Tây Ban Nha nay có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ ba thế giới, sau Italy và Mỹ. Tổng cộng, Tây Ban Nha có 102.136 ca nhiễm và 9.053 ca tử vong.
Chỉ mới ngày hôm qua, số ca tử vong mới của Tây Ban Nha vừa lập kỷ lục, với 849 ca từ ngày 30/3 sang ngày 31/3.
Tổng số ca nhiễm ở Tây Ban Nha tiếp tục tăng mạnh lên tới 102.136 ca ngày 1/4, so với 94.417 ca vào ngày 31/3, theo Reuters.
Số ca tử vong trong một ngày ở Tây Ban Nha đã lập kỷ lục mới, với 864 người chết từ ngày 31/3 sang ngày 1/4. Ảnh: AFP. |
Tây Ban Nha đang tới đỉnh dịch?
Bất chấp con số tử vong kỷ lục, giới chức y tế Tây Ban Nha vẫn khẳng định đang có xu hướng giảm về số ca nhiễm mới.
"Đúng là số ca nhiễm mới có tăng nhẹ", Maria Jose Sierra, quan chức Bộ Y tế Tây Ban Nha, cho biết. Nhưng xu hướng giảm "vẫn đang tiếp tục", bà khẳng định. Bà cho biết một tuần trước, tỷ lệ tăng ca nhiễm mới là khoảng 20%. Ngày 31/3, tỷ lệ tăng số ca nhiễm mới là gần 11%, tăng nhẹ so với 8% vào ngày 30/3, theo AFP. Tỷ lệ tăng số ca nhiễm mới vào ngày 1/4 là hơn 8%, theo số liệu mới công bố như trên.
Tỷ lệ ca tử vong cũng đã giảm, từ 27% một tuần trước xuống 10,5% vào ngày 1/4, và các quan chức dùng những con số này để lập luận rằng dịch đang đạt đỉnh.
Sau 18 ngày phong tỏa toàn quốc, Tây Ban Nha đang muốn đẩy mạnh xét nghiệm. Nước này đang tìm mua thêm bộ xét nghiệm trên toàn thế giới để xét nghiệm 50.000 lượt mỗi ngày, cao hơn so với mức 20.000 lượt hiện tại.
Giống nhiều tâm dịch khác, hệ thống bệnh viện Tây Ban Nha, được coi là tốt nhất nhì châu Âu, đang bị kéo căng tới giới hạn vì hàng loạt bệnh nhân nặng, cũng như hàng loạt y bác sĩ bị lây bệnh.
Hiện có 5.500 người phải điều trị tích cực ở Tây Ban Nha, trong khi nước này chỉ có 4.000 giường điều trị tích cực trước dịch bệnh, theo AFP.
Tây Ban Nha hôm 31/3 đã cấm các hoạt động tang lễ, bao gồm tổ chức đọc kinh cầu nguyện tại nhà, yêu cầu không quá 3 người có mặt khi mai táng hoặc hỏa táng.
Theo tuyên bố, "các hoạt động tôn giáo và tang lễ bị hoãn cho đến khi cảnh báo kết thúc", tức ít nhất là đến ngày 11/4, đồng thời người dân được yêu cầu tiếp tục ở trong nhà. Công chúng cũng được yêu cầu thực hiện biện pháp "hạn chế tiếp xúc", giữ khoảng cách từ 1 đến 2 m.
Số cuộc gọi đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tăng vọt trong hai tuần đầu của lệnh phong tỏa ở Tây Ban Nha. Số cuộc gọi tăng 12,4%, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượt hỗ trợ trực tuyến tăng 270%, theo Bộ Bình đẳng giới.
Trong bối cảnh người dân Tây Ban Nha được lệnh phải ở nhà, đã có những lo ngại bạo lực gia đình có thể gia tăng. Chính phủ đã có chiến dịch truyền thông kêu gọi phụ nữ gọi đường dây nóng để được hỗ trợ.
