Những vị phụ huynh giàu có can thiệp mạnh mẽ vào thời gian rảnh rỗi của con trẻ. Nguồn: businessinsider. |
Thứ kỹ năng chuyên biệt cho phép bạn có thể biện hộ cho mình thoát khỏi tội sát nhân, hoặc thuyết phục giáo viên chuyển bạn từ lớp học buổi sáng xuống buổi chiều chính là thứ mà nhà tâm lý học Robert Sternberg gọi là “trí thông minh thực tiễn” (practical intelligence).
Đối với Sternberg, trí thông minh thực tiễn bao gồm các thứ như “biết nói điều gì với ai, biết khi nào thì nói, và nói ra sao để đạt được hiệu quả tối đa”. Nó mang tính quy trình: tự biết làm một điều gì đó như thế nào mà không cần thiết phải hiểu xem tại sao bạn lại biết hoặc đủ khả năng giải thích điều đó.
Đó không phải là sự hiểu biết vì mục đích kiến thức mà là nắm được bản chất sự việc. Sự hiểu biết khiến bạn có thể nắm bắt được chính xác yêu cầu tình huống và cách thức đạt được thứ mình muốn. Tóm lại đó là thứ trí thông minh tách rời khỏi năng lực phân tích được đo lường bằng chỉ số IQ.
Nói theo thuật ngữ kỹ thuật thì, trí thông minh nói chung và trí thông minh thực tiễn “trực giao” với nhau: sự tồn tại của cái này không bao gồm cái còn lại. Bạn có thể sở hữu trí thông minh phân tích dồi dào nhưng lại có rất ít trí thông minh thực tiễn, hoặc rất nhiều trí thông minh thực tiễn nhưng lại chẳng có mấy trí thông minh phân tích - hoặc, trong những trường hợp may mắn như ai đó kiểu Robert Oppenheimer - bạn thừa thãi cả hai loại trí thông minh.
Vậy những thứ kiểu như trí thông minh thực tiễn có nguồn gốc từ đâu? Chúng ta biết trí thông minh phân tích có từ nơi nào. Chí ít thì phần nào nó cũng bắt nguồn từ mã di truyền (gene). Chris Langan bắt đầu biết nói từ khi mới sáu tháng tuổi. Langan tự dạy mình đọc khi lên 3. Anh là người thông minh bẩm sinh. Ở mức độ nào đó, IQ chính là thứ thước đo năng lực thiên phú. Nhưng thái độ khôn ngoan trong ứng xử với xã hội lại là một loại kiến thức. Đó là một bộ kỹ năng buộc người ta phải học. Nó phải bắt nguồn từ đâu đó, và gia đình dường như là nơi chúng ta học được những thái độ và kỹ năng như thế.
Có lẽ cách giải thích tốt nhất mà chúng ta có được về quá trình này đến từ nhà xã hội học Annette Lareau, Giáo sư Xã hội học trường Temple, bang Pennsylvania, người vài năm trước đã có nghiên cứu thú vị về một nhóm học sinh lớp Ba. Cô lựa ra nhóm trẻ em da trắng, da đen, nhóm từ các gia đình giàu có và cả nghèo khó, tập trung nghiên cứu vào khoảng 20 gia đình.
Lareau và cộng sự đã đến thăm mỗi gia đình ít nhất 20 lượt, mỗi lần kéo dài hàng tiếng đồng hồ trong suốt một thời gian tiến hành nghiên cứu. Lareau và các trợ tá của mình yêu cầu các đối tượng nghiên cứu không phải quan tâm đến họ, chỉ cần coi họ như “chó nuôi của gia đình”. Cả nhóm theo chân các thành viên gia đình đến nhà thờ, đến các trận bóng đá và các cuộc hẹn với bác sĩ, một tay cầm sẵn máy ghi âm và tay kia cầm sổ ghi chép.
