So găng pháo binh Triều Tiên - Hàn Quốc
Hai miền Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang mới, vậy đôi bên có trong tay những vũ khí nào để thể hiện sức mạnh.
M1978 Koksan 170 mm được xem là loại pháo mạnh nhất của pháo binh Triều Tiên. |
Pháo binh sẽ là lực lượng đầu tiên được sử dụng nếu một cuộc xung đột xảy ra ở quy mô nhỏ. Vụ Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong có thể coi là một điển hình cho những xung đột quân sự nhỏ giữa đôi bên.
Rất khó để kiểm chứng Triều Tiên có bao nhiêu khẩu pháo các loại nhưng theo một số nguồn tin phương Tây, con số này có thể lên đến hàng ngàn khẩu. Mạnh nhất trong kho pháo binh Triều Tiên chính là khẩu pháo tự hành “quái vật” M1978 Koksan cỡ nòng 170 mm. Loại pháo này do Triều Tiên phát triển đặt trên khung gầm xe tăng Type-59 của Trung Quốc.
Loại pháo này có tốc độ bắn “siêu chậm” khoảng một phát/ 5 phút, nhưng bù lại nó có tầm bắn rất xa lên đến 60 km với đạn pháo tăng tầm. Theo các số liệu không chính thức, Triều Tiên có khoảng 500 khẩu pháo loại này. Nếu xung đột xảy ra, số pháo 170 mm này có thể dội xuống thủ đô Seoul và các khu vực khác của Hàn Quốc 500 viên đạn trong khoảng 5 phút.
Pháo tự hành K9 155 mm được xem là vũ khí hiệu quả để chế ngự pháo binh Triều Tiên. |
Về phía Hàn Quốc, loại pháo tự hành có thể so sánh được với “quái vật” M1978 Koksan chính là M107 175mm. Loại pháo này được mệnh danh là “Vua chiến trường” tại chiến trường Việt Nam. Nó cũng có tốc độ bắn rất chậm, khoảng một phát/phút. Tầm bắn tối đa khoảng 40 km với đạn pháo tăng tầm.
Về tầm bắn, loại pháo của Hàn Quốc có phần kém Triều Tiên. Theo các nguồn tin, Hàn Quốc có khoảng 100 khẩu M107 175 mm nhưng đang ở tình trạng bảo quản.
Loại pháo có sức mạnh hỏa lực đáng gờm tiếp theo của Triều Tiên là M1985 152 mm, M1974 152 mm. Đây là loại pháo tự hành được Triều Tiên “độ lại” từ nguyên bản pháo kéo xe D-20 152 mm của Liên Xô trước đây viện trợ cho nước này, tầm bắn từ 20-24 km.
Pháo phản lực được xem là vũ khí có sức tàn phá ghê gớm nhất của pháo binh Triều Tiên .Trong ảnh pháo phản lực bắn loạt M1985 240 mm trong một cuộc diễn tập quân sự. |
Triều Tiên còn có một loại pháo nòng dài đáng gờm khác là M46 130 mm do Liên Xô sản xuất. Loại pháo này đã cho thấy tính hiệu quả cao trong chiến tranh tại Việt Nam. Triều Tiên là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng pháo binh nên sức mạnh của M46 130 chắc chắn sẽ được phát huy hơn nữa.
Đối với loại pháo cỡ nòng 152-155 mm, Triều Tiên có phần lép vế về chất lượng, Hàn Quốc đang sở hữu loại pháo tự hành được đánh giá hàng đầu khu vực châu Á. Pháo tự hành K9 Thunder được xem là điển hình cho nền công nghiệp sản xuất pháo binh của Hàn Quốc.
K9 là loại pháo tự hành cỡ nòng 155 mm được trang bị trên khung gầm xe bánh xích với khả năng cơ động rất cao. Pháo có tầm bắn tối đa 40 km. Khả năng này gần tương đương "quái vật" M1978 170 mm của Triều Tiên.
