Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống ẩn tích của diễn viên 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

Sau hơn 30 năm, các diễn viên trong phim đã hầu như không còn diễn xuất, họ có cuộc sống "ẩn tích".

Bao giờ cho đến tháng Mười là câu chuyện của Duyên – nhân vật chính - sau khi đi thăm chồng ở miền Nam trở về với tin dữ: chồng chị đã hy sinh. Quá tuyệt vọng và mệt mỏi bởi hành trình Nam Bắc, chị ngã từ trên đò xuống sông nhưng được người thầy giáo làng tên là Khang cứu vớt. Không muốn dập tắt hy vọng con trai sẽ sống sót trở về của ông bố chồng đang lâm bệnh, chị đành chịu đựng nỗi đau một mình và yêu cầu anh Khang giữ kín. Chị nhờ anh Khang viết những bức thư giả làm thư của chồng chị gửi từ chiến trường để mong làm yên lòng gia đình.

Cảm động trước sự hy sinh, chịu đựng của Duyên, Khang đã dần dần nảy sinh tình cảm với Duyên, anh viết một bức thư thổ lộ tình cảm của mình. Nhưng chẳng may bức thư đó lọt vào tay người chị dâu và mọi chuyện vỡ lở ra cả làng. Khang phải chuyển đi dạy ở nơi khác để tránh điều tiếng dị nghị cho Duyên. Duyên ở lại âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến khi ông bố chồng ốm nặng sắp ra đi. Ông bắt cô phải đánh điện gọi con trai trở về.

Thấy Duyên luống cuống không biết giải thích thế nào cho thỏa đáng, cậu con trai đã tự ý bỏ lên bưu điện huyện để đánh điện tín. Trên đường đi, cậu xin đi nhờ một chiếc ô tô chở bộ đội, biết được câu chuyện của gia đình cậu bé và biết rõ bố cậu đã hi sinh, họ quay trở lại làng. Chiếc xe về đến nhà Duyên đúng lúc người bố trút hơi thở cuối cùng với niền tin là con trai đã trở về. Câu chuyện được làm rõ, lúc bấy giờ mọi người mới biết nỗi oan khuất của Duyên. Khang được minh oan, Duyên mong Khang trở lại nhưng anh đã ra đi.

Bìa poster
Bìa poster Bao Giờ cho đến tháng 10 - đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Năm 1984, phim truyện nhựa Bao giờ cho đến tháng Mười (kịch bản và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh) ra đời và lập tức trở thành một tượng đài của nền điện ảnh Việt Nam hiện đại. Lấy nhân vật chính là người phụ nữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Bao giờ cho đến tháng Mười là một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980.

Sau hơn 30 năm, các diễn viên trong phim đã không còn theo nghề, họ có cuộc sống "ẩn tích", đảm nhận những công việc khác nhau ở những ngành nghề khác nhau.

Lê Vân: Cô Duyên "đa đoan" của Bao giờ cho đến tháng Mười

Đằng sau ánh hào quang nghệ thuật, Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” (NSƯT Lê Vân) đã trải qua nhiều sóng gió trong đời sống riêng tư.

NSƯT Lê Vân sinh năm 1958 tại Hà Nội, có cha mẹ là hai nghệ sỹ kịch nói có tiếng của Việt Nam, Trần Tiến và Lê Mai. Dưới chị, 2 em gái ruột cũng đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và là những nghệ sỹ có tiếng, NSND Lê Khanh và nghệ sỹ múa Lê Vy.

Chị xuất thần trong trường đoạn Duyên gặp chồng trong phiên chợ Âm Dương.
Chị xuất thần trong trường đoạn Duyên gặp chồng trong phiên chợ Âm Dương.

Nhắc đến chị, là nhắc đến một trong những nữ diễn viên thành danh thuộc thế hệ thứ hai của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Trước Duyên, Lê Vân đã thành danh và đóng đinh tên tuổi với vai chị Dậu trong bộ phim cùng tên, nên nhân vật Duyên được coi là một thử thách khó với Lê Vân. Thế rồi, Duyên là vai diễn mang lại nhiều cảm xúc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của chị. Thời kỳ đó, không nhiều những vai diễn mô tả góc tối phía sau cuộc chiến, những hy sinh muôn mặt thầm lặng và khắc khoải ở hậu phương như vai Duyên.

Chị kể rằng, thời kỳ đóng Bao giờ cho đến tháng Mười, chị còn tập cả vũ balê cho vở Spartacus (Lê Vân là diễn viên múa chuyên nghiệp). Ngày ngày cứ 5 giờ sáng chị dựng bác lái xe dậy, lùa vội bát cơm nguội ở đoàn làm phim rồi lên xe từ Nhị Khê về nhà hát tập vở với diễn viên và chuyên gia Liên Xô; 12 giờ trưa khi tập xong lại vội vàng lên xe trở về Nhị Khê, tới nơi cũng vội vàng ăn bát cơm nguội rồi tiếp tục quay cùng đoàn làm phim cho đến đêm.

Lê Vân đã hóa thân xuất sắc vào cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười
Lê Vân đã hóa thân xuất sắc vào cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười.

