Mẫu thiết bị hiển thị toàn màn hình, thiết bị liên lạc cầm tay mỏng như tờ giấy và trong suốt đã không còn xa lạ trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hàng thập kỷ qua. Những thiết bị này có thể gập làm đôi và bỏ gọn trong túi táo người dùng.
Ý tưởng đó luôn cháy bỏng trong mỗi tín đồ công nghệ, đặc biệt là chiếc smartphone có thể uốn cong và gập lại cực nhỏ gọn trong túi áo. Các công ty như Samsung, ZTE đang cố biến ý tưởng này thành hiện thực.
Thế nhưng, hãy tạm gạt qua thách thức thiết kế và kỹ thuật sang một bên, các mẫu điện thoại gập như vậy chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường. Có vẻ với công nghệ hiện tại, điện thoại uốn cong là sản phẩm không thực tế.
Tại sao như vậy?
Có nhiều thách thức mà các công ty sản xuất điện thoại cần vượt qua nếu muốn thuyết phục người dùng về sự ưu việt của chiếc điện thoại gập. Liệu chúng có tốt hơn những chiếc điện thoại không gập hiện nay không?
Samsung là công ty lớn nhất được cho là đang phát triển mẫu điện thoại gập kiểu mới. Tin đồn này đã rộ lên hơn một năm qua và thông tin mới nhất cho biết mẫu điện thoại này có thể sẽ lên kệ vào đầu năm tới.
Thực tế, Samsung đã phát triển màn hình dẻo từ nhiều năm qua. Thậm chí hãng còn công bố video về mẫu màn hình có thể gập làm đôi tên là Samsung Youm.
Tuy ấn tượng nhưng Samsung lại không đề cập tới những cấu phần rất quan trọng khác như pin điện thoại. Với kiểu thiết kế gập linh hoạt, pin chính là thử thách lớn nhất Samsung cần vượt qua, bởi không phải lúc nào cũng có thể làm pin mỏng hơn và dẻo hơn mức hiện tại.
Nhưng nếu ai đó làm ra chiếc điện thoại gập thì chỉ có thể là Samsung. Công ty này có lịch sử làm ra các thiết bị khác biệt, chẳng hạn máy chiếu bỏ túi Galaxy Beam, điện thoại zoom quang 10x (Galaxy S4 Zoom), và màn hình cong (phổ biến trên tất cả mẫu smartphone cao cấp hiện nay).
Ý tưởng thất bại
Samsung không phải cái tên duy nhất theo đuổi cuộc đua sản xuất điện thoại gập có thể mở rộng ra như một chiếc máy tính bảng. Oppo và Lenovo cũng công bố thiết kế điện thoại gập nhưng chưa đạt tới mức tinh xảo cần thiết.
Concept điện thoại gập của Oppo. |
Thiết kế mẫu của các hãng này có cạnh viền cực dày, kiểu dáng xấu, nhất là phần giữa màn hình khi gập vào.
Thật khó tưởng tượng ai đó có thể thích thiết kế này. Chúng trông giống một món đồ chơi dành cho trẻ con thì đúng hơn.
Trong khi đó, ZTE cũng vừa mới ra mắt thiết kế Axon M, được nhà mạng AT&T (Mỹ) phân phối độc quyền. Tuy phần giữa không quá dày nhưng thực chất Axon M là hai màn hình chắp lại với nhau.
Axon M trông giống chiếc máy chơi game cầm tay Nintendo 3DS. Tuy thiết bị cũng có thể gập được nhưng thiết kế này có vẻ không hữu ích và không phải thiết kế mà người dùng mong muốn.
Lịch sử smartphone cho thấy thiết bị gập hay bất cứ thiết bị sử dụng hai màn hình nào cũng không được ưu chuộng. Tất nhiên, dòng điện thoại vỏ sò lại là câu chuyện khác.
Liệu bạn có nhớ chiếc máy tính bảng Tablet P của Sony. Về mặt kỹ thuật, nó không phải chiếc điện thoại nhưng có thể gập làm đôi và có hai màn hình. Thế nhưng, bạn chẳng bao giờ nhớ tên sản phẩm này và nó cũng biến mất từ cách đây rất lâu.
Sony Tablet P. |
Một mẫu điện thoại hai màn hình khác là Echo của hãng Kyocera. Ra mắt năm 2011, Echo đã thất bại toàn tập. Chẳng ai nhớ chiếc điện thoại này là gì. Sử dụng thanh trượt để tách thành hai màn hình, Echo được xem là thiết kế “dị” chưa từng có.
Trước Echo, Kyocera cũng ra mắt concept điện thoại gập “EOS”, nhưng ý tưởng này đã chết ngay từ trong trứng nước. Thêm một mẫu điện thoại gập khác là Medias W của NEC. Medias W cũng sử dụng cơ chế trượt ngang để tách làm hai màn hình.
Nói chung, không thấy sự đổi mới nào trong các thiết kế này. Người dùng smartphone mong muốn một thiết kế mang tính cách mạng thực sự, chứ không cần một chiếc điện thoại gập theo nghĩa đen.
Chưa tới lúc
Smartphone gập và điện thoại hai màn hình chưa thể gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong khi, chiếc smartphone một màn hình với thiết kế cạnh cong đang được coi là “khuôn vàng thước ngọc”. Tất cả smartphone hiện nay đều đi theo hướng này.
Nhiều người nghĩ rằng họ cần một thiết bị màn hình lớn nhưng thực chất họ lại chẳng cần tới nó. Giữa ý nghĩ và thực tế là cả sự khác biệt.
Công nghệ hiện nay chưa sẵn sàng làm ra chiếc smartphone gập mà người dùng mong chờ. Có quá nhiều nhược điểm bù cho ưu điểm ít ỏi của dòng điện thoại này.
Đó cũng là lý do tại sao các nhà sản xuất điện thoại vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm này.