Tính đến sáng 15/3, thế giới đã có hơn 156.000 ca nhiễm và hơn 5.800 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Tới nay, dịch Covid-19 xuất hiện tại 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 75.000 người đã được ghi nhận bình phục. Hàn Quốc đang là nước ghi nhận số ca nhiễm cao thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Italy và Iran.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần qua đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu và tâm điểm mới của bùng phát dịch là châu Âu.
-
Ca nhiễm mới tại Singapore tăng cao kỷ lục
Singapore hôm 15/3 xác nhận 14 ca nhiễm mới, đánh dấu số ca nhiễm trong ngày tăng cao nhất từ trước tới nay ở đảo quốc sư tử, theo Bộ Y tế nước này.
Tới nay, Singapore xác nhận tổng cộng 226 ca nhiễm virus corona, với 105 ca đã bình phục hoàn toàn. 9 trường hợp trong số ca nhiễm mới ghi nhận là từ nước khác tới.
-
113 ca tử vong mới ở Iran
Theo Reuters, một quan chức Bộ Y tế Iran đã cập nhật số liệu mới về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước này trên Twitter hôm 15/3.
"Trong vòng 24 giờ qua, 1.209 ca nhiễm mới đã được ghi nhận... với 113 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 724", ông Alireza Vahabzadeh, cố vấn của Bộ Y tế Iran cho biết.
Nhân viên y tế chuẩn bị dung dịch để phun diệt khuẩn một khu vực ở thủ đô Tehran. Ảnh: Reuters.
Như vậy số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã đạt 13.938 trường hợp, đưa Iran trở thành nước có ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Italy.
Ông Ali Reza Zali, người đứng đầu chiến dịch chống Covid-19 của chính phủ Iran, cho biết nếu xu hướng lây nhiễm tiếp tục với tốc độ hiện tại, hệ thống y tế của nước này sẽ bị quá tải.
Iran được cho là có khoảng 110.000 giường bệnh, với 30.000 trong số này nằm ở thủ đô Tehran. Giới chức đã cam kết sẽ thiết lập các cơ sở khám chữa bệnh lưu động để đối phói với dịch bệnh nếu cần thiết.
-
Hành khách trên tàu du lịch Golden Princess ngoài khơi New Zealand đã bị cấm nhập cảnh vào nước này, sau khi trên tàu xuất hiện một trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Con tàu mang theo 2.600 hành khách và thủy thủ đoan 1.100 người hiện đang đỗ tại cảng Akaroa, gần thành phố Christchurch phía nam đất nước.
Người đứng đầu ngành y tế New Zealand, bà Ashley Bloomfield cho biết ba hành khách có dấu hiệu nhiễm virus corona đã bị cách ly bởi đội ngũ y tế trên tàu. Một người trong số này đã có những triệu chứng của Covid-19. "Tất cả không được phép ra khỏi tàu cho đến khi có kết quả chắc chắn", bà Bloomfield cho biết.
Một bức ảnh tư liệu năm 2017 về du thuyền Golden Princess. Ảnh: Princess Cruise.
-
Malaysia công bố 190 ca nhiễm mới, phần lớn liên quan thánh đường Hồi giáo
Malaysia công bố 190 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 15/3, hầu hết có liên quan đến một sự kiện diễn ra tại thánh đường Hồi giáo gần Kuala Lumpur có khoảng 16.000 tham dự, theo Reuters.
Như vậy, tới nay Malaysia ghi nhận 428 trường hợp nhiễm virus corona. Bộ Y tế nước này cho biết tất cả những người tham dự sự kiện nói trên, và những người có tiếp xúc gần gũi với những ca nhiễm mới sẽ được cách ly bắt buộc 14 ngày.
Sự kiện này kéo dài từ 27/2 đến 1/3 tại một thánh đường Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur, với hơn 16.000 người tham dự, trong đó khoảng 14.500 là người Malaysia.
