Ngày 26/7, công ty cổ phần Vingroup tổ chức buổi lễ khởi công khá quy mô tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho dự án khu phức hợp có số vốn tới 30.000 tỷ đồng. Dù chỉ động thổ để lấy ngày và thậm chí còn chưa có bản phối cảnh 3D chi tiết, nhưng buổi lễ này đã nhanh chóng gây xôn xao thị trường, với tâm điểm là tham vọng xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam, với 81 tầng.
Tuy nhiên, nếu như những dự án từng tạo nên danh tiếng của Vingroup trước đó là Times City và Royal City đều mang đến những bất ngờ cho thị trường nhờ những "món ăn độc", như sân băng trong nhà và thủy cung ngầm, thì siêu dự án mới này lại đi vào cuộc cạnh tranh khó có hồi kết. Thực tế, trước khi Vingroup công bố dự án này, danh hiệu "tòa nhà cao nhất Việt Nam" đã qua tay nhiều ông lớn khác, với những số phận không giống nhau.
Từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam, rồi nhanh chóng bị chiếm ngôi và chỉ còn danh hiệu tòa nhà cao nhất miền Nam, tháp tài chính Bitexco của tập đoàn Bitexco được xem là một trong những dấu ấn bất động sản tốt nhất của thị trường Việt Nam vào năm 2010. Với chiều cao 262m, chi phí xây dựng 220 triệu USD (4.600 tỷ đồng), tháp tài chính Bitexco trở thành tòa nhà cao thứ 110 của thế giới vào thời điểm khánh thành.
Dù không còn giữ được danh hiệu tòa nhà cao nhất VIệt Nam, nhưng tháp tài chính Bitexco vẫn được xem là một trong những biểu tượng bất động sản tại Việt Nam. |
Mặc dù chỉ giữ ngôi vị tòa nhà cao nhất Việt Nam trong vòng nửa năm, nhưng tháp tài chính Bitexco vẫn là tòa nhà mang lại nhiều danh tiếng cho công ty chủ quản, khi được chọn vào danh sách những tòa nhà biểu tượng thế giới do CNN bình chọn. Hấp dẫn giới doanh nhân nhờ bãi đỗ trực thăng ở tầng 52 (một thiết kế kỷ lục của thế giới), dù từng gặp khó khăn và phải giảm giá để hút người thuê, nhưng đây vẫn được xem là một trong những thành công của Bitexco.
Chiếm ngôi của tháp tài chính Bitexco ngay sau khi khánh thành, Keangnam Tower trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam với 72 tầng, chiều cao 336m và đứng thứ 17 trên thế giới vào thời điểm khởi công. Tuy vẫn giữ được ngôi vương sau hơn 3 năm, nhưng vận đen dường như đeo đuổi Keangnam khi tòa nhà này vướng vào hàng loạt rắc rối kể từ khi xây dựng đến lúc vận hành, với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Tai nạn lao động khiến công nhân thiệt mạng, tranh chấp phí dịch vụ, chuyển giá và báo lỗ giả là những tai tiếng mà công trình này vướng phải từ năm 2011 đến 2013. Tháng 4/2013, trong báo cáo của Tổng cục Thuế, Keangnam-Vina bị buộc điều chỉnh giảm chi phí 1.220 tỷ đồng và bị truy thu 95 tỷ đồng tiền thuế thu nhập.
Công trình nổi tiếng và cũng chịu không ít tai tiếng - Keangnam Hanoi Landmark Tower, tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. |
Năm 2010, một dự án tham vọng khác về "tòa nhà cao nhất Việt Nam" từng được đại gia giàu thứ ba trên sàn chứng khoán lúc bấy giờ là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch tập đoàn Kinh Bắc, công bố. Khi đó, tòa nhà hai khối của dự án Lotus (hiện là Diamond Rice Flower) với tổng giá trị đầu tư hàng tỷ USD dự kiến có 100 tầng, chiều cao tối đa khoảng 400m. Tuy nhiên, suốt từ khi công bố đầu tư, dự án này ẫn nằm đắp chiếu vì thiếu vốn, dù công ty Kinh Bắc vẫn có lợi nhuận ròng hàng triệu USD mỗi năm.
Giống như nhiều công trình khác của thế giới, danh hiệu "tòa nhà cao nhất" ở Việt Nam chắc chắn sẽ là một cuộc đua không có hồi kết. Kiến trúc sư Carlos Zapata - người thiết kế tháp tài chính Bitexco từng nhận định: "Cạnh tranh về độ cao không có ý nghĩa gì cả, bởi bất cứ độ cao nào cũng có thể bị vượt qua một cách dễ dàng".
Theo cha đẻ của thiết kế hình hoa sen này, một tòa nhà thể hiện được sự vĩnh cửu của nó chính là việc người ta có thể nhận biết được hình dáng của nó dưới bất kỳ hình thức nào, và sự liên hệ của công trình với văn hóa bản địa.
Với Vingroup, câu chuyện về "tòa nhà cao nhất Việt Nam" vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, nguồn tin từ công ty này cho biết, việc xây dựng những khu đô thị và trung tâm thương mại như Times City hay Royal City (với trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất châu Á) là một bảo chứng cho khả năng thực hiện của họ.