Trong một diễn biến tích cực, giải bóng đá quốc gia Tây Ban Nha La Liga đã huy động được 1,1 triệu USD nhờ tổ chức hòa nhạc trực tuyến để hỗ trợ các y bác sĩ. Buổi hòa nhạc được phát trên 100 nền tảng, có 50 triệu khán giả trên mạng từ 182 quốc gia, theo ban tổ chức.
Tiền sẽ được dùng để mua 1.115 máy thở loại không can thiệp vào khí quản, 1,4 triệu khẩu trang chuyên dụng, 12.000 bộ đồ bảo hộ và 500.000 đôi găng tay bảo hộ.
Số ca tử vong vì virus corona ở châu Âu vượt 30.000
Trên toàn châu Âu, số người chết vì đại dịch đã vượt con số 30.000, bất chấp các lệnh phong tỏa rộng khắp của các chính phủ, mà đến nay đã ảnh hưởng tới một nửa dân số trên hành tinh, theo AFP.
3/4 số ca tử vong ở châu Âu là ở Italy và Tây Ban Nha.
Liên Hợp Quốc đã mô tả đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của nhân loại kể từ Thế chiến II.
Tổng thư ký Antonio Guterres nói những đảo lộn về kinh tế và chính trị do đại dịch là nguy cơ thực sự cho hòa bình mà thế giới đã có nhiều thập kỷ qua.
“Căn bệnh này là mối đe dọa cho mọi người trên thế giới... hậu quả kinh tế sẽ dẫn đến suy thoái không gì sánh bằng trong nhiều năm gần đây”, ông nói, “và có nguy cơ tăng thêm bất ổn, bạo loạn, xung đột - điều đó khiến chúng tôi tin rằng đây là cuộc khủng hoảng thách thức nhất mà chúng ta phải đối mặt kể từ Thế chiến II”.
2.200 ca nhiễm virus corona ở Nhật
Tới ngày 1/4, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 2.200 ca nhiễm và 66 ca tử vong, vẫn được coi là khá thấp so với các tâm dịch khác của thế giới.
Nhật Bản đang trong tình thế bấp bênh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, và số ca sẽ tăng vọt nếu nước này mất cảnh giác, Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo.
Thủ tướng Nhật ngày 1/4 tuyên bố mở rộng lệnh cấm nhập cảnh, từ 24 nước lên 73 nước, hiện bao gồm nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và hầu hết nước châu Âu. Ông Abe cũng cho biết tất cả những ai vào Nhật Bản, bao gồm cả công dân Nhật Bản, sẽ được yêu cầu cách ly tự nguyện hai tuần. Hai thay đổi trên có hiệu lực từ ngày 3/4.
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự chuẩn bị y tế của Tokyo, trước số ca tăng mạnh như trên. Chỉ số lòng tin trong số các nhà sản xuất lớn nhất ở Nhật Bản đã rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 7 năm, giữa lúc đại dịch làm nhu cầu giảm mạnh và gây gián đoạn sản xuất, theo một cuộc thăm dò của ngân hàng trung ương nước này - được tiến hành hàng quý, trên 10.000 doanh nghiệp.
Cổ phiếu Tokyo giảm hơn 4% ngày 1/4, tương tự mức giảm trên toàn châu Á do lo ngại từ đại dịch Covid-19, giữa lúc có nhiều lo ngại về một lệnh phong tỏa ở thủ đô Tokyo.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,5%, trong khi chỉ số Topix rộng hơn giảm 3,7%. “Tôi sợ rằng thăm dò tiếp theo sẽ còn tệ hơn”, Shinichi Yamamoto, một nhà môi giới chứng khoán ở Tokyo nói với AFP. “Nếu lại có lệnh phong tỏa, thị trường sẽ bị ảnh hưởng đáng kể... các nhà đầu tư đang theo dõi số ca nhiễm mỗi ngày ở Tokyo đầy lo lắng”.
Nga tăng 440 ca nhiễm virus corona trong một ngày
Nga xác nhận thêm 40 ca nhiễm và 7 ca tử vong vì virus corona ngày 1/4. Tổng cộng, 24 người đã chết ở Nga.