Thủ tướng Malaysia, ông Muhyiddin Yassin hôm 13/3 cho biết nước này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, và cảnh báo những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới sự tăng trưởng kinh tế. 38 trong tổng số 40 ca nhiễm Covid-19 ở Brunei là có liên quan đến sự kiện nói trên. Singapore cũng ghi nhận một số trường hợp nhiễm Covid-19 có liên quan đến sự kiện này.
Một khách hàng đeo mặt nạ bảo hộ đang mua sắm tại siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 15/3. Ảnh: Reuters.
-
Tổng thống Indonesia cùng nhiều bộ trưởng xét nghiệm
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 15/3 nói rằng ông sẽ xét nghiệm virus corona trong khi một số bộ trưởng nước này cũng sẽ có động thái tương tự.
Thông tin này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Giao thông Indonesia, ông Budi Karya Sumadi xác nhận dương tính với virus corona.
Ông Widodo cũng gợi ý các quan chức làm việc ở nhà và tránh tụ tập đông người trong bối cảnh nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách xoa dịu những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh ở nước này.
Ảnh: Reuters.
-
Thứ trưởng Y tế Italy nhiễm virus corona
Thứ trưởng Y tế Italy Sileri cho biết ông dương tính với virus corona.
"Vài ngày trước, tôi đã tiếp xúc với một người nhiễm virus corona. Ngay khi phát hiện có triệu chứng, tôi đã tự cách ly và làm việc từ xa", Thứ trưởng Y tế Italy Pierpaolo Sileri đăng trên Facebook ngày 14/3.
Vị lãnh đạo cho biết đã lập tức tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, đồng thời nói thêm rằng vợ con ông hiện vẫn ổn định. "Dù sống chung một nhà nhưng chúng tôi có phân chia các phòng riêng biệt", ông Sileri nói.
Thứ trưởng Y tế Italy Pierpaolo Sileri. Ảnh: Getty.
-
Đại học Yale ở Mỹ và Đại học Sydney cùng Đại học New South Wales ở Australia vừa xác nhận các ca nhiễm virus corona đầu tiên. Đại học Yale yêu cầu sinh viên không quay lại trường cho tới cuối học kỳ mùa xuân vào tháng 5.
-
Nhiều địa phương tại Mỹ đã ban bố lệnh giới nghiêm để hạn chế tụ tập đông người. Thị trưởng thành phố Hoboken, bang New Jersey, ngày 14/3 thông báo biện pháp này chính thức có hiệu lực từ đầu tuần sau, áp dụng cho khung giờ từ 22h đến 5h sáng hôm sau.
Theo New York Times, ít nhất 40 bang và địa phương ở Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó dịch bệnh, cho phép chính quyền địa phương sử dụng Vệ binh Quốc gia để áp lệnh giới nghiêm, hạn chế người dân ra đường.
-
Hiện số ca nhiễm virus corona trên thế giới lên tới 156.400, theo Đại học Johns Hopkins. Tổng cộng 5.833 ca tử vong đã được ghi nhận.
Dưới đây là 10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất:
- Trung Quốc: 80.995
- Italy: 21.157
- Iran: 12.729
- Hàn Quốc: 8.086
- Tây Ban Nha: 6.391
- Đức: 4.585
- Pháp: 4.481
- Mỹ: 2.952
- Thụy Điển: 1.359
- Anh: 1.143
-
Thái Lan ngày 15/3 thông báo 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 114, theo giới chức y tế địa phương. Đây là số ca tăng mới hàng ngày cao nhất tại Thái Lan.
-
Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc là vùng thảm họa đặc biệt
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc là các vùng thảm họa đặc biệt hôm 15/3, mở đường cho các hỗ trợ nhà nước cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Động thái này được đưa ra giữa lúc gần 90% các ca nhiễm virus corona của Hàn Quốc được ghi nhận ở Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc, và tỉnh Gyeongsang Bắc.
Tổng thống Moon đã thông qua đề xuất ban bố vùng thảm họa đặc biệt sau để nghị của Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun theo sau cuộc họp của chính phủ.
