Giữa một dàn producer đình đám, ăn khách của nhạc Việt như Dương Cầm, Rhymastic, Đỗ Hiếu hay Only C, người về nhất Sao đại chiến lại là Slim V. Điều đó đủ chứng tỏ chuyên môn của Slim V là không thể phủ nhận.
Nhưng cũng có không ít khán giả cho rằng Slim V "quá an toàn" và thiếu cá tính khi tham gia truyền hình thực tế. Nhà sản xuất âm nhạc trẻ cũng thừa nhận anh là người ngại va chạm và chỉ muốn khẳng định sự cá tính qua sản phẩm âm nhạc.
Đội Slim V đoạt quán quân Sao đại chiến 2017. |
'Tôi ngại va chạm nhưng không sợ mất lòng'
- Đã có một vài ý kiến trái chiều khi Dương Cầm chiến thắng hạng mục Nhà sản xuất của năm trong giải Cống hiến, thay vì SlimV hay Khắc Hưng, anh nghĩ sao?
- Xứng đáng hay không phù thuộc vào rất nhiều tiêu chí, bản thân mỗi phiếu bầu là một quan điểm riêng nên rất khó nói. Cá nhân tôi thấy mình đóng góp rất khiêm tốn trong năm qua nên không lấy bất ngờ về việc không đoạt giải.
Về anh Dương Cầm, tôi không theo dõi nhiều nhưng biết anh không chỉ tham gia Sao đại chiến mà còn là người đứng đằng sau nhiều chương trình, Khắc Hưng làm nhiều hoạt động về bề nổi hơn nên cũng rất khó đặt trên bàn cân.
Khắc Hưng thực ra cũng xứng đáng, nhưng bản thân tôi không thích ca khúc Như cái lò trong năm vừa qua của Hưng. Tôi nghĩ có thể ca khúc này khiến báo giới có cái nhìn bớt tích cực đối với Khắc Hưng, và do vậy Hưng không được trao giải.
Slim V vừa sáng tác ca khúc, vừa biểu diễn vừa sản xuất âm nhạc. |
- Trong khi Dương Cầm “nổi đình nổi đám” trong Sao đại chiến, anh lại khá im ắng dù đoạt quán quân. Anh có nghĩ việc mình không được truyền thông chú ý cũng là một trong những lý do khiến anh “thua” tại Cống hiến?
- Tính chất của một show truyền hình đâu phải cứ quán quân là được chú ý. Mỗi người có một đường đi riêng.
Tôi quan niệm mình làm công việc của mình, không nhất thiết phải để mọi người chú ý. Điều tôi cần nhất là người trong nghề nhận xét và đánh giá mình như thế nào.
Tôi luôn trung thực với bản thân mình. Trong Sao đại chiến, tôi thấy các ca khúc đều không dở. Do vậy, tôi cũng không cần cố tình chê một ai đó.
Vì tính cách như vậy, mối quan hệ giữa tôi và mọi người rất bình thường. Tôi cũng không phải là người để ý nhiều đến câu chuyện của người khác nên luôn thoải mái với mọi người.
- Theo anh, lối cư xử đó là vì sợ mất lòng, ngại va chạm hay do tính cách của anh vốn trung lập trong mọi chuyện?
- Đối với tôi, âm nhạc không phải toán học, không có đúng sai. Nó luôn luôn là những cảm xúc riêng của mỗi người.
Trong Sao đại chiến, các nhà sản xuất đều là những người chuyên nghiệp, sản phẩm của họ không tệ đến mức tôi phải chê bằng được. Có thể về chuyện này, quan điểm của tôi và anh Dương Cầm khác nhau.
Mọi người có thể nhận xét tôi là ngại va chạm, nhưng nếu cho rằng tôi luôn sợ mất lòng thì không. Khi làm việc với ca sĩ, đôi khi tôi còn gây sức ép, khuất phục để họ có động lực làm việc tốt hơn.
- Anh từng làm việc với Thu Minh, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Trọng Hiếu. Với ca sĩ nào, anh đã phải gây sức ép như anh nói?
- Thu Minh, Sơn Tùng M-TP hay Noo Phước Thịnh đều là những nghệ sĩ có bản năng riêng, không có gì để khuất phục. Tùng có cách hát riêng của Tùng và Tùng đang đi theo con đường của riêng. Noo cũng vậy. Chị Thu Minh thì khỏi nói vì cá tính rất riêng.
Trọng Hiếu có lẽ đúng. Trong một vài dự án, tôi và Trọng Hiếu không đồng nhất quan điểm. Trong Sao đại chiến, tôi luôn đưa ra những thử thách để Hiếu thử sức mình. Tôi quan niệm, có thể thành công hoặc không nhưng phải đẩy được giới hạn làm việc của bản thân đi xa hơn nữa.
- Trọng Hiếu có nhiều lợi thế, nhưng vẫn chưa thực sự bứt phá. Theo anh, vì sao?
- Trọng Hiếu có gu âm nhạc rất hay. Nhưng có lẽ Hiếu quá Tây nên chưa ăn nhập với thị trường. Âm nhạc Hiếu đang chọn là funky, không thịnh hành ở thị trường Việt Nam. Nếu Hiếu muốn bứt phá hơn nữa thì phải có hướng đi phù hợp với người nghe hơn.
'Nhạc Việt đang bão hòa theo thế giới'
- Không khó để nhận ra nhạc Việt chỉ có pop-ballad là đại chúng, theo đuổi thể loại nhạc mới mà hấp dẫn là chuyện chẳng đơn giản?
