Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận lưu vong cơ cực của nhà văn Sandor Marai

Trong thế kỉ XX, người Hungary nói chung phải chịu nhiều khốn khó của thời cuộc biến động. Giới cầm bút Hungary buộc phải trải qua những điều còn khủng khiếp hơn.

Sandor Marai (1900-1989) nổi bật không chỉ bởi văn tài của mình mà còn được biết đến vì những trải nghiệm mà ông có: bởi hầu như không có nhà văn Hungary nào lúc bấy giờ có thể bình thản sống mà không gặp những rắc rối chính trị. Marai là một trong những người đầu tiên lên án Hitler (mặc dù, trớ trêu là những văn phẩm của ông vẫn được đọc ở Đức suốt những năm chiến tranh), bàng quan với Đảng Cộng sản, ủng hộ những nét đẹp của giới trung lưu mà chỉ gần đây mới trở thành một thứ “mốt”, được trọng vọng. Marai rời khỏi quê nhà Hungary năm 1948 và không bao giờ quay lại.

Danh tiếng của Marai bắt đầu lan rộng ở Hungary vào thập niên 1990, cùng với sự tái bản cuốn sách lúc bấy giờ được coi là tuyệt tác hàng đầu của nhà văn, Lời bộc bạch của một thị dân được xếp cùng hàng với tác phẩm miêu tả xã hội học của Illyés Gyula Dân miền hoang dã và tiểu thuyết Cuộc đời một con người của Kassák Lajos.

Sandor Marai ,  Hungary,  luu vong,  nha van,  loi co cay anh 1
Tác phẩm "Lời cỏ cây"

Lúc bấy giờ độc giả của Marai chỉ bao gồm những người già nhớ lại thành công ở những năm 40 thế kỷ trước của nhà văn; vài học giả có dũng khí đọc những nhà văn bị cấm và vài tay chống đối chính phủ người Hung tìm thấy trong Marai một người bạn đồng hành tương đắc. Nhưng chúng ta phải cảm ơn nhà xuất bản người Ý Roberto Calasso đã biến Marai thành một ngôi sao trong làng văn học châu Âu và tác gia được đón đọc ở Mỹ với tiểu thuyết Những ngọn nến cháy tàn – dù theo quan điểm của Marai và nhiều người Hungary khác, đây không nằm trong số những cuốn sách hay nhất của ông.

Tác phẩm đầu tiên của Marai được xuất bản khi nhà văn mới 15 tuổi, kể từ đó đến khi từ giã cõi đời ở tuổi 88, ông viết không ngơi nghỉ. Hiện nay, hầu hết tiệm sách ở Budapest đều có một khu dành riêng cho sách của Marai, trong khi nhà văn Hungary duy nhất đạt giải Nobel Imre Kertesz cũng không được ưu ái đến vậy. Khi Những ngọn nến cháy tàn được xuất bản ở Anh, Phó thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban đã đến tham dự sự kiện, sự trọng vọng này là điều mà rất nhiều tác gia Hungary đều mơ tới.

Vừa là nhà thơ, nhà báo, kịch gia, dịch giả, tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận, Marai hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng với người Hungary thì có lẽ những trang nhật kí của ông có được nhiều ngưỡng mộ nhất; khi viết bằng văn xuôi chân thực, những trang nhật kí mang đến một góc nhìn cận cảnh cuộc đời nhà văn và thời đại ông sống. Nhà văn yêu tiếng mẹ đẻ của mình, gắn bó với nó trong những năm tháng sống lưu vong luôn nhớ về cố quốc (ông có thể dễ dàng chuyển sang nói tiếng Đức) mặc dù ông ý thức rất rõ rằng quyết định này sẽ khiến phần đời còn lại của ông sẽ gắn với bần cùng, khốn khó và tăm tối.

Chính trong khoảng thời gian sống lưu vong, ông sáng tác và xuất bản đều đặn nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn. Sau cái chết của vợ và con trai nuôi, do không chịu được cảnh cô độc và bệnh tật, ông đã tự sát, thọ 89 tuổi.

Cuốn sách Lời cỏ cây xuất bản lần đầu năm 1942, đúng thời điểm diễn ra thế chiến II. Cuốn sách như dòng nước mát giữa biển lửa chiến tranh, giữa thời thế nhiều biến loạn và nỗi cô đơn bản thể của con người. Chính tác giả đã viết về cuốn sách như sau: “Cuốn sách này thông minh hơn, dũng cảm hơn và con người hơn tôi. Tôi học được nhiều từ cuốn sách này, rằng chúng ta cần phải sống, suy nghĩ và chuẩn bị cho cuộc sống và cái chết như thế.”

Minh triết trong cuốn sách giống như những thảo dược quý hiếm sẽ chữa lành những cơn đau yếu tinh thần và tâm lý của người đọc, khi con người cần phải cứu chuộc chính mình trong hoàn cảnh “bị Thượng đế bỏ rơi”. Một cuốn sách, như những gì chính tác giả thổ lộ, “không viết về những lý thuyết và những người hùng”, chỉ viết về những gì gần gũi nhưng lại ý nghĩa với những cuộc hiện sinh và những người yêu vẻ đẹp của chân lý.

Marai Sandor vốn được ca tụng như bậc thầy của thể loại đoản văn, điều đó được thể hiện rõ ràng trong cuốn Bốn mùa, trời và đất (Giáp Văn Chung dịch) và Lời cỏ cây (Nguyễn Hồng Nhung dịch). Trong cuốn Lời cỏ cây, mỗi đoản văn đều hướng đến một chủ đề khác nhau, từ những chủ đề “vĩ mô” như chuyện sống và viết, ý nghĩa cuộc đời, tính cách con người, nỗi đam mê chế ngự nhân loại, thiên nhiên đến những chủ đề tưởng chừng “vi mô” hơn như chuyện trang phục, chuyện về những cái tẩu lọc khói, chuyện đọc sách,…

“Đến hơi thở cuối cùng tôi cũng vẫn cảm ơn số phận đã cho tôi làm người và tia lửa của tri thức đã chiếu rọi tâm hồn mờ mịt của tôi. Tôi đã nhìn thấy mặt đất, bầu trời, bốn mùa. Tôi đã làm quen với tình yêu, với những mảnh mong manh của hiện thực, với khát vọng và những đổ vỡ. Tôi đã sống trên trái đất và ngày một tươi tỉnh hơn. Một ngày kia tôi sẽ chết, điều này mới đúng trình tự và đơn giản đến nhiệm màu làm sao".

Đọc Lời cỏ cây và tưới tắm mình trong những minh triết của một con người sống và viết với một sự nhiệt thành vô song, với tình yêu dành cho tha nhân của Sandor Marai, theo một cách không hề nói quá, chúng ta sẽ thấy mình không còn cằn cỗi mỗi ngày.


Nguyệt Minh

Bạn có thể quan tâm