Sơ bộ 2 sự cố nghiêm trọng của VietJet: Lỗi do phi công
Thứ năm, 27/12/2018 12:43 (GMT+7)
12:43 27/12/2018
Thông tin được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng nay.
Sáng 27/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị trong đó có Cục Hàng không Việt Nam sau khi các sự cố máy bay liên tiếp xảy ra khiến dư luận quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết những ngày qua có nhiều người nhắn tin, gọi điện hỏi Bộ trưởng về nguyên nhân các sự cố hàng không. Trước đó, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không và các đơn vị liên quan phải khẩn trương điều tra, làm rõ các sự cố.
Hiện trường vụ máy bay VietJet bị văng bánh khi hạ cánh ngày 29/11. Ảnh: CTV.
Lỗi ở phi công
Báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết vụ máy bay VietJet hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh ngày 25/12 có nguyên nhân chủ quan từ phi công.
Trong quá trình hạ cánh, cơ trưởng người Philippines (người có 11.000 giờ bay) đã mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng. Không lưu phát hiện và đã nhắc lái chính hướng tiếp cận. Tuy nhiên, tổ lái không điều chỉnh kịp và hạ vào đường băng xây dựng xong chưa khai thác.
Ông Thắng nhận định trong tình huống trên, kiểm soát không lưu đã làm đúng. Qua làm việc với tổ bay, cơ trưởng cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống đó.
"Lỗi phi công" cũng được xác định trong vụ máy bay VietJet bị văng 2 bánh trước ở sân bay Buôn Ma Thuột trong quá trình hạ cánh.
Trong vụ này, bánh trước của máy bay đã tiếp đất trước trong khi theo quy trình đáp thì bánh trước phải tiếp đất sau. Kết luận này trùng khớp với nhận định của chuyên gia hàng không Nguyễn Thành Trung từng chia sẻ với Zing.vn.
"Phi công tiếp đất có lỗi khi ngắt hệ thống lái tự động hơi sớm. Về quy trình không sai nhưng trong điều kiện kỹ thuật bình thường không nên tắt sớm. Trường hợp này có thể kéo lái, thoát lên để bay lại nhưng tổ bay không xử lý được" - ông Thắng nói và cho biết Cục vẫn đang chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra sự cố hàng không châu Âu.
VietJet làm việc với Bộ trưởng Giao thông
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn sau những sự cố vừa qua, đại diện VietJet cho biết lãnh đạo hãng đã có buổi làm việc và báo cáo Bộ trưởng GTVT về công tác an ninh, an toàn của hãng.
Đại diện VietJet xác nhận trong thời gian gần đây trong hoạt động khai thác đã để xảy ra các sự cố, trong đó có sự cố nghiêm trọng của chuyến bay VJ356 từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột ngày 29/11 và sự cố chuyến bay VJ689 từ Cam Ranh đi TP.HCM ngày 25/12.
Về sự cố chuyến bay VJ356 bị văng bánh khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột, ngày 3/12 Tổng giám đốc Vietjet thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố trong đó phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan. Hãng đã cử đại diện phối hợp với Cục Hàng không và nhà chế tạo Airbus để điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu.
Về sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh ngày 25/12, VietJet đã đình chỉ khai thác đối với người lái và người phụ trách khai thác bay để phục vụ công tác điều tra. Hãng đã thành lập tổ điều tra nội bộ, thu thập các hồ sơ tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Đơn vị này cũng cho biết đã tăng cường cán bộ quản lý, giám sát các hoạt động khai thác bay và bảo dưỡng ở các sân bay và 5 căn cứ chính của mình.
"VietJet sẽ khẩn trương thực hiện nghiêm túc các yêu cầu và chỉ đạo của Cục Hàng không", đại diện hãng bay thông tin.
Chưa đầy 1 tháng qua, hãng VietJet đã để xảy ra 2 sự cố hàng không nghiêm trọng. Đêm 29/11, máy bay VietJet bị văng bánh trước trong quá trình hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết bánh trước của máy bay văng ra cách đường băng 100 m, càng trước cày xuống đường băng. Vụ việc khiến 6 hành khách phải nhập viện.
Chiều 25/12, chuyến bay VJ689 của hãng VietJet đã hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh.
Sau những sự cố liên tiếp của VietJet, Cục Hàng không quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác. Đồng thời Cục thực hiện giám sát đặc biệt với VietJet tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.
Thời điểm xảy ra 2 sự cố trên, lãnh đạo Chính phủ cũng đã lập tức chỉ đạo Bộ GTVT vào cuộc. Cụ thể, chiều 30/11, một ngày sau sự cố văng bánh của VietJet, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đến sự cố hạ cánh nhầm ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng GTVT trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra toàn bộ quy trình trong lĩnh vực hàng không.
Ông Trương Hòa Bình là Phó thủ tướng thường trực; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XII, XII; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII, XIV. Ông từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện KSND TP.HCM; thứ trưởng Bộ Công an; Chánh án TAND Tối cao.
Ông Nguyễn Văn Thể là Bộ trưởng Giao thông vận tải; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Trung ương khoá XII; đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Airbus S.A.S là một công ty chuyên sản xuất máy bay và là công ty con của tập đoàn Airbus - một công ty hàng không vũ trụ châu Âu. Airbus sản xuất khoảng một nửa số máy bay phản lực của thế giới và đưa ra thị trường máy bay chở khách fly-by-wire đầu tiên Airbus A320, máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380.