Tại Mỹ, trong nhóm người dưới 25 tuổi, cứ 50 người thì có một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc chứng bệnh này cao nhất thế giới. Người bệnh thường rơi vào tình trạng biến đổi cảm xúc theo hướng tiêu cực, từ hưng phấn sang ức chế, ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ xã hội và cuộc sống của người bệnh.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan đang thử nghiệm một ứng dụng dành cho smartphone chạy Android có tên mã là PRIORI, có thể dự báo mỗi khi người dùng có dấu hiệu rối loạn lưỡng cực.
Smartphone sẽ phát hiện bệnh trầm cảm dựa trên quá trình phân tích giọng nói của người dùng. Ảnh: TechCrunch |
Trong khi ứng dụng này vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện, một nhóm 60 bệnh nhân Mỹ đã tình nguyện tham gia vào cuộc thử nghiệm để kiểm chứng những lợi ích của ứng dụng này. Cuộc nghiên cứu này được bảo trợ bởi Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia và hỗ trợ bởi Quỹ nghiên cứu về rối loạn lưỡng cực Prechter tại Trung tâm Nghiên cứu rối loạn lưỡng cực Đại học Michigan.
Ứng dụng này hoạt động dựa trên việc theo dõi giọng nói và phát hiện những biến chuyển tinh tế trong cảm xúc của người dùng. Một sự thay đổi dù là nhỏ nhất cũng có thể là dấu hiệu cho biết người dùng đang ở trạng thái hưng phấn (hưng cảm) hay ức chế (trầm cảm).
Ảnh minh họa cơ chế hoạt động của ứng dụng PRIORI. Ảnh: TechCrunch. |
Sự riêng tư trong các cuộc điện thoại là vấn đề được không ít người quan tâm khi sử dụng PRIORI. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, sẽ chỉ có phần thoại của người dùng được ghi lại để phục vụ cho việc phân tích. Ứng dụng này sẽ nhanh chóng cảnh báo khi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực trong tâm lý của người dùng.
Theo nhóm nghiên cứu, đứng đầu là các nhà khoa học máy tính Karam và Emily Mower Provost và bác sĩ tâm thần Melvin McInnis, công nghệ này cũng có thể giúp đỡ những bệnh nhân khác như tâm thần phân liệt hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương.