Quad HD là màn hình có độ phân giải siêu nét (2.560 x 1.440 pixel) dành cho những chiếc smartphone đời mới. Sau sự ra đời của những chiếc điện thoại 720p vào năm 2011 và của điện thoại 1080p chỉ một năm sau đó, thì đến năm 2014 này, chứng kiến làn sóng đầu tiên của những chiếc smartphone Quad HD.
Hiện đã có một vài chiếc điện thoại Quad HD xuất hiện ở thị trường Trung Quốc, nhưng có vẻ chiếc điện thoại G3 của LG mới là chiếc smartphone đầu tiên với độ phân giải siêu nét được bán rộng rãi trên thị trường.
Giống như bất kỳ tiến bộ nào khác trong lĩnh vực độ phân giải màn hình, công nghệ Quad HD sẽ làm cho màn hình smartphone của chúng ta trở nên rõ nét hơn. Lợi ích thiết thực của loại màn hình siêu nét này là mắt người có thể nhìn rõ được những chi tiết nhỏ nhặt nhất trên ảnh và video, cũng như đọc được các cỡ chữ siêu bé.
Nhưng sẽ có một vài người đặt câu hỏi: Đây hình như là những đặc điểm của màn hình "Retina" được ra mắt năm 2010 thì phải? Chẳng phải là chúng ta đã đạt tới "độ nét Retina" hoàn hảo trên thiết bị của mình rồi còn gì? Lời giải cho những thắc mắc này nằm ở phần tiếp theo phía dưới.
Độ phân giải và kích thước màn hình
Hãy bắt đầu với iPhone 4, chiếc smartphone đầu tiên được quảng cáo là sử dụng màn hình Retina siêu nét – đến mức có thể khiến mắt thường không còn nhìn thấy rõ những điểm ảnh lấm chấm trên màn hình nữa. iPhone 4 là chiếc điện thoại sở hữu màn hình độ phân giải 640 x 960 pixel, nhưng nếu chỉ dựa vào độ phân giải thì không thể nói mô tả được sự sắc nét của màn hình.
Chẳng hạn nếu chúng ta đem độ phân giải của iPhone 4 đưa lên màn hình 50 inch, thì độ chi tiết cao của màn hình sẽ không còn nữa. Vì vậy thay vì chỉ tập trung vào độ phân giải, sẽ là toàn diện hơn hơn nếu chúng ta để ý đến những số liệu khác như mật độ điểm ảnh.
Chẳng hạn như chiếc iPhone 4, màn hình của nó có mật độ điểm ảnh là 326 điểm trên mỗi inch (ppi – pixel per inch), có thể coi là khá cao. Mặc dù vậy, không lâu sau đó, những loại màn hình với độ phân giải và mật độ điểm ảnh cao hơn bắt đầu xuất hiện. Dưới đây là mật độ điểm ảnh của một vài chiếc điện thoại phổ biến ra đời từ lúc đó đến nay:
- iPhone 4/5/5S: 326 ppi
- Samsung Galaxy S3 (4,8 inch, 720p): 306 ppi
- Samsung Galaxy S4 (5 inch, 1080p): 441 ppi
- Samsung Galaxy Note III (5,7 inch, 1080p): 386 ppi
Nhìn vào những chiếc điện thoại trên, chúng ta có thể thấy các màn hình có cùng độ phân giải nhưng có những mật độ điểm ảnh khác nhau và như vậy thì độ nét cũng sẽ khác nhau.
Trở lại thời điểm Apple giới thiệu iPhone 4. Lúc đó nhiều bài báo cho rằng bất kỳ màn hình nào có mật độ điểm ảnh từ khoảng 300 ppi trở lên là có thể đủ để mắt người nhận thấy nó rõ ràng và sắc nét. Vậy thì tại sao độ phân giải của màn hình lại liên tục tăng từ HD, Ful-HD cho tới hiện nay là Quad HD? Liệu chiếc điện thoại Quad HD mới nhất vừa ra mắt LG G3 đạt mật độ điểm ảnh cao đến mức 534 ppi có phải là một sự lãng phí tài nguyên phần cứng?
