Đề xuất này được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đưa ra trong cuộc họp trực tuyến chiều 5/7 với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo).
Không để “thủng” bệnh viện
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cung cấp ngay dữ liệu liên quan đến các trường hợp F0, F1 cho Tổ Thông tin để phân tích tình hình dịch bệnh, hỗ trợ tỉnh trong công tác truy vết, dự đoán những khu vực cần tập trung xét nghiệm tầm soát, khoanh vùng...
Cùng với việc bố trí thêm máy xét nghiệm mới để nâng công suất từ 600 mẫu đơn/ngày lên 1.200 mẫu đơn/ngày, lực lượng phòng chống dịch của Đồng Tháp sẽ được tập huấn, thiết kế lại quy trình điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Đồng Tháp triển khai thí điểm tổ chức cách ly F1 tại nhà; bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ, thực hiện đúng quy trình. Ảnh: VGP. |
Lãnh đạo tỉnh cũng Đồng Tháp đề xuất thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, phát huy các tổ nhân dân tự quản của địa phương trong cung cấp thông tin và giám sát cộng đồng trên tinh thần “phát hiện F0 ở đâu, phong tỏa cục bộ ở đó, giữ cho chặt, không làm quá rộng”.
Ông Phong khẳng định tỉnh cũng sẽ rà soát tổng thể, dồn lực làm sạch ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lực lượng phòng chống dịch Đồng Tháp phải phấn đấu dứt khoát trả được kết quả xét nghiệm trong vòng 24 tiếng. Tỉnh cần kết hợp hài hòa giữa xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR phù hợp với từng đối tượng, nhanh chóng phát hiện F0, kịp thời ngăn chặn dịch lây ra cộng đồng.
Ví dụ, cần tiến hành xét nghiệm nhanh với những người có triệu chứng vào bệnh viện để sớm phát hiện, còn khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng, có thể sử dụng xét nghiệm PCR mẫu gộp. Khi có kết quả xét nghiệm, nhất thiết phải được cập nhật lên hệ thống với đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus.
Phó thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
Đồng thời, triển khai thí điểm tổ chức cách ly F1 tại nhà; bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ, thực hiện đúng quy trình, tránh lây nhiễm trong khi lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các cơ sở điều trị và đặc biệt “không để thủng bệnh viện”.
TP Sa Đéc và huyện Châu Thành có “nguy cơ rất cao”
Báo cáo Phó thủ tướng trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho hay tỉnh hiện có 4 “điểm nóng” với các ổ dịch ở: Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Xí nghiệp May 6 (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc); UBND huyện Lấp Vò; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành.
Tại những nơi có số ca lây nhiễm tăng cao như thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành, địa phương này đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ rất cao”, thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày (từ 18h ngày 1/7 với thành phố Sa Đéc).
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến bàn giải pháp chống dịch với tỉnh Đồng Tháp chiều 5/7. Ảnh: VGP. |
Ngoài ra, UBND huyện Lấp Vò cũng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ cao” tại xã Tân Khánh Trung, Định Yên và Bình Thạnh Trung. Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc vẫn xuất hiện các ca mắc Covid-19 nên tỉnh chỉ đạo tiếp tục thiết lập cách ly y tế tạm thời đối với bệnh viện này.
“Đồng Tháp áp dụng biện pháp tương ứng với nguy cơ cho toàn tỉnh; mức nguy cơ cao cho huyện Lai Vung, Lấp Vò và nguy cơ rất cao cho toàn bộ thành phố Sa Đéc cùng huyện Châu Thành”, ông Bửu nói.
Theo Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo, ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, có dấu hiệu tương tự đợt bùng phát dịch lớn tại một số bệnh viện trước đây. Trong khi đó, Đồng Tháp chưa có dữ liệu để phân tích được ca nhiễm đầu tiên vào viện ngày nào, đã di chuyển đến những đâu để truy vết triệt để.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng diễn biến dịch bệnh chưa quá phức tạp nên cần thực hiện bài bản ngay từ đầu, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp từ phát hiện sớm, truy vết nhanh, truy vết đến đâu lấy mẫu, xét nghiệm đến đó nhằm sớm phát hiện F0, ngăn chặn nguồn lây nhiễm.
Bên cạnh xét nghiệm theo truy vết, phải tiến hành xét nghiệm diện rộng có chỉ định (tại những nguồn nguy cao như bệnh viện, chợ, nơi người về từ vùng dịch…) để có dữ liệu phân tích dịch bệnh.
Theo ông Phu, tất cả trường hợp có triệu chứng vào bệnh viện (sốt, ho, khó thở…) phải thực hiện xét nghiệm ngay để sớm phát hiện ca chỉ điểm, không để “vỡ trận bệnh viện”.