Thất bại 3-5 trước CLB Hà Nội cách đây ít ngày tiếp tục nối dài chuỗi ngày tháng thất vọng của HAGL ở sân chơi V.League. Khi mùa giải đã gần khép lại, đoàn quân phố núi hiện xếp hạng 11 với điểm số vừa đủ để trụ hạng. 4 năm trước, HAGL từng xếp hạng 13 ở mùa giải đầu tiên của lứa Công Phượng, Xuân Trường. 4 năm sau, đội bóng ấy tiến bộ không nhiều như mong đợi.
Những vấn đề của HAGL vẫn là câu chuyện cũ. Cầu thủ nội chưa đủ tầm, cầu thủ ngoại thiếu chất lượng, đội bóng không có sự ổn định ở băng ghế huấn luyện.
Sự yếu kém của HAGL ở V.League tỷ lệ nghịch với sự vượt trội của họ ở các đội tuyển quốc gia. 4 năm qua, HAGL (và CLB Hà Nội) luôn là một trong 2 đội bóng đóng góp nhiều nhất cho U23 và tuyển Việt Nam.
Vấn đề của HAGL tại V.League là sự lãng phí khủng khiếp cho tài năng của lứa Công Phượng, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn tài nguyên quý giá của đội tuyển quốc gia.
4 năm đã qua, tại sao HAGL không tiến bộ?
Xếp hạng tại V.League của HAGL không có nhiều thay đổi sau 4 năm. Đồ họa: Minh Phúc. |
Khoảng trống đào tạo trẻ
Nói về HAGL, không thể không nhắc tới CLB Hà Nội. Hai đội bóng này đều có lò đào tạo trẻ lừng danh, đều sở hữu những mầm non chất lượng, có chính sách trọng dụng các các cầu thủ trẻ tại V.League. Dùng CLB Hà Nội làm hệ quy chiếu, chúng ta sẽ hiểu tại sao HAGL mãi lẹt đẹt dù đã đầu tư rất nhiều tiền của và thời gian.
Năm 2007, HAGL tuyển sinh lứa cầu thủ đầu tiên cho Học viện HAGL JMG. Từ hàng nghìn thí sinh trên cả nước, lò đào tạo của bầu Đức tuyển được 25 học viên cho 2 khóa đầu tiên của. Số còn lại được đưa vào lớp Năng khiếu mà Minh Vương là đại diện tiêu biểu. Hai lứa cầu thủ ấy được duy trì ổn định, không có nhiều biến động cho tới ngày hôm nay.
Điểm mạnh của họ là sự ổn định, lối chơi ăn ý sau nhiều năm gắn bó cùng nhau. Điểm yếu là sau quá trình tuyển chọn ban đầu, tính đào thải của lò JMG không cao. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh không phải cạnh tranh và lo lắng nhiều về vị trí của mình tại lò đào tạo.
Điểm mạnh của lò đào tạo trẻ HAGL là kỹ thuật cá nhân, sự ăn ý và thấu hiểu sau nhiều năm gắn bó. Ảnh: Minh Chiến. |
Ở chiều ngược lại, CLB Hà Nội có một hệ thống đào tạo trẻ khổng lồ. Ngoài Trung tâm bóng đá trẻ do HLV Triệu Quang Hà thành lập vào năm 2006, đội bóng bầu Hiển có những cơ sở chân rết (VSH) tại Cửa Lò (Nghệ An). Ở tuổi 13 và 15, họ cũng nhận thêm người từ đội trẻ của Sở thể dục thể thao Hà Nội đóng tại Gia Lâm (Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng đều là người lò này).
Do quân số đông, quá trình đào thải ở lò đào tạo trẻ Hà Nội rất khốc liệt. Từ lúc còn nhỏ, Quang Hải, Duy Mạnh đã phải cạnh tranh quyết liệt với các đồng đội nhí.