Việc tuyên bố các khu vực thảm họa đặc biệt sẽ cho phép chính phủ chi ngân sách để hỗ trợ 50% chi phí cần thiết cho việc khắc phục thiệt hại. Động thái này cũng sẽ cho phép những người bị ảnh hưởng nhận được hỗ trợ của nhà nước về chi phí sinh hoạt và miễn trừ thanh toán hóa đơn và phí bảo hiểm y tế công cộng.
Nó đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc tuyên bố một khu vực nhất định là khu vực thảm họa đặc biệt do bệnh truyền nhiễm, chứ không phải thiên tai.
-
Bé Bianca Toniolo vẽ tranh virus corona trong khi cả gia đình phải nghỉ ở nhà tại Italy. Ảnh: Reuters.
-
Cuộc đua độc quyền vaccine cho virus corona
Truyền thông Đức cho biết Tổng thống Donald Trump đang tìm cách thuyết phục những nhà khoa học Đức hợp tác để Mỹ có giấp phép sản xuất độc quyền vaccine cho chủng virus corona mới (SARS-CoV-2). Nghiên cứu của nhóm khoa học này đang trong quá trình thử nghiệm, theo AFP.
Tờ Die Welt của Đức cho biết các nỗ lực thuyết phục của chính phủ Mỹ nhắm vào công ty công nghệ sinh học CureVac, đặt trụ sở tại bang Thuringia. Phía Mỹ muốn vaccine này "chỉ dành cho Mỹ", tờ báo dẫn nguồn thạo tin chính phủ Đức.
Chính phủ Đức cũng đang lên kế hoạch đặt đề nghị với CureVac để sản xuất vaccine tại quê nhà. Công ty được thành lập vào năm 2000, khẳng định chuyên về phát triển các biện pháp điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp và vaccine ngừa bệnh.
Phòng thí nghiệm CureVac đang phối hợp với Viện Paul Ehrlich, thuộc Bộ Y tế Đức. Trả lời Die Welt, một phát ngôn viên cơ quan này nhấn mạnh chính phủ Đức muốn "việc phát triển vaccine và các hoạt chất chống virus corona chủng mới được tiến hành ở Đức và châu Âu. Người này chỉ tiết lộ chính phủ Đức đang có những thảo luận sâu với phía CureVac.
CEO CureVac, Daniel Menichella, được mời đến Nhà Trắng vào ngày 2/3 gặp Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence và đại diện nhiều hãng dược.
"Chúng tôi rất tự tin sẽ đủ khả năng phát triển một vaccine tiềm năng trong vài tháng tới", Menichella phát biểu sau chuyến thăm Washington đầu tháng 3.
Nội dung buổi gặp xoay quanh ứng phó đại dịch. Công ty không tiết lộ liệu Mỹ đã đặt đề nghị chính thức và nêu số tiền hay chưa.
-
Australia cách ly toàn bộ khách nước ngoài
Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 15/3 cho biết nước này sẽ áp đặt lệnh tự cách ly 14 ngày với tất cả hành khách quốc tế tới Australia từ nửa đêm 15/3 để khống chế lây lan virus corona.
Australia cũng sẽ cấm các du thuyền đáp tại các cảng của nước này trong 30 ngày.
Hiện Australia đã ghi nhận hơn 250 ca nhiễm virus corona, trong đó có 3 ca tử vong.
-
1.484 ca nhiễm virus corona tại Nhật Bản
Số ca nhiễm virus corona tại Nhật Bản tăng lên 1.484 tính đến ngày 15/3, theo NHK.
Tổng số ca nhiễm bao gồm 697 người từ du thuyền Diamond Princess và 14 người trở về từ Trung Quốc.
Số ca tử vong liên quan tới virus corona ghi nhận tại Nhật đã lên tới 29, tăng 1 ca so với một ngày trước đó. Tổng số ca tử vong bao gồm 7 ca trên tàu Diamond Princess.
Người dân đeo khẩu trang bước trên đường phố vắng vẻ tại quận Dotonbori, Osaka, Nhật Bản ngày 14/3. Ảnh: Reuters.
