"Nếu chỉ điều trị bệnh nhân ung thư, các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế trên khắp hành tinh sẽ không thể giải quyết vấn nạn. Trên thực tế, chi phí điều trị ung thư toàn cầu đã vọt lên mức 1,16 nghìn tỷ USD mỗi năm, tác động xấu tới các nền kinh tế lớn", báo cáo nhấn mạnh.
Một bệnh nhân ung thư đang điều trị. Ảnh: Guardian |
WHO kêu gọi các chính phủ tập trung vào các biện pháp ngăn chặn và chẩn đoán sớm ung thư.
"Phòng ngừa và phát hiện ung thư sớm là hai hành động cần thiết để cải thiện hiệu quả điều trị và ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của ung thư trên khắp thế giới", Christopher Wild, giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, nói với CNN.
Điểm sáng duy nhất trong báo cáo của WHO là: Nhân loại có thể ngăn chặn tới 50% trường hợp mắc ung thư bằng cách thực hiện chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và phát hiện khối u sớm.
Chính phủ có vai trò rất to lớn trong việc khuyến khích người dân theo đuổi lối sống lành mạnh. Chẳng hạn, số người hút thuốc lá ở Mỹ giảm một nửa từ khi chính phủ tung ra những chiến dịch quảng cáo chống thuốc lá.
"Ung thư phổi do hút thuốc lá (1,8 triệu trường hợp mỗi năm) vẫn là dạng ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu. Nó cũng là dạng ung thư giết nhiều người nhất, với 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm. Điều đó có nghĩa là phần lớn bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá không có cơ hội sống sót", báo cáo bình luận.
Amanda McLean, tổng giám đốc Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, nói rằng con người có thể ngăn chặn khoảng 1/3 số ca ung thư phổ biến nhất bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
"Giảm lượng rượu trong cơ thể, đẩy lùi tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường là hai giải pháp hàng đầu để giảm nguy cơ mắc ung thư", McLean nhận định.