Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sợ' McDonald's, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh đóng cửa

Trước áp lực Mc Donald's sắp vào Việt Nam, Jollibee, KFC, Lotteria đã quyết định cho đóng cửa một vài cửa hàng kinh doanh không tốt để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ khi xuất hiện gần như khá đầy đủ các gương mặt thức ăn nhanh hàng đầu thế giới, như Burger King, KFC, Lotteria... Nhìn chung, 90% thị phần đang nằm trong tay các thương hiệu nước ngoài. Việc McDonald's sẽ có mặt tại Việt Nam đầu năm 2014 được các chuyên gia nhận định sẽ làm thị trường fastfood nóng hơn bao giờ hết. Với mức tăng trưởng 26%/năm, dư địa phát triển của ngành này vẫn còn khá rộng, Việt Nam hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu trên.

Đi đầu tại Việt Nam từ những năm 1996, KFC phải tốn đến 7 năm để có những đồng lợi nhuận đầu tiên, và hiện tại, họ đang dẫn đầu với 15% thị phần. Tiếp theo là các thương hiệu khác như Lotteria, Jollibee và 2 gương mặt hàng đầu là Subway, Burger King. Có nhiều câu hỏi và hoài nghi về sự có mặt của “người đến sau” McDonald's. Tuy nhiên, nhìn vào những động thái trong việc cơ cấu lại cửa hàng của các thương hiệu hàng đầu, lâu năm hiện nay, có thể thấy được sức ảnh hưởng của McDonald’s đến thế nào. Jollibee, KFC, Lotteria đã quyết định cho đóng cửa một vài cửa hàng kinh doanh không tốt để giảm bớt gánh nặng tài chính của mình.

Việc McDonald's sẽ có mặt tại Việt Nam đầu năm 2014 được các chuyên gia nhận định sẽ làm thị trường fastfood nóng hơn bao giờ hết.
Với Burger King, mặc dù mới gia nhập thị trường fastfood chưa lâu nhưng đã có 17 cửa hàng. Không dừng lại ở đó, họ vẫn đang đẩy mạnh phát triển, trung bình 1 tháng, Burger King mở thêm 2 cửa hàng. “Điều này có thể là cần thiết với Burger King khi sức ép của người khổng lồ McDonald's quá lớn. McDonald's chuẩn bị có cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam buộc Burger King phải tìm cách nâng tỷ lệ nhận biết thương hiệu lên cao, từ đó nâng cao tỷ lệ người dùng Burger King thường xuyên lên cao", ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Greem Standard nhận xét.

Bất chấp tín hiệu không tốt từ doanh thu của các cửa hàng, Burger King vẫn chạy đua phát triển chuỗi cửa hàng của mình. Theo quan điểm của 1 số chuyên gia trong nghành F&B, thì Burger King có thể chấp nhận bài học “7 năm mới có lợi nhuận” của KFC, vì nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm fastfood vẫn còn khá thấp.Việc phát triển và tạo thói quen sử dụng fastfood vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của các hãng thức ăn nhanh tại Việt Nam. Có một số ý kiến e ngại cho rằng: việc chịu lỗ thời gian đầu của KFC sẽ nhẹ nhàng hơn việc đơn phương phát triển theo hình thức nhượng quyền mà công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Thực phẩm & Giải khát Việt Nam (VFBS) đang theo đuổi.

Cũng không thể không nhắc tới Domino's Pizza, đây cũng là 1 thương hiệu mà VFBS đã đưa vào Việt Nam từ những năm 2010, nhưng phải đến năm 2012 thì VFBS mới đẩy mạnh phát triển chuỗi cửa hàng này tại Việt Nam. Chiến lược bán hàng linh động tập trung phát triển thói quen cho khách hàng đang là ưu tiên hàng đầu của Domino's Pizza khi liến tục đưa ra các chương trình khuyễn mãi mà ngay cả đối thủ hàng đầu của họ là Pizza Hut cũng không thể chạy đua theo hình thức khuyến mãi này của Domino's Pizza.

Việc McDonald's công bố đối tác tại Việt Nam với hình thức giấy phép phát triển khiến các công ty khó lòng biết được chiến lược phát triển của McDonald's sẽ phát triển theo hình thức nào. Nhưng theo xu hướng hiện tại, các thương hiệu thức ăn nhanh đang dần tập trung qua thị trường Đông Nam Á, bởi thị trường Trung Quốc – trước đây được các thương hiệu xem là thị trường chính, đang bị chững lại, khi ngay cả KFC và Pizza Hut đã giảm hơn 13% thị phần. Việc đầu tư mạnh tay vào thị trường Đông Nam Á có thể coi là động thái bớt lệ thuộc của các thương hiệu fastfood vào Trung Quốc.

Theo Trí Thức Trẻ

Bạn có thể quan tâm