Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM tăng cao

Trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM mới đây, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố đã ghi nhận 4.491 trường hợp sốt xuất huyết. Số lượng này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm là số ca diễn biến nặng lên tới 109 người, tăng 354% so với thời gian này năm trước (24 ca). Trong đó, 2 trường hợp đã tử vong.

Một số địa bàn ghi nhận lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 là quận 12, Bình Chánh, Bình Tân và Hóc Môn.

UBND TP.HCM đã có công văn khẩn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa trên địa bàn thành phố.

benh nhan sot xuat huyet tang cao anh 1

Bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết thông qua vết đốt từ muỗi vằn. Ảnh minh họa: Futurity.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, khoa A4B, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể trở thành dịch. Virus xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt của muỗi vằn (Aedes aegypti).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào loại bệnh đáng được quan tâm nhất do muỗi truyền. Bệnh lây lan với tốc độ rất nhanh. Trong 50 năm qua trên toàn thế giới, các ca bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên hơn 30 lần.

Tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ khác nhau.

Ở thể nhẹ, người bệnh gặp triệu chứng sốt cao đột ngột 39-40 độ C, có thể kéo dài 4-7 ngày và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn và nôn; có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban.

Ở thể nặng, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết với các chấm ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; mệt mỏi, đau bụng nhiều, nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Một số bệnh nhân có thể bị sốc Dengue sớm. Đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với người mắc sốt xuất huyết. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan: gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc này tránh tình trạng nhầm lẫn sang những căn bệnh khác có triệu chứng bệnh tương tự.

Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

- Nằm nghỉ ngơi.

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây, duy trì 1,2-2,5 lít nước/ngày.

- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ dùng Paracetamol (không được sử dụng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu), đồng thời chườm mát cho người bệnh. Việc uống sai thuốc, hay quá liều đều gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

- Nếu không có diễn biến bất thường, bệnh nhân cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.

- Không dùng thuốc kháng sinh ngoại trừ có nguy cơ bị nhiễm trùng, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.

- Không nên ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay, uống rượu bia, hút thuốc lá.

Loại virus gây tử vong lên tới 40% xuất hiện tại Anh

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa thông báo về một phụ nữ tại nước này được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, sau chuyến du lịch đến Trung Á.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm