Tuy rất tệ so với smartphone ngày nay, ta không thể phủ nhận sự đột phá trong smartphone đời đầu. Ảnh: Dr. Rita El Khoury/X. |
Các smartphone hiện đại đang ngày càng được tối ưu để tiện lợi hơn cho người dùng. Ngay cả điện thoại tầm trung cũng có màn hình chất lượng cao, tốc độ sạc nhanh, pin lớn và bộ xử lý mạnh mẽ. Tuy nhiên không ít trong số chúng vẫn bị đánh giá thấp dù làm được gần như mọi thứ.
Chỉ khi nhìn lại thời kỳ điện thoại thông minh từ đầu đến giữa những năm 2000, ta mới thực sự đánh giá cao giá trị của smartphone ngày nay. Các tính năng mà ngày nay chúng ta coi là hiển nhiên, lại là những điều kỳ lạ trên điện thoại lúc bấy giờ.
Cài đặt điện thoại mới khó hơn
Một trong những phiền toái khi sử dụng điện thoại chạy Java và "smartphone" Symbian đời đầu thường sẽ bắt đầu ngay từ lúc ta mua thiết bị về và cài đặt chúng.
Đầu tiên, những thiết bị này thường không có dịch vụ lưu trữ đám mây nào, đó vẫn còn là một khái niệm lạ lẫm thời bấy giờ. Như vậy nghĩa là không có những thứ thuận tiện như đồng bộ hóa ảnh và video, danh bạ hoặc tin nhắn văn bản từ đám mây.
Người dụng hiện nay có thể chuyển dữ liệu sang điện thoại mới chỉ với vài thao tác đơn giản. Ảnh: Andrew Martonik/Android Central. |
Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp cho điều này, chẳng hạn như kết nối điện thoại với PC và cài đặt công cụ chuyển đổi của nhà sản xuất. Nhưng không giống đồng bộ tài khoản trên smartphone ngày nay, người sẽ gặp nhiều rắc rối nếu đổi điện thoại sang thương hiệu khác.
Ta cũng cần sao chép danh bạ từ thẻ SIM sang. Rất may, một số điện thoại có hỗ trợ thẻ nhớ, giúp việc truyền ảnh/video trở nên dễ dàng.
Mỗi hãng một loại sạc
Có thể nói rằng các hãng điện thoại thời đó quan tâm tới người dùng hơn khi mọi điện thoại đều được bán kèm sạc, nhưng điều khó chịu là các hãng khác nhau sẽ sử dụng đầu sạc khác nhau.
Chân sạc trên các dòng sản phẩm từ iPhone 4s trở xuống (phải). Ảnh: Appleinsider. |
Trong khi smartphone ngày nay có duy nhất một cổng chuẩn USB-C, Nokia khi đó cung cấp bộ sạc đầu tròn, trong khi Sony-Ericsson có bộ sạc hai chấu kỳ lạ. Những kết nối độc quyền này thường được dùng làm cổng dữ liệu để kết nối với PC, do đó người sẽ gặp rắc rối nếu làm mất cáp.
Khả năng tùy biến hạn chế
Cá nhân hóa là một phần không thể thiếu trên các mẫu điện thoại hiện đại. Người dùng có thể điều chỉnh mọi thứ từ hình nền, nhạc chuông đến màu sắc chủ đạo và hiệu ứng hoạt ảnh.
Điện thoại phổ thông hay smartphone Symbian đều rất hạn chế về mặt tùy biến. Ảnh: All about Symbian. |
Smartphone cũ và điện thoại Symbian đời đầu không như vậy. Người dùng chỉ có thể đặt hình nền riêng, âm báo thức và nhạc chuông đều phải sử dụng sẵn có theo điện thoại, còn việc tùy chỉnh màn hình chính hay menu ứng dụng là gần như không tồn tại.
Lướt web bằng EDGE và GPRS
Một trong những điều khó chịu nhất về điện thoại phổ thông cũ và điện thoại thông minh thời Symbian là trải nghiệm duyệt web tệ hại.
Đây là thời điểm mà điện thoại di động chỉ có thể truy cập vào các trang WAP chứ không phải toàn bộ trang web. Các trang WAP là các trang web đơn giản được xây dựng riêng cho Internet di động.
