Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã tăng 30.000-35.000 ca mỗi ngày sau khi xét nghiệm được tiến hành rộng rãi. Tính đến 9h sáng 11/4, tổng số ca nhiễm ở Mỹ là 500.399 ca.
Về số ca tử vong, Mỹ trở thành nước đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, khi có 2.108 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo thống kê của Đại học John Hopkins.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Jersey City, bang New Jersey ngày 10/4. Ảnh: AFP. |
Tổng số ca tử vong ở Mỹ đã lên tới 18.568, tính đến sáng sớm 11/4, gần bằng nước đứng đầu là Italy. Các quan chức cảnh báo số ca tử vong nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tuần này, sau đó giảm đi, giữa các dấu hiệu cho thấy giãn cách xã hội có thể đang “san phẳng” số ca nhiễm mới, theo Reuters.
Giữa những bình luận của Tổng thống Trump nóng lòng mở lại nền kinh tế, có những ước tính mới của chính phủ cho thấy số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 200.000 nếu tổng thống bỏ đi hướng dẫn phong tỏa khi hết hạn vào ngày 30/4, theo New York Times.
Thương thảo vẫn đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ nhằm có thêm gói hỗ trợ nền kinh tế có nguy cơ suy thoái vì đại dịch. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số trong Thượng viện, ngày 10/4 cho biết chính quyền Trump đã đồng ý với một đề xuất của cả hai đảng về khoản 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ vay, theo New York Times.
Sau khi chậm trễ trong xét nghiệm diện rộng, Mỹ đã đẩy nhanh sản xuất bộ xét nghiệm và đã xét nghiệm gần 2,5 triệu người, theo AFP.
Dù số ca tử vong mỗi ngày của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục, số ca nhiễm mới đang giảm ở những nơi phong tỏa nghiêm ngặt, đem lại dấu hiệu hy vọng.
Thống đốc New York Andrew Cuomo nói số ca tử vong trên là những ca nhiễm và nhập viện kỷ lục từ những tuần trước, mà sau đó không qua khỏi.
Trên toàn thế giới, số ca nhiễm đã vượt quá 1,6 triệu. Ít nhất 177 nước đã có ca nhiễm.
Nước mới nhất có ca nhiễm là Yemen, giữa lúc các nhóm cứu trợ đang gồng mình lo ngại dịch bệnh bùng phát ở một đất nước mà chiến tranh đã tàn phá hệ thống y tế và reo rắc đói kém, bệnh tật.