-
Bé Bianca Toniolo tự nghĩ ra các trò chơi khi cả gia đình phải ở nhà vì dịch Covid-19 ở Italy. Ảnh: CNN.
-
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc giảm mạnh
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 25/3 cho biết nước này ghi nhận 76 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày thấp nhấ kể từ 21/2. Tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên tới 8.162.
Trong số 76 ca nhiễm mới có 41 trường hợp được ghi nhận tại thành phố Daegu và 4 người ở tỉnh Gyeongsang Bắc, những địa điểm được cho là tâm dịch tại Hàn Quốc. Thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi lần lượt ghi nhận 9 và 11 ca nhiễm mới.
Đây là lần đầu tiên sau 23 ngày số ca nhiễm mới ở Hàn quốc giảm xuống dưới mốc 100. Tới nay, tổng số người chết trên toàn quốc vì virus corona được ghi nhận là 75.
Nhân viên y tế thay đồ bảo hộ sau ca trực ở bệnh viện ở Daegu. Ảnh: Reuters.
-
Vợ thủ tướng Tây Ban Nha dương tính với virus corona
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết vợ của thủ tướng nước này, bà Begoña Gómez dương tính với virus corona.
Cả bà Gomez và chồng, ông Pedro Sánchez đều đang có sức khỏe tốt và vẫn ở dinh Moncloa tại Madrid.
Trước đó, hai bộ trưởng trong nội các của ông Sánchez cũng có kết quả dương tính với virus corona trong tuần qua.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình hôm 14/3, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết nước này sẽ phong tỏa 46 triệu dân trong khuôn khổ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày để chống lại virus corona.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và phu nhân Begoña Gómez. Ảnh: Getty.
-
Một chàng trai đeo khẩu trang đi ngang qua Tháp Eiffel đang đóng cửa sau khi chính phủ Pháp ban lệnh cấm tất cả hoạt động tập trung trêm 100 người để hạn chế lây lan virus corona tại Paris hôm 14/3. Ảnh: AP.
-
Colombia trục xuất 4 người châu Âu vi phạm cách ly chống Covid-19
Lệnh trục xuất đươc áp dụng với 2 nam giới và 2 phụ nữ đến từ Pháp và Tây Ban Nha. Những người này làm ngơ trước quy định cách ly 14 ngày, tự ý rời khỏi khách sạn dù nhân viên nơi lưu trú đã cảnh báo, theo chính quyền địa phương.
Thông báo được chính quyền Colombia đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính thức đóng cửa biên giới với Venezuela để giảm nguy cơ bùng phát lây nhiễm virus corona. Colombia đã ghi nhận 22 ca nhiễm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó bệnh virus corona (Covid-19).
-
Số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc lên tới 80.844
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 15/3 công bố 20 ca nhiễm mới, tăng gần gấp đôi so với 11 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Với 20 ca nhiễm mới, số người nhiễm virus corona được xác nhận tại quốc gia đông dân nhất thế giới tới nay đã lên tới 80.844.
Số ca tử vong được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục là 3.199 tính đến cuối ngày 14/3, tăng 10 ca so với một ngày trước đó.
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết tất cả 10 trường hợp tử vong đều xảy ra ở Vũ Hán.
Trong số các trường hợp nhiễm mới ngày 14/3, có 16 trường hợp là du khách vào Trung Quốc từ nước ngoài. Bốn trường hợp còn lại được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, nơi dịch virus corona được cho là khởi phát.
Trung Quốc đang xảy ra tình trạng số ca nhiễm từ nước ngoài trở về lớn hơn trong nước. Ảnh: Reuters.
Ngày 14/3 cũng đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp tỉnh Hồ Bắc không ghi nhận trường hợp nhiễm mới nào ngoài thủ phủ Vũ Hán. Những con số mới nhất cho thấy Trung Quốc dường như đối mặt với mối đe dọa lớn hơn về các ca bệnh mới từ bên ngoài biên giới khi sự lây lan của virus trong nước tiếp tục chậm lại.