Yếu tố thứ ba: cự ly quan sát (khoảng cách nhìn)
Hãy khoan kết luận vội, vì còn một nhân tố chủ chốt nữa nên được xem xét khi chúng ta nói về độ rõ nét của màn hình nhưng lại thường bị bỏ qua. Đó là khoảng cách nhìn. Kể cả chiếc tivi hay điện thoại nét nhất cũng bắt đầu mờ đi khi bạn nhìn nó với cự ly xa dần. Vậy thì câu hỏi mà chúng ta sẽ giải đáp hôm nay là: Bắt đầu từ mức khoảng cách nào chúng ta sẽ nhận thấy ích lợi của những màn hình có độ phân giải cao?
Cự ly quan sát lý tưởng
Để đo lường khoảng cách lý tưởng giữa mắt bạn và màn hình điện thoại, hãy giả sử rằng bạn là một trong số rất ít những người có thị lực hoàn hảo, tức là mức thị lực 20/20. Một người đạt tới mức thị lực này là người có thể nhìn rõ mọi vật với góc độ 1 phút (bằng 1/60 độ).
Hầu hết mọi người đều có thị lực kém hơn mức này, ví dụ người có thị lực 20/40 chỉ có thể nhìn rõ với góc độ 2 phút, trong khi với một số ít người (như phi công chẳng hạn) với thị lực 20/10 có thể nhìn rõ với góc độ 0,5 phút. Giới hạn thực sự của mắt người là khoảng 20/8, vì vậy một lần nữa chúng ta giả định mình có thị lực hoàn hảo 20/20.
Với giả thuyết đó, bạn thử nghĩ xem cần phải nhìn gần tới mức nào để thấy rõ những điểm ảnh lấm chấm trên một màn hình Quad HD, 720p và 1080p. Hãy nhìn danh sách phía dưới:
- Với điện thoại 480p (màn hình 4 inch như của Galaxy S3 mini): mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 37,4 cm.
- Với điện thoại 720p (màn hình 4,7 inch như của Nexus 4): mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 28 cm.
- Với điện thoại 1080p (màn hình 5 inch như của Galaxy S5): mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 19,8cm.
- Với điện thoại 1440p (màn hình 5,5 inch như của LG G3): mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 16,4 cm.
Với độ phân giải 480p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 37,4cm trên chiếc điện thoại 4 inch.
Với độ phân giải 720p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 28cm trên chiếc điện thoại 4.7 inch.
Với độ phân giải 1.080p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 19,8cm trên chiếc điện thoại 5 inch.
Với độ phân giải 1440p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 16,4cm trên chiếc điện thoại 5,5 inch.
Kết luận
Nói tóm lại, từ nay chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận của mình về vấn đề này. Đôi mắt và thị lực của chúng ta rất phức tạp. Hơn nữa cách mà con người thực sự nhìn mọi vật phần lớn thông qua việc xử lý hình ảnh của bộ não. Tất cả những yếu tố đó đều khó có thể đo lường được với các tiêu chuẩn hiện tại.
Về những nhận xét ở trên, để dễ hiểu hơn hãy đặt chúng trong điều kiện thật đơn giản: về mặt lý thuyết, bạn cần phải nhìn vào một màn hình 5,5 inch Quad HD từ khoảng cách 16 cm để mắt mình bắt đầu nhìn thấy rõ những điểm ảnh (với điều kiện bạn phải có thị lực 20/20, nếu không bạn sẽ cần nhìn gần hơn nữa). Còn ở cự ly bình thường, hầu như không ai có thể nhận thấy sự khác biệt về độ nét giữa một chiếc Galaxy S5 1.080p và một chiếc điện thoại Quad HD (LG G3).