Lứa trẻ của Hà Nội cũng sớm được làm quen với môi trường thi đấu thực sự, sớm được cạnh tranh tại các giải trẻ. Các đội trẻ Hà Nội góp mặt ở hệ thống giải quốc gia ngay từ lứa U11. Đặc biệt, từ lứa U19, CLB Hà Nội dành sự quan tâm rất lớn. Đội U19 Hà Nôi đã có mặt ở 5 trận chung kết quốc gia gần nhất, vô địch 3 lần. Đội U21 Hà Nội có mặt ở 3 trận chung kết gần nhất, vô địch 2 lần.
Ở chiều ngược lại, lứa Công Phượng, Xuân Trường không dự bất kỳ giải trẻ quốc gia nào. Năm 2013, đội trẻ JMG mới lần đầu tiên dự một giải đấu giao hữu - Sanix Cup tại Nhật Bản. Trước đó, họ chỉ tập chân trần, rèn kỹ thuật suốt 5 năm đào tạo đầu tiên. Sau tuổi 15, họ mới được tập giày và đá sân 11.
Tuấn Anh (áo xanh) và đồng đội chưa từng thi đấu ở hệ thống giải trẻ quốc gia. Ảnh: Minh Chiến. |
Hai định hướng đào tạo khác nhau tạo ra 2 lứa cầu thủ khác nhau. Khi những chàng trai trẻ HAGL có mặt tại V.League, đó mới là giải đấu quốc nội đầu tiên trong sự nghiệp của họ. Thời điểm ấy, những người như Quang Hải, Duy Mạnh đã có trong tủ kính cả một bộ sưu tập danh hiệu.
Nói như HLV Phạm Minh Đức, cầu thủ trẻ Hà Nội khác cầu thủ trẻ Gia Lai ở chỗ “họ đã cạnh tranh từ nhỏ, đã quen với chiến thắng”, là những nhà vô địch từ trong trứng nước.
Vì sao Xuân Trường phải làm đội trưởng ở tuổi 20?
Khi HAGL đôn lứa trẻ lên V.League ở mùa giải 2015, băng đội trưởng vốn được trao cho Lương Xuân Trường. Sau này, tấm băng ấy được đổi sang Tuấn Anh rồi lại tới tay Công Phượng. Năm ấy, cả 3 mới tròn 20 tuổi.
4 năm từ đó tới nay, tấm băng ấy đã liên tục đổi chủ nhưng vẫn xoay quanh 3 cái tên ở trên. Người Gia Lai rõ ràng không thể hài lòng với một đội trưởng quá trẻ. Nhưng sau cuộc thanh trừng công thần cuối mùa giải 2014, họ không còn cái tên nào đẳng cấp hơn, dày dạn hơn trong đội hình. Trước Xuân Trường, đội trưởng tiền nhiệm của HAGL là Dương Văn Pho. Năm 2014, Văn Pho 30 tuổi.
Ở CLB Hà Nội, Quang Hải luôn được bảo vệ bởi những đàn anh đầy kinh nghiệm. Ảnh: Minh Chiến. |
Tại đội bóng thủ đô, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu chưa từng phải mang băng thủ quân. Cầu thủ dày dạn bậc nhất trong đội hình CLB Hà Nội là Nguyễn Văn Quyết mới chính thức tiếp quản tấm băng đội trưởng từ mùa giải trước.
Khi HAGL đối đầu CLB Hà Nội hôm 19/9 vừa qua, đội hình của Gia Lai chỉ có 3 người trên 23 tuổi. Đó là Văn Anh, Zeba Josip và Văn Tiến - tất cả đều không phải trụ cột. Bên kia chiến tuyến, tân vương V.League có 4 người trên 25 tuổi là Văn Quyết, Thành Lương, Văn Công và Oseni. Công Phượng (23 tuổi) và Văn Quyết (27 tuổi) là đội trưởng của 2 đội ở trận đó.