Có thể bạn sẽ mong chờ rằng đã bỏ ra cả một khoảng thời gian dài như thế vào 20 gia đình, thứ bạn thu lượm lại được sẽ phải là 20 ý kiến khác nhau về cách nuôi dạy con cái: sẽ có những bậc cha mẹ nghiêm khắc và những người dễ dãi, những bậc phụ huynh can thiệp thái quá và những người dịu dàng mềm mỏng, vân vân và vân vân.
Vậy mà, điều Lareau phát hiện ra lại rất khác biệt. Chỉ có đúng hai “triết lý” làm cha mẹ, và chúng phân tách gần như hoàn toàn theo đúng giai tầng xã hội. Các bậc cha mẹ giàu có nuôi dạy con một kiểu, và những người nghèo túng dạy con theo một cách khác.
Những vị phụ huynh giàu có can thiệp mạnh mẽ vào thời gian rảnh rỗi của con trẻ, họ đưa con mình qua lại như thoi từ hoạt động này sang hoạt động khác, căn vặn con về giáo viên, các huấn luyện viên và bạn bè đồng đội. Một trong những đứa trẻ nhà giàu mà Lareau theo dõi chơi trong một đội bóng chày, hai đội bóng đá, một đội bơi và cả một đội bóng rổ vào mùa hè, cộng thêm cả chơi trong một dàn nhạc và dự lớp dương cầm.
Kiểu sắp xếp lịch trình chặt chẽ như thế hầu như vắng bóng hoàn toàn trong đời sống những đứa trẻ nhà nghèo. Vui chơi với các em này không phải là tập bóng đá hai lần một tuần. Đó chỉ là bày trò chơi bên ngoài với các anh chị em cùng đám trẻ con láng giềng. Những thứ bọn trẻ làm bị cha mẹ chúng coi là điều gì đó vớ vẩn và chẳng có mấy giá trị. […]
Các bậc cha mẹ trung lưu trò chuyện đến nơi đến chốn với con cái, lập luận và phân tích với chúng. Họ không đơn thuần ra mệnh lệnh. Họ mong đợi con cái trò chuyện với họ, để đàm phán, để đặt câu hỏi với những người lớn ở vai trò của người có thẩm quyền. Nếu bọn trẻ đạt kết quả kém cỏi ở trường, các bậc cha mẹ giàu có sẽ chất vấn giáo viên. Họ thay mặt con cái can thiệp vào mọi chuyện.
Một đứa trẻ mà Lareau theo dõi vừa bị loại khỏi một chương trình thi học sinh giỏi thì mẹ của em này đã dàn xếp để em được thi lại riêng, kiến nghị với nhà trường và làm cho con gái mình trúng tuyển. Còn các bậc cha mẹ nghèo thì ngược lại. Bị quyền hành dọa dẫm và sợ hãi nhà trường, họ phản ứng thụ động và chỉ rụt rè đứng nấp phía sau. […]
Ngược lại, những trẻ em thuộc tầng lớp lao động hoặc nhà nghèo lại được mô tả đặc điểm là “một cảm giác xa cách, ngờ vực và bị kiềm thúc chặt”. Các em không biết phải làm thế nào để theo ý mình, hoặc làm thế nào để “tùy biến” (customize) - nói theo một thuật ngữ tuyệt hảo mà Lareau sáng tạo ra - để đạt được những mục đích của mình, bất kể các em đang ở trong môi trường nào. […]
Với những đứa trẻ ở tầng lớp dưới, kiểu tương tác này đơn giản là không xảy ra, Lareau nói. Chúng sẽ lặng im, ngồi ngoan ngoãn, mắt hướng ra chỗ khác.
Khi nói về ưu thế thuộc về tầng lớp xã hội, Lareau lập luận, chúng ta chủ yếu ám chỉ điều nói trên. Alex Williams trội hơn Katie Brindle bởi cậu bé giàu có hơn và bởi cậu được học ở trường tốt hơn, nhưng cũng vì một lý do - có lẽ còn đóng vai trò then chốt hơn - ý thức về quyền được làm mà cậu bé được dạy dỗ chính là thứ thái độ phù hợp hoàn hảo cho việc giành được thành công trong thế giới hiện đại.