|
Trợ lý giọng nói ngày càng phổ biến, đi kèm với nó là mối lo ngại về quyền riêng tư và độ chính xác. The Guardian cho biết, Apple đã thuê nhiều nhà nghiên cứu để nghe các đoạn hội thoại của người dùng được ghi âm bởi Siri.
Họ được giao nhiệm vụ chấm điểm các câu trả lời của Siri dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả việc trợ lý ảo này hoạt động chính xác tới đâu. Việc này nhằm mục đích cải thiện chất lượng sản phẩm. Một trong số các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng các bản thu âm chứa nhiều thông tin riêng tư.
Trợ lý ảo này hay bị kích hoạt nhầm và thu âm ngay sau đó. Từ khóa “Hey Siri” có thể kích hoạt trợ lý ảo bằng các từ đồng âm, thậm chí là tiếng kéo khóa quần áo. Chiếc Apple Watch cũng tự khởi động chức năng này khi người dùng xoay cổ tay xem giờ.
Nhiều bản thu âm ngẫu nhiên đã tiết lộ về cuộc sống cá nhân của người dùng như các cuộc hẹn với bác sĩ, thỏa thuận làm ăn phi pháp cho đến những âm thanh nhạy cảm khi đang “mây mưa”. Các đoạn nghe cũng cung cấp vị trí, thông tin liên lạc và dữ liệu ứng dụng.
Siri hay bị kích hoạt nhầm và thu âm ngay sau đó. Ảnh: Phonehouse. |
Trang thông tin về quyền riêng tư của Apple có viết, nhằm giúp trợ lý ảo nhận diện giọng nói và cung cấp phản hồi tốt hơn, một số dữ liệu người dùng sẽ được mã hóa và gửi về máy chủ Apple để nghiên cứu. Tuy nhiên, không có dòng nào đề cập dữ liệu đó sẽ được người thật nghe và phân tích.
Apple từng nhiều lần chỉ trích Google, Facebook vì không coi trọng quyền riêng tư của người dùng, nhưng việc họ làm cũng chẳng khác biệt so với các hãng đó.
Đầu năm nay, theo Bloomberg, Amazon đã lấy dữ liệu người dùng trái phép. Thay vì thu thập các đoạn ghi âm giọng nói, trợ lý Alexa được tích hợp trên loa thông minh Echo của hãng đã biến chúng thành văn bản và gửi về máy chủ từ xa.
Giữa tháng 7, The Verge đăng tin kênh truyền hình VRT NWS (Bỉ) đã tố cáo Google trả tiền cho các bên nghiên cứu để lấy nội dung âm thanh mà trợ lý ảo Google Assistant thu được từ người dùng.
Các trợ lý ảo có thể "vô tình" ghi âm các cuộc trò chuyện của bạn. Ảnh: T3. |
Gã khổng lồ xứ Cupertino khẳng định dữ liệu họ sử dụng chỉ ít hơn 1% thông tin mà trợ lý ảo thu được và không liên kết với tài khoản người dùng, nhưng trong đó đã chứa nhiều thông tin nhạy cảm từ người sử dụng.
The Guardian nhấn mạnh rằng, trong khi các hãng khác cho phép người dùng từ chối việc sử dụng một số bản ghi âm của họ, thì Apple không có tùy chọn này.
Sự việc này đưa ra một loạt các câu hỏi: Apple và các hãng khác sẽ làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng khi họ phát triển trợ lý ảo? Người dùng có nên được thông báo khi các công ty sử dụng bản ghi âm của họ không? Họ có thể làm gì để giảm các kích hoạt tình cờ? Các công ty nên xử lý thông tin từ các bên nghiên cứu như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi có vấn đề liên quan xảy ra?
Trợ lý ảo là một sản phẩm tốt, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo cho các công nghệ tương lai cần được xem xét kỹ về hậu quả trước khi đem ra phát triển và sử dụng.