Nguyễn Huỳnh: Kết thảm của nam diễn viên tài hoa 2 lần dính ma túy
Nguyễn Huỳnh từng là diễn viên đình đám những năm 90. |
Nguyễn Huỳnh sinh năm 1967 trong một gia đình có đến 10 anh chị em tại tỉnh Bến Tre. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ tính nghệ sĩ. Lớn lên, Nguyễn Huỳnh theo học tại Trường Điện ảnh TP HCM, cùng khóa với Lê Tuấn Anh, Ngọc Hiệp, Diễm Hương, Thiệu Ánh Dương...
Với Nguyễn Huỳnh, ngay từ những ngày đầu vừa bước chân vào trường điện ảnh TP HCM, anh đã được bạn bè yêu quý bởi tính cách hiền lành, thậm chí có chút bẽn lẽn.
Cùng với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh…, anh trở thành hiện tượng điện ảnh trong thập niên 90. Khi đó, Nguyễn Huỳnh gần như được “phủ sóng” toàn quốc qua các vai chính trong phim: Giã từ dĩ vãng, Bến bờ khát vọng, Chuyến tàu hoàng hôn, Sóng gió đời người, Người về từ nghìn trùng, Cô nữ sinh bướng bỉnh...
Có thể nói, cuộc đời Nguyễn Huỳnh như một vở kịch và anh đã diễn tròn vai trên sân khấu đời của mình. Ngay khi sự nghiệp đang chín muồi nhất, anh lại để mình rơi xuống vực thẳm.
Anh xuất hiện liên tiếp trong các bộ phim truyền hình đình đám. |
Đó là vào năm 2000, trong một lần đi dự Liên hoan phim ở Hà Nội, một số người hâm mộ mời anh đi nhậu. Khi đã chếnh choáng hơi men, anh dính vào ma túy. Một lần, rồi hai lần, dần dà anh không thể thoát khỏi mê cung cực lạc mà làn khói thuốc đầy mê muội đó đem lại.
Thế rồi những bộ phim anh đóng cũng chỉ đủ chi phí trang trải cho việc hút chích. Những tài sản vốn có suốt một chặng đường làm phim dần cũng bị quy đổi thành chất trắng.
Những cơn nghiện lại dày đặc hơn, các bộ phim anh đóng thưa dần. Nguyễn Huỳnh đã tự rời xa khán giả, rời xa nghệ thuật như thế, nghiệt ngã như chính những bi kịch anh từng thể hiện trên phim ảnh.
Hình ảnh nam diễn viên những ngày cuối đời trong trại cai nghiện. |
Có những lúc choàng tỉnh sau một cơn “phê” thuốc, anh đã khóc như một đứa trẻ. Có lẽ đó là những lần hiếm hoi anh nhớ lại giấc mơ thuở ban đầu lập nghiệp. Khi đó, Nguyễn Huỳnh đã mơ ước được làm một vài phim nào đó về quê hương Bến Tre của mình.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng tâm sự: "Lần đầu gặp cậu ấy, tôi thấy Nguyễn Huỳnh đầy triển vọng. Cậu ấy lịch lãm, hào hoa, tài tử. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích được vì sao, bằng cách nào, cuộc đời lại xô đẩy cậu ấy vào con đường nghiện ngập, bất hạnh như thế”.
Đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn đa sầu đa cảm của người nghệ sĩ ấy vẫn ánh lên nỗi khát khao được trở về. Thế là được sự động viên từ gia đình, bạn bè, anh khăn gói lên trại cai nghiện Phú Đức (tỉnh Bình Phước).
Trong thời gian ở trại, Nguyễn Huỳnh đã viết nhiều tiểu phẩm và một vài kịch bản, đáng kể nhất là Mảnh vá cuộc đời về đề tài ma túy và tái hòa nhập cộng đồng. Nguyễn Huỳnh trở thành đội trưởng đội văn nghệ, tham gia viết kịch bản và đạo diễn nhiều vở kịch ngắn về chủ đề ma túy.
Nguyễn Huỳnh từng ước mơ, hy vọng được làm lại từ đầu. |
Từng cai nghiện 5 năm cho đến khi được ra trường cai nghiện, được sự động viên tích cực của một số anh em nghệ sĩ, anh tiếp tục tham gia các bộ phim Chuyện tình yêu, Nhịp đập trái tim.. Trong đó, với bộ phim Bông hồng trà, anh để lại nhiều ấn tượng trong vai một sĩ quan phản diện của chế độ cũ do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện. Ngoài ra, anh còn viết kịch bản vở Mảnh vá cuộc đời do anh đóng vai chính. Tuy nhiên khi vở diễn chưa thực hiện thì anh tái nghiện, phải trở lại trung tâm.
Hai lần vào trại cai nghiện trong một khoảng thời gian dài, đã tiêu tốn gần như cạn kiệt tuổi trẻ của Nguyễn Huỳnh, diễn viên một thời “đình đám” của phim trường.
Anh ra đi trong lặng lẽ, thê lương hồi tháng 5/2009. |
Tháng 5/2009, khi tất cả những kịch bản cay đắng về cuộc đời còn dang dở, Nguyễn Huỳnh đã ra đi do bệnh tật tại bệnh viện Vũng Tàu, bỏ lại nỗi tiếc thương cho người thân, bạn bè và người hâm mộ. Anh đi khi biết bao dự định còn đang dang dở.
