Bên lề Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết lý do việc giải ngân chậm là chậm giải phóng mặt bằng. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng phải theo trình tự quy định của pháp luật nên đây là khâu yếu nhất.
"Nhiều công trình khởi công, có nguồn vốn nhưng chưa giải phóng mặt bằng. Thời gian tới TP sẽ rà soát quy hoạch, tìm trách nhiệm cụ thể trong khâu này để đẩy nhanh việc giải ngân", ông Cường giải thích.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường. Ảnh: Hải An. |
Trước đó, sáng 29/11, khi phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết lĩnh vực hạ tầng gắn với người dân nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.
"Chúng ta gặp dân, họ đề nghị sửa đường, giải quyết ngập nước thì chúng ta nói còn thiếu kinh phí. Cái đó chỉ đúng một phần, cũng có cái không đúng. Nhiều sở, ngành, quận, huyện không dùng hết kinh phí đầu tư công năm nay”, ông nói.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải đến hết tháng 10/2018 chỉ giải ngân được 58%; Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước 53%.
“Hai lĩnh vực mà người dân bức xúc nhất nhưng giải ngân chưa đến 60%. Lãnh đạo đứng đầu 2 đơn vị này suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình với Đảng bộ và người dân TP?", ông Nhân đặt câu hỏi.
Cơn mưa lớn ngày 25/11 khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập, kẹt xe do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Ảnh: Lê Quân. |
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình đô 32%; Công ty TNHH phát triển công nghiệp Tân Thuận 8,1%; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn 3,5%; Sở Công Thương được 1,1%.
Tính đến hết tháng 10/2018, 14 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 70%. Trong đó, quận Bình Thạnh giải ngân chỉ 10%; Tân Bình 5,3%.
Ông Nhân cũng đề cập đến việc đánh giá đúng trách nhiệm của người đứng đầu ở các sở, ngành, và khẳng định nếu có sai sót thì phải nghiêm túc, thẳng thắn nhận sai sót và chân thành với nhân dân, với cán bộ và sửa chữa khuyết điểm.