Pháo tự hành K9 được xem là “át chủ bài” trong việc đáp trả và chế ngự pháo binh Triều Tiên. Thực tế trong vụ Triều Tiên pháo kích lên đảo Yeonpyeong vào năm 2010, pháo K9 đã nhanh chóng phản pháo đáp trả pháo binh Triều Tiên, bước đầu ngăn chặn việc mở rộng pháo kích.
M270 là loại pháo phản lực bắn loạt uy lực nhất của Hàn Quốc song số lượng của nó quá ít, khó lòng tạo lợi thế trước sự áp đảo về số lượng của Triều Tiên. |
Hiện tại, Hàn Quốc có khoảng 532 khẩu pháo tự hành K9, như vậy về mặt lý thuyết, số lượng pháo này có thể phản pháo đáp trả lên đến hơn 3000 đạn pháo vào Triều Tiên mỗi phút. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có trong biên chế loại pháo tự hành K55 155mm biến thể xuất khẩu cho Hàn Quốc của loại pháo tự hành M109 của Mỹ với số lượng khoảng hơn 1.000 khẩu.
Lựu pháo kéo xe KH179 155 mm có số lượng khoảng 1.000 khẩu, lựu pháo M114 155mm là khoảng 850 khẩu, còn lựu pháo M115 203mm khoảng 100 khẩu. Tổng số pháo binh Hàn Quốc khoảng 7.000 khẩu các loại.
Đối với loại pháo phản lực bắn loạt, lợi thế về số lượng vẫn nằm trong tay Triều Tiên. Bình Nhưỡng sở hữu khá nhiều loại pháo phản lực bắn loạt cỡ nòng 107, 122, 200, 240 mm với số lượng lến đến hàng ngàn khẩu. Đây được xem là loại vũ khí ưa thích của quân đội Triều Tiên. Các cuộc tập trận của họ đều được mở màn bằng việc phóng hàng loạt pháo phản lực bắn loạt.
Loại pháo phản lực uy lực nhất của quân đội Triều Tiên là M1985 cỡ nòng 240 mm có tầm bắn khoảng 43 km trang bị đầu đạn nặng 90 kg. M1985 đã có màn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận ngày 14/3/2013.
Theo tính toán được đưa ra trong một báo cáo an ninh của Hàn Quốc, lực lượng pháo binh Triều Tiên có thể bắn khoảng 10.000 đạn pháo đến Seoul chỉ trong vòng một phút. Số đạn pháo này đủ khả năng hủy diệt Seoul gần như không thể phục hồi.
Đối với Hàn Quốc, tuy có số lượng pháo kéo xe và pháo tự hành khá đông đảo nhưng dường như Seoul không có truyền thống sử dụng pháo phản lực bắn loạt. Biên chế quân đội Hàn Quốc chỉ có khoảng 200 khẩu pháo phản lực bắn loạt.
Cụ thể, Hàn Quốc có khoảng 156 khẩu pháo phản lực K136/A1 cỡ nòng 130mm tầm bắn khoảng 23 km. Loại pháo phản lực mạnh nhất của Hàn Quốc là M270 của Mỹ nhưng số lượng chỉ có khoảng 58 khẩu, cỡ nòng 227 mm tầm bắn từ 30-60 km tùy biến thể.
Về lực lượng pháo binh, Triều Tiên có sự áp đảo về số lượng nhưng Hàn Quốc lại có sự vượt trội về chất lượng rất khó để xác định ai sẽ thắng ai trong một cuộc đấu pháo giữa đôi bên. Tuy vậy, Triều Tiên có phần nắm nhiều lợi thế hơn. Bất lợi của Hàn Quốc là thủ đô Seoul đều nằm trong tầm bắn của các loại pháo mặt đất tầm xa của Triều Tiên, đây sẽ là mối nguy hiểm lớn nếu xung đột giữa đôi bên xảy ra.
Bảng so sánh sức mạnh pháo binh hai miền Triều Tiên: