Ca tử vong đầu tiên vì virus gây nên đại dịch hiện nay là ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào ngày 9/1. Thế giới chạm mốc 50.000 ca tử vong trong 83 ngày và mất thêm 8 ngày nữa để lên đến mốc 100.000, theo Reuters.
Số ca tử vong tăng với tốc độ 6-10%/ngày trong vòng một tuần qua, và có 7.300 người chết được ghi nhận trên toàn cầu hôm 9/4.
Số ca tử vong giờ đây có thể được so sánh với thiệt hại nhân mạng trong dịch hạch ở London vào giữa thập niên 1660, với ước tính 100.000 thiệt mạng, tức khoảng 1/3 dân số thành phố khi đó.
Tuy nhiên, con số này vẫn đang kém xa so với những gì dịch cúm Tây Ban Nha gây ra, bắt đầu năm 1918. Ước tính hơn 20 triệu người đã tử vong cho đến khi dịch bệnh được dập tắt vào năm 1920.
Nhân viên y tế ở Leganes, Tây Ban Nha, khóc thương khi tiễn đưa một đồng nghiệp qua đời vì dịch bệnh hôm 10/4. Ảnh: AP. |
Virus corona chủng mới được cho là lây sang những người đầu tiên tại một chợ hải sản tươi sống có bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Mầm bệnh nhanh chóng lây lan ở Trung Quốc và ra toàn thế giới.
Theo thống kê được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins, số người nhiễm virus toàn cầu đã lên đến 1.684.833, trong đó 102.136 người đã tử vong. Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm - 492.240, với 18.350 người chết, trong khi Italy dẫn đầu về số người chết - 18.849, trong tổng số 147.577 ca nhiễm.
Tỷ lệ tử vong toàn cầu hiện ở mức 6,25%, song nhiều chuyên gia tin rằng con số thực sự thấp hơn vì ca bệnh nhẹ, không triệu chứng không được thống kê đầy đủ.
Thống kê tại một số nước, bao gồm Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh, cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn 10%.
Một trong những nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ tử vong, liên quan đến 44.000 bệnh nhân ở Trung Quốc, cho kết quả là 2,9%.
Nghiên cứu này cũng cho thấy 93% người tử vong ở độ tuổi trên 50, và hơn một nửa là người ngoài 70.
Trong khi khu vực Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 30% tổng số ca nhiễm toàn cầu, châu Âu lại có số ca tử vong cao hơn, với những nước như Tây Ban Nha và Italy bị ảnh hưởng nặng nhất. Nam Âu chiếm hơn 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu, dù số ca nhiễm tại khu vực chỉ chiếm hơn 20%.