Opera Mini là "đấng cứu cánh" cho điện thoại sử dụng mạng EDGE/GPRS thời đó. Ảnh: Fone Arena. |
Đây chính là lúc trình duyệt Opera Mini trở thành cứu cánh, tăng tốc đáng kể tốc độ tải trang và tiết kiệm dữ liệu di động trong thời đại này. Ứng dụng của Opera cũng đã làm rất tốt việc định dạng lại các trang web máy tính để xem trên thiết bị di động.
Hơn nữa, không phải điện thoại nào trong thời đại này cũng được trang bị Wi-Fi. Ngay cả một số ít điện thoại có Wi-Fi vào giữa những năm 2000 cũng đi kèm những hạn chế.
Ví dụ điện thoại Nokia có Wi-Fi vào thời điểm đó buộc người dùng phải chuyển đổi thủ công giữa kết nối di động và Wi-Fi. Và ngày nay chúng ta thường bực bội khi thấy smartphone của mình mất đến vài giây để tự chuyển từ kết nối di động sang Wi-Fi.
Di động ngày nay có hàng loạt tính năng như Quick Share, AirDrop, giải pháp chia sẻ riêng của từng hãng, email, chia sẻ trên đám mây,... Nhưng điện thoại từ đầu đến giữa những năm 2000 gần như phải dựa hoàn toàn vào Bluetooth để chia sẻ dữ liệu.
Liên lạc trước thời ứng dụng trò chuyện
Ngày nay, người dùng có hàng loạt lựa chọn để liên lạc như WhatsApp, Telegram, Zoom, Skype, Messenger, Zalo hay Google Meet… cũng như gọi điện thoại và tin nhắn truyền thống.
Vào thời điểm đó, phần lớn điện thoại vẫn sử dụng mạng 2G, cũng như không nhiều thiết bị sở hữu kết nối Wi-Fi. Vì vậy, nhắn tin văn bản là một trong những cách phổ biến nhất để liên lạc do chi phí rẻ.
Hình thức liên lạc phổ biến nhất thời đó là tin nhắn SMS. Ảnh: Velian Speaks Tech/YouTube. |
Đây cũng là thời kỳ mà các nhà mạng đẩy mạnh gọi video. Các mạng cho rằng 3G là lựa chọn hoàn hảo cho cuộc gọi video trong khoảng thời gian đầu đến giữa những năm 2000.
Đây là lý do các nhà sản xuất trang bị camera trước cho điện thoại. Ví dụ Nokia N70 đời 2007 được trang bị một chiếc máy ảnh chất lượng VGA. Vào thời điểm đó, camera trước chủ yếu không dành cho việc chụp ảnh selfie.
Chợ ứng dụng không tồn tại
Apple thông qua iPhone đã phổ biến ý tưởng về một cửa hàng ứng dụng tập trung được quản lý bởi một đơn vị. Trước thời của Android và iOS thì mọi thứ khá khó khăn.
Người dùng điện thoại phổ thông và smartphone Symbian đời đầu thường phải sử dụng các cửa hàng ứng dụng của bên thứ 3, các cửa hàng ứng dụng dành riêng cho khu vực, các diễn đàn chia sẻ do người dùng tạo ra.
Người dùng Smartphone hiện nay nên cảm thấy "biết ơn" Apple vì phổ biến khái niệm chợ ứng dụng tập trung. Ảnh: Apple. |
Ngoài ra, những “chợ” ứng dụng di động ban đầu này không chịu sự quản lý của bất kỳ hãng di động nào, vì vậy việc quản lý gần như không có. Những nền tảng này tràn lan ứng dụng rác, không tương thích hay “loạn” phiên bản.
Nokia đã từng tạo ra một “App Store” của riêng mình mang tên Club Nokia vào cuối những năm 1990. Đây là một cổng dịch vụ cung cấp hình nền, nhạc chuông, game.
Tuy vậy, Nokia cuối cùng đã phải thu hẹp lại tham vọng của nền tảng này với lý do áp lực từ các nhà cung cấp mạng di động. Bởi việc bán nội dung di động là một món hời lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ vào thời điểm đó.
Bài học từ sự thất bại của Nokia và nhiều thương hiệu lớn.
Thật khó để các chủ doanh nghiệp tưởng tượng mọi thứ có thể bất chợt lật nhào như những gì đã diễn ra với Nokia. Cuốn sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Phải chăng những mầm mống của thất bại lúc nào cũng hiện hữu trong những thành công lâu bền? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công?