Vì Gia Lai không có những đàn anh dày dạn, Xuân Trường, Công Phượng phải nhận lấy mọi trách nhiệm. Họ phải gánh vác quá nhiều khi tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ. Vì ít kinh nghiệm, họ dễ gặp thất bại. Công Phượng, Xuân Trường phải sắm quá nhiều vai trong đội bóng: vừa làm trụ cột, vừa làm ngôi sao, là cầu thủ trẻ nhưng cũng phải là thủ lĩnh, còn đang học hỏi nhưng đã phải chỉ bảo cho người khác.
Đỗ Hùng Dũng nói về những người đồng đội, đàn em ở Olympic Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Nói như Đỗ Hùng Dũng: “HAGL và Hà Nội lên tuyển đều đóng góp 8-9 người như nhau, nhưng tại sao Hà Nội đầu bảng còn HAGL không vào được tốp đầu? Không phải chênh lệch chuyên môn vì tuyển thủ quốc gia thì đều cùng đẳng cấp”.
“Nhưng ở HAGL, vai trò của Xuân Trường, Công Phượng giống như Văn Quyết, Thành Lương. Có điều Trường và Phượng còn ít tuổi, kinh nghiệm chưa dạn dày, xung quanh toàn bạn ngang tuổi, nói sao người ta thấm hết và hiểu hết được”.
HAGL nhìn đâu cũng thấy vấn đề
Con người là nền tảng đầu tiên cho mọi đội bóng. HAGL không xử lý tốt vấn đề nhân sự. Hệ lụy là vô số vấn đề từ đấy đã phát sinh.
Nội binh HAGL quá trẻ và ít kinh nghiệm. Họ có thể chơi rất tốt ở mặt trận tấn công nhưng sự già dặn, chút khôn ngoan ở tuyến phòng ngự là điều họ không có. 4 năm qua, đội bóng phố núi đều thuộc nhóm phòng ngự kém nhất V.League. Mùa này, họ đã để thủng lưới 49 bàn sau 23 trận - nhiều hơn tất cả tại V.League.
Lối chơi độc đáo của HAGL cũng tạo thành vật cản cho họ trên con đường tìm kiếm các ngoại binh chất lượng. Không cầu thủ ngoại nào gắn bó với Gia Lai quá một mùa bóng. Rất nhiều trường hợp phải rời phố núi chỉ sau nửa mùa giải. Rimario Gordon Allando là ví dụ mới nhất. Anh không thích nghi được với lối chơi ban bật nhỏ ở Gia Lai nhưng đã tỏa sáng rực rỡ ngay khi gia nhập một CLB tốp đầu là Thanh Hóa.
HAGL vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề chưa được xử lý sau 4 năm đôn lứa Công Phượng lên V.League. Ảnh: Minh Chiến. |
Điều kỳ lạ là chính những cầu thủ HAGL ấy khi lên tuyển vẫn chơi rất hay. Công Phượng là ngôi sao của U23 Việt Nam suốt vài năm qua, Văn Thanh là hậu vệ cánh hay nhất đội tuyển, Xuân Trường từng giành Quả bóng bạc 2016.
Phong độ của họ ở tuyển quốc gia là bằng chứng cho thấy họ thực sự có tài, có tiềm năng và cần được tạo điều kiện phát triển trước khi quá muộn (họ đều đã 22, 23 tuổi).
Thực tế cho thấy, nhiều cầu thủ HAGL đã tiến bộ vượt bậc khi được chuyển tới thi đấu trong một môi trường mới, có các đàn anh kinh nghiệm nâng đỡ. Xuân Trường giành Quả bóng bạc trong thời gian khoác áo Incheon United, Lương Hoàng Nam thể hiện được mình khi cho mượn ở Long An, Lê Phạm Thành Long thậm chí còn được gọi lên Olympic Việt Nam nhờ màn trình diễn ở Hải Phòng.
Phát triển năng lực cầu thủ vốn là chuyện riêng của từng đội bóng. Nhưng khi đội bóng ấy sở hữu gần chục tuyển thủ quốc gia trong đội hình, đấy là vấn đề của cả nền bóng đá.