Thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên nằm phía đông lưng chừng dãy Tây Côn Lĩnh, cách trung tâm Ủy ban nhân dân xã 5 km. Thôn có 78 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao, trong đó có 21 hộ diện nghèo.
Ở đây, đường xá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đèo dốc bằng đường đất pha cát. Những khi trời mưa, đường bị sạt lở, trơn trượt, rất nguy hiểm cho người dân và các em học sinh đến trường.
Tháng 5/2015, thôn Tả Ván được Viettel Hà Giang hỗ trợ 14 tấn xi măng, tặng hộ nghèo làm chuồng, trại gia súc, sân nhà và công trình vệ sinh. Được hỗ trợ xi măng là niềm vui lớn của nhiều hộ nghèo trong thôn. Thế nhưng, chính những người được tặng xi măng lại mong muốn có con đường bê tông liên thôn đảm bảo cho đi lại.
Họ đồng thuận và tự nguyện góp toàn bộ số xi măng được hỗ trợ cho thôn để làm đường liên thôn. “Làm chuồng trại gia súc, sân nhà, công trình vệ sinh là việc cấp thiết của gia đình, nhưng có thể làm sau. Cái đường đi của cả thôn cần phải làm trước”, một người dân thuộc hộ nghèo thôn Tả Van chia sẻ.
Nhận xi măng, cả thôn hợp sức triển khai làm đường bê tông, các hộ cùng nhau góp công, góp sức vận chuyển cát, sỏi từ suối ở dưới trung tâm xã lên làm đường. Mỗi lần vận chuyển một xe máy chỉ chở được 2 bao sỏi hoặc cát.
Sau một tháng thi công, công trình đoạn đường bê tông liên thôn được hoàn thành với chiều dài 308 m, rộng 1,5 m. Với người thành phố, đoạn đường nhỏ này quá bình thường nhưng với bà con thôn Tả Ván, đó là một giấc mơ trở thành hiện thực.
“Slogan” được người dân thôn Tả Ván viết trên con đường vừa mới xây. Ảnh: Trung Hà. |
Trong không khí vui mừng của cả thôn khi có con đường bê tông mới, người dân đã cám ơn Viettel theo cách riêng của họ. Họ viết lên trên đường bê tông dòng chữ “Viettel hãy nói theo cánh của bạn”.
Ông Bồn Văn Nằng - một hộ dân được nhận xi măng chia sẻ với giọng xúc động:“Cám ơn Viettel nhiều lắm. Có đường tốt thì dân ở đây mới có cơ hội để trao đổi lúa thóc, bí đỏ và chè được nhanh hơn, các cháu đi học đỡ vất vả”. Trước đó, lợn nhà ông Nằng phải ăn thóc, bởi khó mua được ngô do phải xuống xã mà đường xấu quá, đi lại vất vả nên không mang được. Ông Nằng nói thêm: “Chúng tôi mong lại được hỗ trợ xi măng, người dân trong thôn sẽ tiếp tục làm tiếp các đoạn đường còn lại”.
Nếu không trực tiếp đến các thôn bản nghèo vùng cao, người ta khó có thể hiểu được nỗi vui mừng và xúc động của người dân khi có một con đường bê tông hay một trạm xá, trường học mới… được xây kiên cố. Ở nhiều thôn bản, việc di chuyển ra nơi có trạm xá, trường học mất nửa ngày đến một ngày. Nhiều nơi không thể đi được ôtô mà chỉ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe máy nhưng nếu trời mưa thì chỉ ở nhà vì đường quá xấu, đất sạt lở nên dễ tử vong vì tai nạn. Cũng vì thế, giao thương kém phát triển, khả năng thoát nghèo của bà con rất khó khăn.
Con đường thôn Tả Van không quá dài (chỉ có 308 m), không rộng (chỉ 1,5 m) và cũng không hẳn tạo ra một cuộc đổi đời cho người dân nơi đây nhờ đường xá. Thế nhưng, con đường nhỏ ấy giống như phần đầu của một giấc mơ được đi lại dễ dàng hơn, mua bán thuận tiện hơn của những người dân nghèo.
Nguyễn Trung Hà, nhân viên Viettel Hà Giang chia sẻ, anh rất xúc động khi người dân tự viết dòng slogan của công ty mình lên con đường. “Sai chính tả khi viết slogan Viettel nhưng tình cờ người dân Tả Ván đã nói đúng một từ quan trọng trong giấc mơ của họ: 'Cánh'. Một con đường tốt, đi lại dễ dàng chính là 'cánh' cho giấc mơ đổi đời của họ”, Trung Hà chia sẻ.
Nhân viên của Viettel nói thêm, anh cũng không đề nghị những người dân nơi đây viết lại bởi “đây là một slogan đáng yêu và… chính xác với thôn Tả Ván”. “Những đồng bào nghèo biên giới nơi đây đã có lựa chọn của mình khi tặng phần hỗ trợ của Viettel cho con đường chung, để chung sức cùng những người khác xây dựng. Đó là cách riêng cuả họ và chúng tôi tôn trọng điều đó”, Trung Hà tâm sự.