Trong số 16 trường hợp từ nước ngoài, 5 trường hợp được phát hiện ở thủ đô Bắc Kinh và ba trường hợp ở Thượng Hải. Các tỉnh Chiết Giang, Cam Túc và Quảng Đông lần lượt báo cáo bốn, ba và một trường hợp.
Chính phủ cho biết trường hợp ở Thượng Hải liên quan đến một người gốc Hoa sống ở thành phố Milan của Italy trở về Trung Quốc qua Frankfurt vào ngày 12/3.
Chính quyền Cam Túc cho biết một trường hợp được phát hiện trên chuyến bay về từ Iran trong khi hai người còn lại là khách du lịch đến từ Saudi Arabia.
Số ca nhiễm trên toàn cầu hiện lên tới 156.098, với 5.819 ca tử vong. Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins, tới nay có 72.621 bệnh nhân đã hồi phục.
-
Tổng thống Trump âm tính với virus corona
Bác sĩ của Nhà Trắng, Sean Conley, cho biết kết quả xét nghiệm ngày 14/3 cho thấy Tổng thống Donald Trump âm tính với virus corona.
Reuters dẫn thông báo của bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley ngày 14/3 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
"Đêm qua, sau một cuộc thảo luận sâu với tổng thống về Covid-19 (Bệnh virus corona), ông đã quyết định tiến hành xét nghệm. Đến đêm nay, tôi đã nhận được xác nhận rằng xét nghiệm âm tính", ông Conley viết trong thông báo ngày 14/3. Bác sĩ Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Trump không xuất hiện triệu chứng nào trong vòng 1 tuần kể từ lúc tiếp xúc với một vài người phía Brazil, vừa được xác nhận dương tính trong tuần này, dự tiệc tối ở Mar-a-Lago.
Ảnh: AP.
-
Số ca tử vong ở Italy tăng gần 14%
Số ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Italy đã lên đến 1.441 trường hợp tính đến ngày 14/3, tăng gần 14% so với một ngày trước đó. Thêm 3.497 ca nhiễm mới được xác nhận.
Theo Reuters, tổng số ca nhiễm tăng vọt từ 17.660 lên 21.157 trong vòng một ngày. Trong khi đó, có thêm 527 bệnh nhân được xác nhận đã hồi phục. Số ca bệnh nặng cần điều trị tích cực đã tăng từ 1.328 lên 1.518 người.
Riêng tại vùng Lombardy, nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trong nhất, số ca tử vong ngày 14/3 tăng thêm 76 trường hợp, lên đến 966 bệnh nhân. Giulio Gallera, quan chức y tế cấp cao của Lombardy, cho biết số ca nhiễm ở vùng này đã tăng lên 11.685, nhiều hơn số liệu thống kê một ngày trước 1.865 bệnh nhân.
Thành phố Turin bước sang ngày phong tỏa thứ 4. Ảnh: Reuters.
-
Tây Ban Nha phong tỏa 46 triệu dân
Tây Ban Nha sẽ phong tỏa 46 triệu dân trong khuôn khổ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày để chống lại virus corona, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết hôm 14/3.
Số ca tử vong vì virus corona tại nước này đã lên tới 193 hôm 14/3, từ 120 ca hôm 13/3, theo đài TVE.
Số ca nhiễm bệnh đã lên tới 6.250, tăng so với 4.209 ca của một ngày trước đó, đồng thời cũng tăng cao so với 5.753 được công bố trước đó trong ngày 14/3.
Thủ tướng Pedro Sanchez đã thông báo lệnh phong tỏa trong phát biểu được phát sóng trên truyền hình hôm 14/3. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà để mua thức ăn và thuốc men, đến bệnh viện và ngân hàng, hoặc chuyến đi liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và người già. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 8 giờ (giờ địa phương) ngày 16/3.
Tây Ban Nha cũng đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng, quán bar và khách sạn trên toàn quốc, cùng với các cửa hàng không thiết yếu, một bước mà một số quốc gia đã thực hiện.