Theo Guardian, số liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 1/4 là 4.782 trường hợp, tăng nhẹ so với con số 4.053 trường hợp của ngày hôm trước.
Tuy nhiên, số ca tử vong ghi nhận trong ngày là 727, thấp nhất trong vòng một tuần qua.
Tới nay đã có 13.155 trường hợp tử vong vì Covid-19 được xác nhận ở Italy. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm virus corona ở nước này là 110.574 trường hợp, kể từ ngày 21/2.
Tại vùng Lombardy phía bắc đất nước - tâm điểm của đợt bùng phát tại Italy và châu Âu, số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày đều tăng nhẹ so với ngày trước đó, đi ngược lại xu hướng trong những ngày gần đây.
Các binh sĩ quân đội Italy xây dựng bệnh viện dã chiến tại toà nhà hội chợ ở thị trấn Bergamo - một trong những ổ dịch ở phía bắc Italy. Ảnh: AP. |
Tính đến ngày 1/4, đã có hơn 1.000 người hồi phục sau khi nhiễm virus, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 16.847. Số các bệnh nhân đang phải chăm sóc đặc biệt là 4.035 người.
Hiện tại, Italy không còn là quốc gia có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất thế giới (đứng sau Mỹ), nhưng số ca tử vong ở nước này thì vẫn dẫn đầu danh sách. 30% số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới là ở Italy.
Các biện pháp phong toả sẽ được kéo dài đến ngày 13/4, theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza.
"Chúng ta không được nhầm lẫn những tín hiệu tích cực là dấu hiệu của sự an toàn. Dữ liệu cho thấy chúng ta đang đi đúng đường và những quyết định mạnh mẽ đã bắt đầu cho thấy thành quả", ông Speranza nói trước quốc hội.
Tuy nhiên, ông Speranza cũng cho rằng sẽ là "không thể tha thứ" nếu nghĩ rằng đã chiến thắng dịch Covid-19, và cảnh báo rằng đây sẽ là một trận chiến kéo dài.
Số ca tử vong ở Pháp vượt mốc 4.000
Pháp ghi nhận 509 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 1/4, một sự sụt giảm so với 2 ngày trước đó, trong bối cảnh đất nước đã bước vào tuần thứ 3 bị phong toả.
Hiện tại đã có 56.989 ca nhiễm ở Pháp, tính đến ngày 1/4. Số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt là 6.017 trường hợp. Pháp trở thành nước thứ 4 trên thế giới có nhiều hơn 4.000 ca tử vong vì Covid-19, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ.
Trong khi đó chính phủ đang tìm cách để chuẩn bị cho những ngày tồi tệ nhất vì số giường bệnh có máy thở đang nhanh chóng hết chỗ.
Đáng chú ý là số liệu tử vong ở Pháp chỉ là những trường hợp được ghi nhận tại bệnh viện, và giới chức cho biết số ca tử vong tại các viện dưỡng lão sẽ được công bố trong những ngày tới.
Thủ tướng Edoard Philippe tuyên bố lệnh phong toả nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, và sẽ không có chuyện tất cả các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ cùng một lúc. Người dân được khuyến cáo tránh các di chuyển không cần thiết cho tới ngày 15/4.
Thủ tướng Đức: Hãy ở nhà vào lễ Phục Sinh
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu người dân ở trong nhà cho đến lễ Phục Sinh (12/4) trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tại nước này lên tới 67.366 trường hợp, mặc dù mới chỉ có 732 ca tử vong được ghi nhận.
"Chúng ta đang thấy một số hiệu ứng nhỏ (từ các biện pháp phong toả) nhưng vẫn còn rất xa so với những gì chúng ta muốn", bà Merkel nói trong cuộc họp trực tuyến với thủ hiến 16 bang của Đức.
Một trạm xét nghiệm lưu động ở Hannover, Đức. Ảnh: Reuters. |
Anh đẩy mạnh xét nghiệm
Tại Anh, số ca tử vong vì Covid-19 tăng thêm 563 trường hợp trong một ngày, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 2.352 trường hợp.
Thủ tướng Boris Johnson, người đang nhiễm virus và phải làm việc tại nhà, cho biết việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ được đẩy nhanh để giúp "giải bài toán" về virus corona.
Hội thảo chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP26 diễn ra ở Anh năm nay sẽ bị tạm hoãn vì bệnh dịch, trong khi đó giải Wimbledon là sự kiện thể thao mới nhất ở xứ sở sương mù bị huỷ bỏ.
Văn phòng Hoàng gia Anh cho biết Thái tử Charles đã hồi phục sau khi dương tính với Covid-19 cách đây 1 tuần.
Hiện Anh ghi nhận 29.474 ca nhiễm virus corona, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng con số có thể cao hơn do từ đầu dịch đến giờ công tác xét nghiệm của nước này diễn ra khá chậm, mới chỉ có 152.979 người được xét nghiệm.