Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Wolbachia - phương pháp hiệu quả trong ngăn ngừa sốt xuất huyết

Tận dụng đặc tính của vi khuẩn Wolbachia, các nhà khoa học đã tìm ra và triển khai thành công phương pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết cho hiệu quả lâu dài, bền vững.

Năm 2011, ở thành phố Townsville phía đông bắc Australia, 7.000 gia đình tình nguyện trở thành "bảo mẫu" cho những con muỗi. Mỗi nhà có một hộp nuôi trứng muỗi Aedes aegypti ở sân sau, nuôi dưỡng chúng cho đến khi trưởng thành và bay đi. 4 triệu con muỗi này là một phần trong dự án của chương trình Muỗi Thế giới (World Mosquito Program, gọi tắt là WMP).

Điều đặc biệt là chúng mang trong mình Wolbachia, một vi khuẩn có thể làm giảm khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng. Sau khi được thả, chúng lan truyền vi khuẩn Wolbachia trong quần thể muỗi vằn địa phương thông qua giao phối. Kết quả là đến giờ, người dân Townsville không còn phải lo lắng về bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Từ những năm 1980, khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, Giáo sư Scott O’Neill - Giám đốc chương trình Chương trình Muỗi Thế giới - đã biết về Wolbachia và tự hỏi liệu có thể sử dụng chúng để ngăn muỗi truyền bệnh cho người hay không.

Sau nhiều năm nghiên cứu về sốt xuất huyết và tiềm năng của việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia để phòng chống căn bệnh này, năm 2005, Giáo sư O'Neill nhận được tài trợ thông qua "Grand Challenges for Global Health", một sáng kiến của Quỹ Bill & Melinda Gates, nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề sức khỏe ở những nước đang phát triển.

Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Wolbachia có thể làm giảm sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Năm 2011, phương pháp này được thử nghiệm thực địa ở Cairns, Australia và sau đó triển khai tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Vậy Wolbachia là gì? Đây là một nhóm vi khuẩn tự nhiên và an toàn, có sẵn trong 60% loài côn trùng, bao gồm một số loài muỗi. Tuy nhiên, chúng ít được tìm thấy trong Aedes aegypti - loài muỗi vằn trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Zika, Chikungunya và sốt vàng sang người.

Nghiên cứu thực hiện bởi Chương trình Muỗi Thế giới cho thấy khi được đưa vào muỗi vằn, vi khuẩn Wolbachia phổ biến trong côn trùng, có thể giảm thiểu khả năng lây truyền các bệnh kể trên.

Các nhà khoa học của Chương trình Muỗi Thế giới đã đưa loại vi khuẩn này vào muỗi vằn trong điều kiện phòng thí nghiệm, sau đó thả muỗi vằn mang Wolbachia vào tự nhiên. Sau khi được thả, chúng sẽ bắt cặp và sinh sản với quần thể muỗi hoang dã. Theo thời gian, tỷ lệ cá thể mang Wolbachia trong quần thể muỗi hoang dã tăng lên. Khả năng truyền vi rút sang người của những con muỗi này sẽ giảm xuống, làm giảm nguy cơ bùng phát dịch Zika, sốt xuất huyết, Chikungunya và sốt vàng.

Wolbachia anh 1

Khả năng đặc biệt này diễn ra theo hai cơ chế. Theo cơ chế đầu tiên, vi khuẩn Wolbachia giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của muỗi để chúng chống lại việc nhiễm vi rút Zika, sốt xuất huyết, Chikungunya hoặc sốt vàng. Nếu không bị nhiễm, muỗi không thể truyền những vi rút này sang người.

Theo cơ chế thứ hai, vi khuẩn này cạnh tranh với các vi rút khác trong cơ thể muỗi vằn, tiêu thụ phân tử cần thiết cho sự sống như cholesterol, khiến vi rút khác kém phát triển và khó lây truyền sang cơ thể người.

Wolbachia anh 2

Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thực tiễn lâu dài cho thấy phương pháp Wolbachia bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền, với ba ưu điểm nổi bật là tự nhiên, an toàn và hiệu quả.

Trước hết, Wolbachia là một loài vi khuẩn có sẵn trong tự nhiên, tồn tại trong cơ thể muỗi, ruồi giấm, chuồn chuồn và bướm. Chúng không gây hại tới sức khỏe con người hoặc hệ sinh thái tự nhiên.

Một đánh giá rủi ro độc lập của Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation - CSIRO (tạm dịch: Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung) kết luận phương pháp này có rủi ro "không đáng kể" đối với con người và môi trường - xếp hạng rủi ro thấp nhất của CSIRO.

Trước khi tiến hành thả muỗi ở mỗi quốc gia, phương pháp này phải đáp ứng yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý quốc gia đó. Đến nay, phương pháp Wolbachia đã được phê duyệt ở 11 quốc gia, trong đó có nước Australia - quốc gia vốn nổi tiếng có quy chuẩn khắt khe.

Hiệu quả của phương pháp này cũng đã được chứng minh tại những khu vực có thả muỗi vằn mang Wolbachia. Dữ liệu thực địa cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh do muỗi vằn truyền đã giảm đáng kể.

Sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng là bệnh do muỗi truyền nghiêm trọng nhất trên thế giới, có tốc độ lây lan nhanh với tỷ lệ mắc trên toàn cầu tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua. Mỗi năm, ước tính toàn cầu có khoảng 390 triệu ca nhiễm bệnh. Trong đó, có 500.000 trường hợp nặng, dẫn đến 25.000 ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới.

