Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở nói không có kẹt xe kéo dài, dân bảo còn nhiều

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ 9 vụ kẹt xe nghiêm trọng năm 2012, đến năm ngoái chỉ còn 3 vụ và từ đầu năm nay, TP.HCM chưa xảy ra kẹt xe kéo dài.

"5 năm gần đây, TP.HCM đã giảm đáng kể những vụ kẹt xe nghiêm trọng kéo dài trên 30 phút. Từ đầu năm 2014 chưa xảy ra vụ nào", ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết trong buổi đối thoại giữa cử tri và cơ quan ban ngành thành phố về Đầu tư Phát triển giao thông nông thôn và ngoại thành trên đài truyền hình sáng 10/8.

Theo vị Phó giám đốc sở, kết quả trên có được là nhờ các kế hoạch và sự tập trung nguồn lực để giải quyết, xây dựng, đầu tư các trục giao thông chính, hướng tâm, xuyên tâm... Mặt khác, việc xây dựng cầu vượt tại các nút giao như Hàng Xanh, Cây Gõ... cũng khiến giao thông được cải thiện rõ rệt. 

Xe tải xếp lớp trên cầu Phú Mỹ thời gian qua. 

Trước ý kiến này, đại diện cử tri phường 13, quận Gò Vấp phát biểu: "Đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) là tuyến huyết mạch chạy ra quốc lộ 1 nhưng rất nhỏ, hẹp, luôn xảy ra tình trạng kẹt xe, triều cường... luôn là nỗi nhức nhối của người dân". 

Ngay lập tức, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, việc Sở Giao thông nói hết kẹt xe nhưng là hết ở ngoài đường lớn còn đường nhỏ vẫn còn tình trạng này như phản ánh của cử tri. 

Liên quan đến bài toán đầu tư giao thông nông thôn, vùng ven, hàng loạt các giám sát tại địa phương cho thấy thực trạng nhiều chênh lệch so với cảnh tượng trong trung tâm thành phố. 

Điển hình là người dân khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức sống như trong lòng chảo vì khi mưa, triều cường thì khu vực này ngập nặng vì không có chỗ thoát nước. Tương tự, chị Nguyễn Thị Chút (phường 10, quận Gò Vấp) thông tin, bà con nâng nền nhà nhiều lần nhưng nước cũng dâng cao và tràn vào.

Đặc biệt, người dân tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) cho biết, tại cầu bà Năm, mỗi lần muốn đi qua phải xuống xe dẫn bộ vì độ dốc quá cao, trơn trượt. "Nếu đi thẳng xe máy lên thì bị tuột xuống ngay", ông Võ Văn Sanh, người dân khu vực này nói.

Đường về miền Tây kẹt cứng, tài xế vừa lái xe vừa tám chuyện

Từng dòng xe nối đuôi nhau dài hàng chục km trên quốc lộ 1 A đoạn qua TP.HCM. Nhiều tài xế ngán ngẩm mở cửa cabin để... tám chuyện với đồng nghiệp.

Trước những dẫn chứng rõ ràng, thực tế của người dân, người đứng đầu HĐND TP đặt câu hỏi về trách nhiệm giám sát của Ban Kinh tế ngân sách.

"Vấn đề thoát nước hiện nay là bức xúc nhất, việc duy tu sửa chữa đường cũng bị ảnh hưởng theo, nếu không đồng bộ về quy hoạch giữa thoát nước và xây dựng tuyến giao thông thì có địa phương năm nay bỏ 10 tỷ đồng cho duy tu thì năm sau phải bỏ ra khoản 30 tỷ. Về thực trạng này, chúng tôi đã thấy biện pháp giải quyết chưa đủ mạnh", ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND trần tình.

Về vốn, Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết, nhu cầu vốn cho giao thông nhiều tuy nhiên nguồn lực thành phố có hạn. "TP làm ra 100 đồng thì phải nộp đến 77 đồng cho ngân sách, chỉ còn 23 đồng chi tiêu. Chúng ta thu 226.000 tỷ đồng, được sử dụng chỉ 40.000 tỷ đồng nên cần phải bố trí danh mục đầu tư lĩnh vực giao thông cho hợp lý", bà Lan lý giải.

Kiên Cường

Bạn có thể quan tâm