Trong số các ca tử vong mới có 5 người ở Moscow, 1 người ở vùng Moscow và 1 người ở vùng Pskov.
Có 267 ca nhiễm mới ở Moscow, 32 ở Cộng hòa Komi, 27 ở St. Petersburg và rải rác ở nhiều vùng khác của Nga. Trong tổng số 2.777 ca nhiễm đến lúc này, có đến 1.880 ca ở thủ đô Moscow, theo RIA Novosti.
190 người đã được chữa khỏi.
Người đàn ông đeo khẩu trang trên đường phố Nga. Ảnh: TASS. |
Theo The Moscow Times, các con số chính thức của Nga vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo năng lực xét nghiệm của Nga bị cản trở. Trong khi đó, nhiều quan chức cảnh báo con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều.
Tuần trước, Moscow đã thay đổi cách tính ca nhiễm Covid-19. Theo đó, người được coi là dương tính với virus khi xét nghiệm cho kết quả dương tính một lần duy nhất thay vì phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm Novosibirsk để xác minh thêm.
Bắt đầu từ đầu tuần (ngày 30/3), tất cả 12 triệu cư dân của Moscow đã được lệnh ở nhà với chỉ một vài ngoại lệ.
Trên toàn cầu, virus corona đã lây nhiễm cho hơn 860.000 người và giết chết hơn 42.000 người.
Đổi cách tính, Trung Quốc có thêm 1.300 ca nhiễm không triệu chứng
Trung Quốc đã ghi nhận thêm 130 trường hợp nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng mới vào hôm 1/4, theo South China Morning Post.
Đây là lần đầu tiên hạng mục này được đưa vào danh sách tình hình dịch bệnh công bố hàng ngày tại đây, sau áp lực từ các chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc và chuyên gia quốc tế.
Trung quốc đã lần đầu tiên đưa ra số liệu về những bệnh nhân nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Ảnh: South China Morning Post. |
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết các trường hợp mới công bố đã đưa tổng số người được theo dõi y tế do không có triệu chứng lên tới 1.367 người.
Trung Quốc cho biết nước này có 1.541 người nhiễm virus không có triệu chứng vào hôm 30/3, trong đó 205 người đến từ nước ngoài. 302 người được đưa ra khỏi danh sách này vào hôm 1/4, 2 người trở thành ca nhiễm có triệu chứng và 130 người được thêm vào.
Ủy ban này cho biết họ sẽ thường xuyên cập nhật số người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng, trong bối cảnh nhiều người lo ngại tính chính xác dữ liệu Trung Quốc đưa ra.
Ngoài các bệnh nhân không có triệu chứng, có 36 trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc tính đến hôm 31/3, trong đó có 35 ca bệnh nhập khẩu (ca bệnh có nguồn gốc nước ngoài).
Đã có 81.554 người nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đại lục kể từ tháng 1 khi nước này bắt đầu công khai số lượng người nhiễm.
Ông Zhang Wenhong, giám đốc khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Huashan, cho biết ước tính có khoảng 18%-31% bệnh nhân nhiễm virus không triệu chứng.
Tuy nhiên, ông Zhang nói thêm rằng nguy cơ lây lan trong cộng đồng do những người nhiễm virus không có triệu chứng vẫn còn thấp.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy số người nhiễm virus không triệụ chứng có thể lên tới 1/3 số người có kết quả dương tính. Dữ liệu này cho thấy hơn 43.000 người tại Trung Quốc đã dương tính vào cuối tháng 2 nhưng không có triệu chứng ngay lập tức.
Những trường hợp này không được đưa vào tính cùng những ca nhiễm được xác nhận chính thức, nhưng được đưa vào diện cách ly và theo dõi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hàn Quốc tính tất cả trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính là một trường hợp nhiễm bệnh, bất kể họ có biểu hiện triệu chứng hay không. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Italy không xét nghiệm những người không có triệu chứng, ngoài các nhân viên y tế có thời gian dài phơi nhiễm với virus.