Do đó, song song với các biện pháp kiểm soát khẩn cấp và định kỳ, những nhà khoa học tâm huyết trên thế giới không ngừng tìm kiếm phương thức có thể ngăn ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết một cách lâu dài và theo hướng thân thiện môi trường. Một trong số đó là sử dụng vi khuẩn Wolbachia.

Phương pháp này được triển khai bởi Chương trình Muỗi Thế giới. Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận, nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền, trên quy mô lớn với chi phí thấp, ở khu vực đô thị của những quốc gia bị ảnh hưởng.

Hoạt động của Chương trình Muỗi Thế giới hướng đến 1 trong 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đó là đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; cụ thể là chống lại các bệnh truyền nhiễm. Chương trình cũng đóng góp cho 2 mục tiêu khác là Xóa nghèo và mục tiêu Hợp tác vì các mục tiêu chung trong 17 mục tiêu nói trên.

Đại diện chương trình Muỗi Thế giới chia sẻ: "Chúng tôi đã triển khai phương pháp Wolbachia ở 11 quốc gia trên ba lục địa và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng, chính phủ cùng các cơ quan quản lý. Chương trình đang góp phần bảo vệ hơn 5,3 triệu người khỏi các bệnh cho muỗi vằn truyền (tính đến tháng 6/2020) và sẽ tiếp tục được mở rộng".

Các quốc gia đang triển khai thử nghiệm phương pháp Wolbachia gồm Australia, Brazil, Colombia, Indonesia, Sri Lanka, Mexico, Kiribati, Fiji, Vanuatu, New Caledonia, Việt Nam và cả 11 quốc gia này đều ghi nhận được những kết quả tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đơn cử, năm 2011, phương pháp Wolbachia được triển khai tại Townsville, Australia. Từ đó, bệnh sốt xuất huyết không còn là nỗi lo về sức khỏe cộng đồng tại thành phố này.

Chương trình Muỗi Thế giới cũng đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng ở Yogyakarta, Indonesia. Kết quả cho thấy tại các khu vực có thả muỗi vằn mang Wolbachia, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã giảm 77% so với nơi không thả muỗi vằn mang Wolbachia. Tại Nam Mỹ, các đợt thả muỗi vằn mang Wolbachia quy mô lớn tại hai thành phố Rio de Janeiro, Brazil và Medellin, Colombia đang được thực hiện và đánh giá tác động.

Theo dõi dài hạn tại các cộng đồng trên thế giới có triển khai phương pháp Wolbachia của Chương trình Muỗi Thế giới cho thấy trong vòng 7 năm sau can thiệp đầu tiên, mật độ muỗi mang Wolbachia có khả năng tự duy trì ở mức độ cao trong phần lớn cộng đồng đó. Những khu vực có mật độ muỗi vằn mang Wolbachia cao ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền phổ biến ở Việt Nam, với ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1963. Trong giai đoạn 2000-2015, trung bình mỗi năm, Việt Nam ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc, với gần 100 trường hợp tử vong. Từ năm 1998 đến năm 2010, số ca mắc lên đến hơn 1 triệu. Hiện nay, bệnh xuất hiện chủ yếu ở khu vực phía nam, duyên hải miền Trung, và ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Với mục tiêu chung là bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền, Chương trình Muỗi Thế giới đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, và lựa chọn đặt văn phòng khu vực châu Á ở TP.HCM.

Năm 2013, đợt thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2018, Chương trình Muỗi Thế giới đã tiến hành các đợt thả muỗi vằn mang Wolbachia đầu tiên trên đất liền tại xã Vĩnh Lương, phía bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tổng cộng, hai đợt đã tiếp cận 16.784 người, trên tổng diện tích 2,2 km2. Đáng chú ý, tỷ lệ đồng thuận của người dân địa phương ở cả hai nơi là trên 97%.

Wolbachia anh 3

Đợt thả tiếp theo dự kiến thực hiện vào năm 2022, tại hai thành phố lớn của khu vực phía Nam Việt Nam là Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, dưới sự hợp tác của Chương trình Muỗi Thế giới với Viện Pasteur TP.HCM và Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam.

Đại diện chương trình Muỗi Thế giới chia sẻ: "Với sự hỗ trợ, đồng thuận của cộng đồng và chính quyền địa phương, chương trình sẽ bắt đầu thả muỗi vằn mang Wolbachia vào quý I/2022, thời gian thả dự kiến kéo dài vài tuần".

Tổng quan về dự án thả muỗi mang Wolbachia tại Việt Nam Phương pháp Wolbachia giúp ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết một cách tự nhiên, an toàn và hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn tiến phức tạp nhưng bước đầu đã được kiểm soát, việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, ngăn ngừa tình trạng "dịch chồng dịch" được đẩy mạnh.

Tất nhiên, việc sử dụng Wolbachia không phải biện pháp khẩn cấp, mà là một giải pháp tự nhiên, lâu dài và bền vững. Khi thực hiện song song các biện pháp phổ biến trong phòng chống bệnh do muỗi truyền, phương pháp Wolbachia hứa hẹn mang lại hiệu quả cao và có thể duy trì trong thời gian dài, góp phần đem lại một tương lai khỏe mạnh hơn cho các cộng đồng cư dân tại Việt Nam.

Đại diện Chương trình Muỗi Thế giới bày tỏ: "Theo thời gian, chúng tôi kỳ vọng sốt xuất huyết ngày càng ít xảy ra, khi mật độ của muỗi vằn mang Wolbachia tăng lên. Chúng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó, muỗi chích sẽ không để lại gì ngoài một vết ngứa".

*Hình ảnh do Chương trình Muỗi Thế giới cung cấp.

Giang Hoàng Linh

Thiết kế: An Du

Bình luận

Bạn có thể quan tâm