Theo AFP, Ấn Độ phá mọi kỷ lục trong ngày 30/8 khi ghi nhận 78.761 ca nhiễm trong vòng 24 giờ. Quốc gia 1,3 tỷ dân chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong bối cảnh chính phủ nới lỏng thêm một số biện pháp giãn cách xã hội nhằm giảm áp lực kinh tế.
Một số quốc gia như Hàn Quốc và New Zealand, những nơi từng thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nay vẫn phải đối mặt với sự xuất hiện của một số ổ dịch nhỏ.
Ở phía bên kia thế giới, Mỹ Latin, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona, vẫn đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Số người chết vì Covid-19 ở Brazil đã vượt 120.000, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Ông Christovam Barcellos, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Công Fiocruz, cho biết: "Đường cong của Brazil hiện đã ổn định, nhưng ở mức rất nguy hiểm với gần 1.000 ca tử vong và 40.000 ca nhiễm mỗi ngày".
Cảnh sát Đức giải tán đám đông biểu tình trước tòa nhà quốc hội để phản đối các quy định giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters. |
"Và Brazil vẫn chưa qua đỉnh dịch", ông Barcellos nói thêm.
Trên toàn thế giới, số trường hợp tử vong vì Covid-19 đã đạt gần 843.000 người. Do chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, cũng như vaccine chưa được phổ cập, chính phủ nhiều nước tiếp tục phải áp đặt các quy định giãn cách xã hội để làm giảm sự lây lan của virus. Nga đã phê chuẩn vaccine đầu tiên trong khi Trung Quốc cho sử dụng khẩn cấp một số loại vaccine.
New Zealand quy định hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và các chuyến bay, sau khi các ổ dịch tái xuất hiện sau hơn 100 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng.
Các biện pháp hạn chế mới cũng được áp đặt tại Hàn Quốc từ 30/8, sau 17 ngày liên tục số ca nhiễm mới ở mức 3 con số.
Bất chấp sự gia tăng số người nhiễm, tại nhiều nơi người dân đã phản ứng với các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội với lý do ảnh hưởng đến kinh tế.
Sự phản kháng cũng đến từ các phe cực hữu và cực tả, cũng như những người tin vào thuyết âm mưu hoặc chủ nghĩa chống vaccine.
Tại Berlin, hôm 29/8, khoảng 18.000 người đã tụ tập để bày tỏ sự phản đối các quy định hạn chế được ban hành để giảm sự lây lan của virus, cảnh sát sau đó đã giải tán cuộc biểu tình vì nhiều người không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Những người biểu tình vẫy cờ Đức và hô vang các khẩu hiệu chống lại Thủ tướng Angela Merkel, khẩu hiệu thường được đảng cực hữu AfD sử dụng.
Tới lúc này, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 5,9 triệu ca nhiễm. Kế đến là Brazil với 3,8 triệu trường hợp và Ấn Độ với 3,5 triệu ca.