Chỉ vài ngày trước thềm Tết Nguyên đán, đại sứ quán Trung Quốc ở London đăng tải trên website một thông báo đặc biệt, cảnh báo rằng Trung Quốc không chấp nhận tình trạng hai quốc tịch của công dân.
"Đại sứ quán sẽ vô hiệu hóa hộ chiếu của những người nào cố ý vi phạm luật pháp Trung Quốc, từ chối thị thực nhập cảnh của họ vào Trung Quốc", thông báo cho biết.
Cách London hàng nghìn km, Ryan, một nha sĩ song tịch Mỹ - Trung, gần như choáng váng khi đọc dòng thông báo ngắn gọn ấy, mường tượng ra viễn cảnh trùng trùng khó khăn khi quốc tịch Trung Quốc của mình nhiều khả năng bị tước bỏ.
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát quốc tịch
Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, hàng năm, Ryan vẫn thường xuyên về quê nhà thăm gia đình. Năm nay, bác sĩ ngoài 30 tuổi đau đầu trước viễn cảnh về nước bởi lo sợ quốc tịch Trung Quốc của mình bị tước bỏ do anh đang có hộ chiếu Mỹ.
"Tôi từng hy vọng sẽ cho con mình trở về nhà và học ở một trường công lập tại Trung Quốc. Nhưng bây giờ tôi không biết phải làm thế nào nữa. Hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn trong 2 năm tới", Ryan chia sẻ.
Ryan là một trong hàng triệu người Trung Quốc rời khỏi quê nhà để theo đuổi những cơ hội giáo dục, nghề nghiệp tốt đẹp hơn. Những người này sở hữu hộ chiếu của các nước khác nhưng vẫn giữ lại quốc tịch Trung Quốc của mình vì một vài lý do như dễ dàng mua bán tài sản ở đại lục, có thể gửi con cái theo học các trường ở Trung Quốc hay tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế công cộng.
Khu vực nhập cảnh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu mạnh tay chấm dứt tình trạng song tịch của công dân, một động thái mà các nhà phân tích đánh giá là nhằm phục vụ chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Khoảng 10 năm trở lại đây, bất cứ người Trung Quốc nào trở thành công dân của quốc gia khác cũng phải từ bỏ quốc tịch Trung Quốc và bàn giao lại hộ chiếu khi nộp hồ sơ xin thị thực quay trở lại Trung Quốc.
Với việc mất đi quốc tịch, những người này cũng mất đi quyền đăng ký hộ khẩu, điều kiện tiên quyết để tiếp cận các lợi ích công cộng như trợ giá nhà ở, lương hưu, giáo dục và chăm sóc y tế. Quyền lợi về đầu tư, thừa kế và sở hữu tài sản ở Trung Quốc cũng bị thay đổi khi mất đi quốc tịch Trung Quốc.
Để thực hiện được việc kiểm soát quốc tịch, Trung Quốc buộc những người mang hộ chiếu nước ngoài tuổi từ 14 tới 70 phải đăng ký vân tay khi nhập cảnh. Các khách sạn được yêu cầu báo cáo với cảnh sát khi có người nước ngoài đặt phòng. Công chúng được khuyến khích thông báo tới nhà chức trách những ai có thể là công dân nước ngoài.
Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, từ năm 2013 tới tháng 6/2014, bộ Công an nước này đã hủy bỏ hồ sơ đăng ký hộ khẩu của hơn 1 triệu người được xác định là song tịch hoặc nhiều quốc tịch.
Ryan cho biết nhiều bạn bè của anh mang hai quốc tịch Mỹ và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng khi Trung Quốc siết chặt vấn đề song tịch. Theo Ryan, nhà chức trách đã vô hiệu hóa hộ chiếu của một số người, thậm chí tịch thu một ngôi nhà ở Trùng Khánh được cấp theo chương trình tái định cư cho một công dân Trung Quốc do người này mang cả quốc tịch Mỹ.
Người Hoa tìm cách giữ quốc tịch
Tới nay, chưa có số liệu chính thức bao nhiêu người Trung Quốc sở hữu quốc tịch của quốc gia khác. Nhà chức trách Trung Quốc cũng không tiết lộ số trường hợp mang nhiều quốc tịch đã bị nước này xử lý.
Theo một thống kê của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, số người Trung Quốc di cư ra nước ngoài tăng từ 4,1 triệu người năm 1990 lên 9,3 triệu người năm 2013. Trung Quốc cũng là nước có số người di cư ra nước ngoài lớn thứ 4 trên thế giới.
Những người Trung Quốc mang nhiều quốc tịch có một số cách để xuất nhập cảnh mà không bị phát giác về tình trạng quốc tịch. Một số quốc gia như Canada cho phép người mang quốc tịch nước này để trống mục nơi sinh, giúp qua mặt nhà chức trách Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc thay đổi tên tại quốc gia mới nơi họ nhập cư hoặc đăng ký thị thực nhập cảnh trở lại Trung Quốc ở một quốc gia thứ ba.
Những công dân Trung Quốc sẽ bị tước hộ chiếu nếu sở hữu quốc tịch nước ngoài. Ảnh: SCMP. |
Một công dân Mỹ sinh ra ở Trung Quốc cho biết lý do lớn nhất mà nhiều người tìm cách giữ lại hộ chiếu Trung Quốc là bởi điều này giúp họ có nhiều thuận lợi hơn khi trở về Trung Quốc làm ăn.
Những người không mang hộ chiếu Trung Quốc thường phải trải qua nhiều bước kiểm tra và nộp nhiều giấy tờ xác minh hơn khi mở tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lập bởi người mang hộ chiếu Trung Quốc cũng được hưởng nhiều trợ cấp và ưu đãi thuế hơn.
Li Mingjiang, chuyên gia nghiên cứu quốc tế từ Đại học Rajaratnam tại Singapore, cho biết có nhiều lý do Trung Quốc mạnh tay xử lý vấn đề công dân mang nhiều quốc tịch, mà quan trọng nhất là phục vụ cho chiến dịch chống tham nhũng.
"Quốc tịch thứ 2 sẽ giúp bảo vệ các quan chức tham nhũng bị phát giác, gây cản trở cho chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc", Li nói.
Một trong các lý do khác là đảm bảo các sáng kiến và ưu đãi đầu tư dành cho công dân nước ngoài, nhưng có gốc Hoa, sẽ được cấp cho những đối tượng xứng đáng khi họ trở về đầu tư ở Trung Quốc.
"Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang thực thi chính sách ưu đãi dành cho những công dân nước ngoài gốc Hoa, chứ không phải những đối tượng là người Trung Quốc nhưng nay trở thành công dân nước ngoài. Xác định được ai thực sự vốn là "công dân nước ngoài" sẽ là bước đầu tiên để thực thi chính sách này", Li nói.
Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang nghiên cứu ra mắt một giấy tờ tùy thân mới dành cho người nước ngoài gốc Hoa và muốn thống kê bao nhiêu người sẽ thuộc diện được cấp loại giấy này.
Với những người như Ryan, vấn đề quốc tịch hiện là mối lo vô cùng cấp bách. Ryan dự định trở về quê nhà vào tháng 3, mang theo đứa con trai 12 tháng tuổi. Nay, bác sĩ 30 tuổi phải cân nhắc về quyết định hồi hương của mình.
"Tôi không chắc sẽ làm gì. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh cha mẹ gọi điện báo cho cảnh sát về mình", Ryan nói.