Vai diễn cũng đã mang lại cho Lê Vân danh hiệu Bông sen vàng dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam năm 1985, và cũng là vai diễn mà chị ưng ý nhất. “Khi diễn, bản thân mình cũng không nhận ra đâu là ranh giới giữa đời thực và đời sống phim ảnh”, chị kể. Vai diễn này cũng chính là vai diễn trọn vẹn nhất kể từ khi chị diễn bộ phim đầu tiên năm 19 tuổi.

Sau Duyên, Lê Vân tiếp tục thành công vang dội với những vai diễn để đời như Xoan trong Thằng Bờm, tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì, vai Quyên trong Thương nhớ đồng quê...

Vào năm 38 tuổi, khi nhan sắc và tài năng đang ở độ chín muồi, Lê Vân đột nhiên mất tích khỏi màn ảnh, sau bộ phim Thương nhớ đồng quê cũng của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nhưng chị nói, việc chị ngừng lại không theo nghiệp diễn (cũng như nghiệp múa) là đúng lúc và không hối tiếc bởi chị đã cống hiến hết mình với cả hai nghề. Trong suốt 19 năm theo nghiệp diễn viên và 27 năm theo nghề múa (chị học múa khi mới 11 tuổi) chị đã làm việc hết mình.

Năm 2006, Lê Vân gây sốc dư luận với cuốn tự truyện Lê Vân: Yêu và sống
Năm 2006, Lê Vân gây sốc dư luận với cuốn tự truyện Lê Vân: Yêu và sống.

Mười năm sau, năm 2006, Lê Vân xuất hiện trở lại truyền thông, nhưng lại không phải với tư cách một diễn viên mà là tác giả của cuốn tự truyện gây sóng gió "Lê Vân: Yêu và sống". Cuốn sách kể về cuộc sống thời niên thiếu khốn khổ của Lê Vân và gia đình, những xung đột về tình cảm giữa hai ông bà Trần Tiến - Lê Mai và sau đó là ba mối tình, lúc đầu với một người Việt, sau đó là một Việt Kiều và một người mang quốc tịch Hà Lan...

Hiện tại, NSƯT Lê Vân đã rút vào cuộc sống lặng lẽ với gia đình nhỏ của mình, giữ tròn bổn phận người vợ, người mẹ và hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay truyền thông.

Hữu Mười: Duyên phận trên phim, ngoài đời đến gắn với nghề thầy giáo

NSƯT Nguyễn Hữu Mười là bạn đồng môn với Bùi Cường trong lớp diễn viên khóa hai trường Điện ảnh Việt Nam. Trước khi vào vai thầy giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng Mười, ông đã tham gia nhiều phim như Khôn dại, Ngày ấy ở sông Lam, Phương án ba bông hồng và đặc biệt là vai giáo Thứ trong Làng Vũ Đại ngày ấy.

Trong phim, Khang là một người thầy giáo nhân hậu, tâm lý và vô cùng sâu sắc. Anh đã cứu sống được Duyên khi cô bị ngã xuống sông trên đường từ biên giới Tây Nam trở về.

Không chỉ là một người đàn ông tốt bụng, sẵn sàng giang tay cứu giúp người khác, trong phim Khang còn là một người thầy giáo tận tâm, tận tụy. Tuy ít nói và có phần hơi trầm song Khang lại một người thầy giáo rất sâu sắc. Anh luôn mang đến cho những học trò của mình những bài học thật lí thú về tình người, sự bao bọc nhau trong cuộc sống đầy khốn khó. Với vai diễn nổi tiếng này, tên tuổi Hữu Mười cũng nhanh chóng vụt sáng thành ngôi sao trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ.

Hữu Mười vai thầy giáo Khang
Hữu Mười vai thầy giáo Khang.

Vai giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã đem đến cho ông Bông Sen Vàng hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ bảy (1985).

Nói về thời kỳ đóng Bao giờ cho đến tháng Mười, "thầy giáo Khang" vẫn chưa hết xúc động: "Ngày ấy, chúng tôi làm phim một cách say mê, nhiệt tình. Trong niềm đam mê, có sự nhẹ nhàng, thanh thản, không toan tính. Cứ có lệnh của đoàn làm phim là khoác ba lô lên đường. Chúng tôi ăn ở, sinh hoạt cùng người dân ở tại bối cảnh luôn, cứ ở đó từ khi phim bấm máy cho đến khi phim đóng máy mới được về.

Diễn viên thời ấy không có cát-sê như bây giờ. Chúng tôi ăn lương của hãng (hãng phim truyện VN). Trước khi lên đường theo đoàn làm phim phải nhớ ra hàng gạo cắt tem gạo để nộp cho đoàn làm phim. Hoàn thành xong một vai diễn chỉ được nhận tiền bồi dưỡng vai, nếu là vai chính (xuất hiện trên 500-700m phim nhựa) sẽ nhận được khoảng 15-20 đồng.

Tiền ít, cuộc sống theo đoàn làm phim thiếu thốn, vất vả, nhưng quả thực, chúng tôi chỉ cần có được vai diễn là hăng hái lên đường. Chúng tôi sống với nghệ thuật đơn giản bằng tình yêu và niềm đam mê, nhiệt huyết."

