Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là 'chưa cần thiết'

Khi được lấy ý kiến, 290 đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa cần thiết.

Chiều 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có 2 nội dung được đưa ra xin ý kiến đại biểu. Một là tính cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Kết quả lấy phiếu cho thấy có 290 đại biểu Quốc hội chọn phương án "chưa cần thiết" (chiếm 60,9% tổng số đại biểu Quốc hội). Số người chọn phương án cần thiết là 96 (19,96%) và 18 người chọn phương án khác; 7 đại biểu không chọn phương án nào.

Nội dung thứ hai được đem ra xin ý kiến là "Trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật".

Kết quả xin ý kiến có 206 đại biểu chọn phương án "không đồng ý" (chiếm 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội); 169 đại biểu chọn phương án "đồng ý" (35,14%).

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn khi dự thảo luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hầu hết giống với công an xã. Nhà nước sẽ phải chi ngân sách lớn cho lực lượng này. Ảnh: Quốc hội.

Sáng cùng ngày, khi thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, một số ý kiến ủng hộ sự cần thiết ban hành Luật, song những ý kiến khác bày tỏ nhiều băn khoăn.

Giải trình trong phiên thảo luận sáng 17/11, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, giải thích đây là lực lượng có sẵn. Nhiều đại biểu lo ngại khi có lực lượng này công an chính quy về xã sẽ đùn đẩy trách nhiệm, song Bộ trưởng Công an khẳng định “công an chưa bao giờ, chưa từng từ chối, đổ trách nhiệm hay thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

“Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình”, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công an giải thích các hoạt động của lực lượng này động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân nên phải quy định bằng luật.

“Luật ra đời không hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại tướng Tô Lâm, đồng thời khẳng định con số giảm được 500.000 người là có cơ sở, không phải “tự nghĩ ra được”.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc tài liệu luật đánh giá sẽ giảm 500.000 người là không thực tế vì “sẽ tăng chứ không thể giảm”. “Ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo luật là 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương. Với những nơi mạnh như TP.HCM, Hà Nội chịu được, chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Công tác đại biểu) băn khoăn khi dự thảo luật quy định nhiệm vụ của lực lượng này hầu hết giống với công an xã. Hơn nữa, các quy định toát lên tính chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách nên Nhà nước sẽ phải chi ngân sách lớn cho lực lượng này.

“Trong khi chúng ta đang oằn mình để thắt lưng buộc bụng, phục hồi kinh tế, hầu hết khó khăn về ngân sách, nay lại thêm nỗi lo này thì khó có thể lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông nêu quan điểm.

Đại tướng Tô Lâm: 'Công an chưa từng thoái thác trách nhiệm'

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, không có chuyện xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng công an thoái thác, từ chối, trốn tránh trách nhiệm của mình.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm