Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sợ con cái lớn quá nhanh

Bên cạnh niềm vui nhìn con cái dần khôn lớn, nhiều phụ huynh sợ con lớn quá nhanh. Họ nghĩ rằng đến một ngày nào đó con cái sẽ không cần mình nữa, nên cố gắng nuông chiều chúng.

Bo bim sua anh 1

Cha mẹ cần dành thời gian cho con và quan tâm đến những nhu cầu chính đáng của trẻ. Ảnh: M&C.

Trẻ bắt đầu tập đi khi được khoảng một tuổi. Khi ấy, một thế giới mới mở ra trước mắt trẻ, một thế giới mà khi trẻ mới đang bò không thể so sánh được. Bởi vì khi ấy, trẻ có thể dùng tốc độ nhanh chóng hơn để đến được nơi cho mình thấy thích thú và có thể rời khỏi bố mẹ trong chốc lát.

Nếu nhìn vào lập trường của trẻ, có vẻ như đứa trẻ được trải nghiệm cảm giác tự do rất tuyệt vời trong giai đoạn này. Vì vậy, bằng cách nào đó, đứa trẻ sẽ rời khỏi bố mẹ, bỏ tay và tự đi đến nơi mình muốn, thậm chí là chạy tới nơi mình muốn đến.

Các bậc bố mẹ lo lắng cho sự an toàn của con mình mỗi giây mỗi phút, nhưng không giống như trước đây, họ cũng tự hào khi nhìn thấy con cái mạnh dạn, chẳng sợ hãi nếu tiếp xúc với những người lạ mặt hoặc người thân họ hàng và biết rằng con mình đã lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, đứa trẻ thời kỳ này vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Cho dù cùng trong một tình huống nhưng trẻ vẫn có thể có những hành động “khi thế này, khi thế nọ”. Khi thì bám bố mẹ không rời, khi thì chẳng cần bố mẹ, nói theo nghĩa đen thì là kiểu sáng nắng chiều mưa. Nguyên nhân chính là chúng vừa muốn được đứng một mình để khám phá thế giới mới mẻ lại vừa muốn dựa dẫm vào bố mẹ.

Đứa trẻ vốn không hiểu rõ được bản thân mình nên chúng thường xuyên lặp lại việc xác nhận chuyện gì đó. Chúng xác nhận thông qua hành động “khi thế này, khi thế nọ” để xem mình có thể rời xa bố mẹ mà làm thứ mình muốn một mình hay không. Đôi khi chúng muốn tự lập, vượt qua lo lắng và chịu đựng một mình, nhưng cũng có đôi khi chúng muốn cảm thấy đủ an toàn với sự bao bọc của bố mẹ. Những hành động mâu thuẫn này sẽ được chúng lặp đi lặp lại.

Margaret Mahler, một nhà lý thuyết về quan hệ đối tượng đã giải thích mối quan hệ tương tác giữa mẹ và con trong quá trình chia cách - cá thể hóa, đã đặt tên cho giai đoạn 16 đến 24 tháng tuổi này là “giai đoạn lặp lại mối quan hệ”.

Từ 10 đến 15 tháng tuổi là “giai đoạn thực hành” khi con muốn đi đến nơi con muốn đi, muốn thám hiểm những cái con muốn, hân hoan cho rằng “con là tuyệt nhất” và sau đó, để giải quyết khủng hoảng tâm lý khi vừa muốn dựa dẫm vào bố mẹ lại vừa muốn độc lập, trẻ sẽ bước vào giai đoạn “lặp lại mối quan hệ”.

Trẻ cần đối phó tốt với giai đoạn hoảng loạn và khủng hoảng này để có thể đạt đến giai đoạn hằng định đối tượng (object permanence) sau khi được 24 tháng tuổi. Hằng định đối tượng là khái niệm chỉ ra năng lực nhận ra dù đối tượng đang không ở trong tầm mắt nhưng vẫn còn tồn tại, tức là đạt được sự độc lập thực sự về mặt tâm lý. Vậy thì chúng ta có thể làm gì để giúp con mình trong giai đoạn lặp lại mối quan hệ?

Nhiều bậc bố mẹ không hiểu về khái niệm giai đoạn lặp lại mối quan hệ nên có thể sẽ lúng túng trước hành vi của con mình trong giai đoạn này. Nếu không biết đó là một quá trình phát triển bình thường, chúng ta sẽ lo lắng về những vấn đề tâm lý mà con mình mắc phải, thậm chí là cảm giác tự trách không cần thiết, hay thậm chí còn chỉ trích và đẩy con ra xa bố mẹ khi cho rằng: “Con vẫn chơi một mình ngoan giờ sao lại cứ dính lấy mẹ, không cho mẹ làm được việc gì?”

Tuy nhiên, nếu bạn hiểu được rằng đứa trẻ đang phải trải qua giai đoạn bối rối trong quá trình phát triển bình thường, thì bạn có thể đáp ứng được những gì trẻ cần nhất trong giai đoạn này. Cách duy nhất để xoa dịu tâm trí của một đứa trẻ đang hoang mang giữa tự do và độc lập là cho chúng cảm giác an toàn.

Ngay cả khi bận làm việc nhà tới đâu, bạn cũng nên tạm dừng việc đó lại và dành thời gian để làm những gì con yêu cầu. Khi con muốn bạn ôm mà chẳng cần lý do gì, bạn cũng hãy ôm lấy con và nếu con muốn nắm tay bạn đi đi lại lại trong nhà, bạn cũng hãy nắm tay và đi cùng con. Thông qua quá trình này, trái tim trẻ sẽ được vỗ về bởi niềm tin về sự tồn tại của bố mẹ một cách tự nhiên nhất.

Có rất nhiều bà mẹ đi làm cảm thấy tội lỗi một cách vô ích khi nhìn thấy những hành động thay đổi của con mình trong giai đoạn lặp lại mối quan hệ. Họ hiểu nhầm rằng vì họ đi làm nên không có nhiều thời gian bên cạnh con, không gắn bó với con để con bám mẹ như thế.

Tuy nhiên, trước khi lo lắng về các vấn đề gắn bó hay không ấy, bạn phải hiểu được quá trình phát triển bình thường của một đứa trẻ. Bạn không cần phải cảm thấy có lỗi nếu vì công việc mà không thể đáp ứng mong muốn gần gũi của con cái. Thay vào đó, hãy thật tập trung khi có thời gian ở bên con, lắng nghe nhu cầu của con để con có cảm giác an toàn.

Trong thực tế, có nhiều người lo lắng về các vấn đề gắn bó với con, cả ngày cứ nghĩ về con nhưng lại phớt lờ nhu cầu của trẻ và bỏ mặc chúng.

Jung Wooyul/ Thái Hà Books

SÁCH HAY