Hữu Mười trong phim (trái) và bình dị ngoài đời.
Hữu Mười trong phim (trái) và bình dị ngoài đời.

"Cuộc sống là một dòng chảy bất tận, ta không thể đứng mãi một chỗ để tiếc nuối. Tôi cảm ơn đạo diễn Phạm Văn Khoa đã mời tôi đóng vai thày giáo Thứ trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho tôi vai giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng 10, để đến bây giờ, hai vai diễn ấy của tôi vẫn được nhắc nhớ mãi.", diễn viên Hữu Mười hàm ơn.

Năm 2011, Hữu Mười nhận giải Cánh Diều Vàng cho phim nhựa Mùi cỏ cháy - do anh làm đạo diễn.
Năm 2011, Hữu Mười nhận giải Cánh Diều Vàng cho phim nhựa Mùi cỏ cháy - do anh làm đạo diễn.

Năm 1987, nghệ sĩ sang Nga theo học ngành đạo diễn. Phim điện ảnh Mùi cỏ cháy do ông đạo diễn đoạt Cánh Diều Vàng năm 2011. NSƯT Hữu Mười hiện đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Hiện ngoài công việc đạo diễn, NSƯT Hữu Mười còn là giảng viên, giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đặng Lưu Việt Bảo: Không tái hôn vì bận

Đảm nhận vai liệt sĩ Nam - chồng Duyên - là diễn viên Đặng Việt Bảo (còn gọi là Đặng Lưu Việt Bảo). Chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài phân đoạn nhưng gương mặt điển trai, khắc khổ cùng ánh mắt bất động của một người chết do anh thủ vai ám ảnh người xem. Những câu thoại của nhân vật này cũng là thông điệp chính của bộ phim: "Những người ngã xuống vì đất nước chỉ mong người sống được hạnh phúc".

Trước vai liệt sĩ Nam, Đặng Việt Bảo đã tham gia phim Tội lỗi cuối cùng, Anh và em... cùng nghệ sĩ Phương Thanh.

Việt Bảo (trái) và Lê Vân trong phim
Việt Bảo (trái) và Lê Vân trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười.

"Tôi quyết định làm cho mắt bất động để miêu tả sự bất lực của một người đã chết. Tôi cũng dặn Lê Vân chỉ đưa tay trước má tôi như đang chạm vào chứ không đặt hẳn tay lên má bởi hai người đang ở trong cảnh âm dương cách biệt", Đặng Việt Bảo nhớ lại.

Anh tâm sự rằng cảnh Duyên gặp Nam ở bến sông lên hình có vài giây nhưng êkíp phải dọn bờ sông mất cả buổi chiều vì khi nước rút, lòng sông lộ ra nhiều rác thải và mảnh sành, vỏ chai. Toàn bộ chi phí dọn dẹp, nam diễn viên dùng thù lao đóng phim của mình để trả chứ đoàn phim không cho phép phát sinh kinh phí. "Tôi muốn mỗi cảnh quay có mình đều phải hoàn hảo từ bối cảnh đến khung hình", anh nói.

Năm 1986 hãng phim truyện Việt Nam cử anh đi học đạo diễn bên Nga trong 10 năm. Trở về Việt Nam năm 1996 cũng là khi hạnh phúc riêng đổ vỡ. Nam diễn viên và vợ chia tay sau 10 năm "xa mặt cách lòng". Đặng Việt Bảo nuôi con trai lớn, con gái nhỏ ở với mẹ. Năm 2003, đạo diễn chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Anh thành công trong vai trò đạo diễn của nhiều phim gây tiếng vang như Chuyện làng Nhô, Ảo ảnh trắng, Cỏ đuôi gà, Thứ ba học trò, Gió nghịch mùa...

Việt Bảo tâm sự 10 năm học đạo diễn bên Nga khiến anh quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng và không muốn bị xao nhãng vì bất cứ điều gi khác trong cuộc sống. Khoảng thời gian này cũng rèn cho anh nếp sống tự lập và khả năng tự chăm sóc bản thân nên không thấy hẫng hụt khi phải sống một mình.

Ngoài công việc đạo diễn, Đặng Việt Bảo còn tham gia giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM.
Ngoài công việc đạo diễn, Đặng Việt Bảo còn tham gia giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM.

Thêm một lý do khiến đạo diễn quyết định không tái hôn là vì ngại bắt đầu lại quy trình lấy vợ, sinh con mà không biết trước có bất trắc nào xảy ra với cuộc hôn nhân thứ hai. "Tôi chọn giải pháp yêu mà không cưới", anh cười.

Hơn 20 năm sống đơn độc, diễn viên điển trai năm xưa tìm cách quên nỗi cô đơn bằng công việc và những thú vui dân dã.

Một số giải thưởng của Bao giờ cho đến tháng Mười: Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985; Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989; Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985; Một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn.

http://giadinh.net.vn/giai-tri/cuoc-song-an-tich-cua-dien-vien-bao-gio-cho-den-thang-muoi-sau-30-nam-20150924094914041.htm

Theo K.N/Gia Đình

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm