thống, Trump có thể gia hạn thời hạn cấm thêm 90 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch.
Mặc dù vậy, ngay cả cách này cũng rất khó khăn. Hiện có rất ít người mua tiềm năng xuất hiện, vì các công ty công nghệ lớn có thể sẽ bị ngăn cản bởi những lo ngại về luật chống độc quyền.
Những người mua tiềm năng
Theo SCMP, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin - người điều hành một quỹ đầu tư tư nhân được tập đoàn SoftBank và quỹ đầu tư quốc gia Mubadala của Abu Dhabi hậu thuẫn đã thể hiện mong muốn mua lại TikTok.
Nhà đầu tư bất động sản tỷ phú Frank McCourt. Ảnh: Bloomberg. |
Elon Musk, người đang được xem như "cánh tay phải" với ông Trump và chủ sở hữu nền tảng X cũng có thể đóng vai trò nhất định khi ông đã bày tỏ kế hoạch biến X thành thứ gì đó giống TikTok hơn.
Một cái tên khác cũng đang nổi lên là nhà đầu tư bất động sản tỷ phú Frank McCourt.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, McCourt tiết lộ ông và cộng sự đã trao đổi với hơn 60 quan chức và các nhà hoạch định chính sách về nỗ lực đấu thầu của mình, đồng thời trò chuyện với các thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump để trình bày lập luận về một thỏa thuận khả thi.
Một trở ngại của thương vụ này là tài sản ròng của McCourt hiện chỉ ở mức 2,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số ước tính 25 tỷ USD mà ông tin rằng sẽ cần để mua lại TikTok.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, điều quan trọng nhất có lẽ là việc McCourt có mối quan hệ tốt với ông Donald Trump thông qua những lần gặp của cả hai trong ngành bất động sản.
Giải pháp được McCourt nhắc đến là ông không cần thuật toán bị cấm của ứng dụng này. Thay vào đó, McCourt nghĩ rằng bản thân có thể tạo ra một hệ thống tốt hơn, giống với một số nền tảng phi tập trung đã bắt đầu xuất hiện và tạo tiếng vang như Bluesky.
Theo CNN, ngay khi dự luật yêu cầu ByteDance bán TikTok được công bố, không khó để hiểu tại sao các ông lớn ở Thung lũng Silicon đều “chảy nước miếng” thèm thuồng.
TikTok nếu bán mình có thể sẽ là ứng dụng có giá trị nhất trên hành tinh. Ảnh: CNN. |
TikTok có thể sẽ là ứng dụng có giá trị nhất trên hành tinh và sắp ở trong tình trạng vô chủ. Chỉ riêng ở Mỹ, với 170 triệu người dùng, TikTok đã có thể được định giá khoảng 100 tỷ USD, theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush.
“Nếu bán, giá trị về mặt chiến lược và lượng người dùng trên nền tảng đã đủ khiến một số chuyên gia tài chính và công nghệ quan tâm", Ives nhận định.
Với giá 100 tỷ USD, rất ít công ty có đủ khả năng mua đứt TikTok. Trong khi đó, những công ty có đủ tiềm lực như Meta, Alphabet, Microsoft lại gặp phải rào cản pháp lý nếu mua lại.
SCMP dẫn lời từ một thành viên đảng Cộng hòa gợi ý ông Trump có thể dàn xếp một "thỏa thuận thế kỷ" đáp ứng cả mối quan tâm của Mỹ và lợi ích của ByteDance.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc John Moolenaar nói với Fox News Digital một khi ByteDance chấp nhận tuân thủ luật pháp Mỹ, tình hình có thể tiến triển nhanh chóng.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.