Nguyễn Huỳnh đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 42, khép lại trong niềm tiếc nhớ của người ở lại. Dẫu sao, anh cũng đã diễn trọn vai diễn trong tấn sân khấu đời của mình. Và những vai diễn của anh thì mãi còn trong lòng người hâm mộ.
Minh Quốc: Giấc mơ không tưởng với việc trở lại đam mê nghệ thuật
Diễn viên Minh Quốc. |
Tốt nghiệp lớp Diễn viên khóa II của nhà hát Kịch Việt Nam, mười mấy năm gắn bó với nghề, Minh Quốc cũng đã kịp tạo dựng trong “gia tài nghề nghiệp” của mình một kho tàng kha khá những bộ phim, những vai diễn ấn tượng.
Một thời gian dài Quốc là diễn viên nam chính trong dàn kịch mục của Nhà hát (chuyên đóng cặp đôi với Chiều Xuân và Ngân Hoa), tham gia đóng phim truyền hình và cả phim nhựa. Theo lời nhận xét của diễn viên Tuấn Hải thì “chưa phải là một tài năng sáng chói nhưng để có trình độ diễn xuất được như Quốc thì đào tạo không dễ và không nhanh chút nào”.
Năm 2000, trong Giấc mộng đêm hè, đóng cặp với nữ diễn viên người Mỹ, chàng Alex Minh Quốc đã thể hiện câu chuyện tình yêu lãng mạn pha chút thần tiên của Shakespeare rất thuyết phục. Năm 2001, bên cạnh Chiều Xuân và Ngân Hoa, Minh Quốc lại có thêm một vai diễn khá hay trong câu chuyện tình tay ba Âm thầm biển. Nhưng kể từ đó, vắng bóng Minh Quốc trong những vai diễn hay mà thay vào đó là lời đồn anh “nghiện”.
Sức khỏe giảm sút, những buổi tập trễ giờ và bộ dạng thất thểu, tiều tụy khiến anh phải nhường lại nhiều vai nam chính. Nhiều năm sau đó, mọi người coi anh như một “bóng ma” thi thoảng vẫn lượn lờ quanh Nhà hát. Bộ phim gần nhất Minh Quốc tham gia diễn xuất, tính đến khi bị bắt là phim Đèn vàng đóng cùng với Lê Vy. Bộ phim đã được tham dự Liên hoan phim Truyền hình. Cho đến khi anh bị bắt... Đó là một ngày tháng 8/2008.
Minh Quốc trong một vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam (Ảnh: blog diễn viên Tuấn Hải) |
Người của nhà hát nơi Minh Quốc từng công tác nói: Sau khi ra tù năm 2010, anh đến nhà hát một lần, rồi không đến nữa. Nhà hát cũng không nhận lại Minh Quốc. Và cũng không ai còn gặp anh, không biết anh ở đâu.
Năm 2010, sau khi ra khỏi trại giam, Minh Quốc có một lần duy nhất trải lòng trên báo chí. Căn nhà nhỏ của anh trong khu phố cổ Hà Nội, thời điểm đó, anh hàng ngày bán vé số kiếm sống.
Minh Quốc, trong lúc nói chuyện, có những phút trầm tư. Và khẳng định, sẽ chỉ hạnh phúc khi được trở lại làm nghề. Với Quốc, ánh đèn sân khấu như một thứ ma lực rất khó cưỡng lại sức hấp dẫn của nó.
Thế nhưng, khi trở về anh phải lo cho cuộc sống của mình, lo miếng cơm ăn. Không ai lo cho mình được điều ấy, không một “Mạnh Thường Quân” nào, ngoài chính mình. Bản thân Minh Quốc thấy mình không thể làm tốt bất kỳ công việc nào ngoài việc diễn. Nhưng anh muốn có một thời gian để kiếm sống, ổn định và suy nghĩ thật chín chắn về con đường đi của mình..
Khi được hỏi Minh Quốc có lời nào muốn nói với khán giả, với những người đã từng mến mộ anh, Quốc bất chợt rưng rưng: “Tôi tiếc rằng trên đường sự nghiệp lại có bước vấp ngã như thế này. Tôi hổ thẹn với những khán giả đã mến mộ, đã quý mến mình trên sân khấu, màn ảnh.
Công việc thường ngày của Phạm Minh Quốc thời kỳ ở trại giam số 1 cách đây đã khá lâu. |
Trở về, công việc của anh hoàn toàn là lao động chân tay và anh không muộn phiền hay e ngại khi nói về những điều ấy. Nhưng anh chấp nhận cuộc sống như vậy vì nếu không chấp nhận cũng không được… Anh quan niệm làm việc gì dù trí óc hay chân tay đều tốt cả. Anh có thể chạy xe ôm, bán vé số, làm bếp nhà hàng, trông xe ngày Tết, bán bóng bay ở công viên. Nhưng nó chỉ là công việc mang tính chất tạm thời, lo cuộc sống trước mắt kiểu tạm bợ.
Anh trở về với đời thường, chia tay mối tình 4 năm, làm công việc chỉ đủ chi tiêu cho mình, không tích cóp được gì và cũng chẳng lo cho được ai.
Đó là những thông tin cuối cùng mà người ta biết về Minh Quốc, cách đây đã 5 năm. Đến nay, Minh Quốc đã thực sự "biến mất" khỏi đời sống nghệ thuật.