- Thực ra nhạc thế giới hay nhạc Việt cũng đang bão hòa, không có hướng đi. Pop cũng không biết đi về đâu, nhạc indie cũng đang hết chất liệu. Trước đây, giới underground Việt sẽ cập nhật xu hướng rồi sau đó có thể lan ra thị trường, nhưng underground dạo này cũng đang chững lại.
Gần đây, tôi chỉ thấy có Ngọt band là hấp dẫn. Tôi rất ủng hộ, album của Ngọt rất hay. Nhưng để nhóm như Ngọt thống trị thị trường thì rất khó vì bản thân họ cũng không bao giờ làm nhạc tính toán theo kiểu có nhiều người nghe để kiếm được nhiều tiền.
- Không chỉ bão hòa, gần đây nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh nhận định rằng ca từ của các ca khúc triệu view đều nhạt, chỉ được giai điệu là bắt tai. Là một người làm nhạc trẻ, anh thấy sao?
- Hit chưa chắc đã chất lượng, điều đó là không thể phủ nhận. Gần đây, tôi cũng không biết là có ca khúc nào được xem là hit. Người lạ ơi, tôi chỉ thích phần điệp khúc, còn lại tôi cũng không thích.
Còn với những ca khúc cố tình hướng đến sự tục tĩu để gây được chú ý như Như cái lò thì tôi lại càng không bao giờ thích.
- Theo anh, thế nào là một ca khúc vừa hay vừa chất lượng. Hai tiêu chuẩn này liệu có quá khó, ví như ca khúc "Em gái mưa", dù được nhiều người khen hay nhưng lại bị loại khỏi đề cử Cống hiến với lý do “không xứng đáng”?
- Để đánh giá một ca khúc, người ta luôn xem phần hợp âm có gì đột biến không. Ví như bài Em gái mưa dùng hợp âm giống ty tỷ bài nhạc pop khác, thì đúng là không có nhiều sáng tạo.
Em gái mưa được phần lời là gần với cảm xúc và câu chuyện của nhiều người. Ca khúc thường thành hit khi người nghe thấy câu chuyện của mình trong đó.
Theo Slim V, khi cố tình lấy ý tưởng của người khác thì được coi là đạo nhạc. |
- Ranh giới giữa “giống ty tỷ bài khác” với đạo nhạc là khá mong manh. Gần đây, chương trình Sing My Song bị phản ứng vì có quá nhiều thí sinh bị tố đạo nhạc. Quan điểm của anh thế nào?
- Trước đây, các nhạc sĩ Việt chủ yếu sáng tác giai điệu rồi mới làm hòa âm, thậm chí nhờ người khác phối khí. Bây giờ, người trẻ làm theo theo tiêu chuẩn quốc tế là sáng tạo vòng hòa âm cho ca khúc trước.
Nhưng vòng hòa âm chỉ có khoảng 8 nhịp là khác chu kỳ. Thế nên trên vòng hòa âm, chỉ có một vài phương án để viết nhạc. Những bài cùng dòng với nhau và giống nhau là tình trạng chung khi âm nhạc bị đẩy thành công nghiệp. Điều đó cũng rất khó tránh.
Đạo là cố tình lấy ý tưởng, còn với Sing My Song, tôi chưa nghe hết nhưng tôi có tham gia hỗ trợ các bạn trong chương trình này một buổi về kỹ thuật. Tôi thấy chất lượng cũng ổn.
Theo tôi, để tránh bị coi là đạo nhạc thì hòa âm phải đột biến, hòa âm đột biến thì giai điệu cũng sẽ đột biến vì giai điệu sinh ra từ hòa âm. Nói chung, nhạc dễ bị coi là đạo vì nó đơn giản quá, huống hồ giờ tôi có cảm giác ai ai cũng làm nhạc.
Chỉ có 7 nốt, hình thành được 7 hợp âm, một bài chỉ có 7 hợp âm, mỗi hợp âm lại có luật đi sang nhau với một vài cách di chuyển. Và cũng chỉ có 4 hợp âm một vòng. Để lấy ví dụ những bài dùng chung vòng hòa âm để sáng tác, tôi có thể dẫn chứng được dẫn nhiều.
'Nếu chỉ kiếm tiền thì không tồn tại được'
- "Ai ai cũng làm nhạc" nhưng không phải ai cũng được săn đón, và có thể thành công. Giới trong nghề bảo Slim V đang là một trong những nhà sản xuất trẻ được săn đón, nhưng cát-xê cũng rất "chát", thực hư thế nào?
- Tôi nghĩ nghệ sĩ cần cân bằng, nếu chỉ làm để kiếm tiền thì không tồn tại được. Nếu chỉ nhằm mục đích kiếm tiền không thể làm được bài hát hay. Bài hát hay thường là sản phẩm của tâm huyết.
Với tôi, công việc đi diễn, chơi nhạc vẫn là nguồn thu khá tốt. Nhưng tôi cũng vẫn cân bằng với việc sản xuất âm nhạc. Nếu một năm tôi nhận sản xuất 3 album thì tôi sẽ có cát-xê tốt, nhưng tôi cũng không đi được đến đâu, không làm được gì khác. Một năm mà chỉ đóng cửa thì năm sau sẽ sống như thế nào?
- Tiên Cookie từng gây ồn ào liên quan đến thông tin "giá bán sỉ một ca khúc là 100 triệu", sau đó, nữ nhạc sĩ lên tiếng phủ nhận. Câu chuyện về giá ca khúc trong làng nhạc từ lâu vẫn được giữ kín, lần này liệu anh có thể tiết lộ?
- Một ca khúc chỉ làm công việc phối khí, tôi nhận thù lao là 2.000 - 2.500 USD. Với ca khúc đặt hàng, trong đó tôi vừa sáng tác, vừa sản xuất, giá sẽ xông xênh ở mức 5.000 USD/ một bài.