Chiều 17/11, sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả kỳ họp.
Quy trình sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng như tính cần thiết ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục được đặt ra tại buổi họp báo.
Ý kiến đại biểu Quốc hội là kênh quan trọng
Trước câu hỏi của báo chí về "kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ quyết định thế nào đến việc trình các dự án luật ở kỳ họp tiếp theo", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, giữa hai kỳ họp, nếu còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xin ý kiến đại biểu.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng xin ý kiến đại biểu là kênh quan trọng để quyết định việc trình luật ra Quốc hội. Ảnh: Hải Quân. |
Tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Ủy ban TVQH quyết định xem có đủ điều kiện đưa vào chương trình ở kỳ họp tiếp theo hay không. Ủy ban TVQH quyết định đưa vào chương trình sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc này. Khi đó, thẩm quyền xem xét, quyết định thuộc về Quốc hội.
Ông Giang cho rằng việc xin ý kiến đại biểu là kênh quan trọng để quyết định có trình luật ra Quốc hội hay không.
Đại diện cơ quan thẩm tra các dự án luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng ý kiến đại biểu là cơ sở để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự án luật giữa hai kỳ họp.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng, việc xây dựng hai luật liên quan đến giao thông chỉ nhằm mục đích hướng đến việc có thêm luật chuyên ngành bên cạnh luật khuôn mẫu về giao thông đường bộ. Ảnh: Hải Quân. |
Nếu Ủy ban TVQH xét thấy Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý đạt yêu cầu của đa số đại biểu đặt ra, dự án luật vẫn có thể trình Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo. Nếu không đạt sẽ phải rút khỏi chương trình.
Ông Hồng nói thêm việc xây dựng hai luật liên quan đến giao thông chỉ nhằm mục đích hướng đến có thêm luật chuyên ngành bên cạnh luật khuôn mẫu về giao thông đường bộ.
“Việc này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hai dự án luật được trình đồng thời nhằm thảo luận để đảm bảo sự đồng bộ, tránh chồng chéo”, ông Hồng giải thích và thể hiện quan điểm vẫn ủng hộ phương án tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Chính phủ sốt ruột muốn cải thiện tình hình TNGT
Nói thêm về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích tình hình tai nạn giao thông làm chết và bị thương rất nhiều người nên “Chính phủ cũng sốt ruột, muốn tìm giải pháp, sáng kiến để cải thiện tình hình”.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích tình hình tai nạn giao thông làm chết và bị thương rất nhiều người nên “Chính phủ cũng sốt ruột, muốn tìm giải pháp". Ảnh: Hải Quân. |
“Khi sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ hiện hành, Chính phủ muốn xây dựng thành hai luật, nhưng khi trình ra Quốc hội còn rất nhiều ý kiến nên Quốc hội yêu cầu trả lại cho Chính phủ để tiếp thu ý kiến, nghiên cứu. Còn kỳ họp sau trình 1 luật hay 2 luật thì Chính phủ đề xuất”, ông Phúc thông tin.
Ông nhấn mạnh đây mới là vòng 1 trình Quốc hội cho ý kiến, vòng 2 mới trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, việc xin ý kiến ngay tại vòng 1 cũng là cơ sở tiếp thu ý kiến để hoàn thiện luật cho vòng sau.
“Khi phát biểu tại hội trường, mỗi buổi nhiều nhất chỉ có hơn 20 ý kiến phát biểu, vậy còn hàng trăm đại biểu khác ý kiến thế nào? Do đó mới thăm dò ý kiến đại biểu bằng phiếu và kết quả chuyển cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý”, ông Phúc giải thích.
Trong ngày 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Kết quả, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ hiện hành và chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Phần lớn đại biểu cũng thể hiện chính kiến cho rằng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “chưa cần thiết”.