Cách đây gần một năm, chính xác là vào tháng 12 năm ngoái, trong một ngày đóng vai Giáo sư tại trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ, Sir Alex Ferguson đã tiết lộ cho các sinh viên tại đây không ít bài học về cách quản lý, cách thu phục nhân tài cũng như cách dẫn dắt một đội bóng hàng đầu thế giới như Manchester United trong suốt 26 năm liên tiếp.
Ngoài ra, Sir Alex còn tham gia chương trình nghiên cứu của Giáo sư Anita Elberse mang tên Sir Alex: Người dẫn dắt Manchester United. Trong bài nghiên cứu, Sir Alex phân tích chi tiết kế hoạch cho mỗi mùa giải, mỗi trận đấu, mỗi cầu thủ, cách tạo không khí trong phòng thay đồ. Ngoài ra “ông già gân” còn chỉ ra cách làm thế nào để xoay chuyển thế trận mỗi khi MU lâm vào thế khó.
Sir Alex giảng tại đại học Harvard vào tháng 12/2012. |
Tuy nhiên, điều Sir Alex chú trọng nhất là việc kiểm soát các các cầu thủ và lúc nào cũng dành cho mình quyền tối thượng. Chiến lược gia giàu thành tích nhất kỷ nguyên Premier League cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi dẫn đến thành công. Nếu một HLV không làm được điều này, không sớm thì muộn họ sẽ phải chịu sự đảo chính từ chính các học trò của mình.
“Nếu một HLV không kiểm soát được thứ gì, không sớm thì muộn họ sẽ bị đào thải. Bạn cần phải đạt được một vị trí sao cho có thể kiểm soát được tất cả. Làm thế nào để các cầu thủ phải công nhận bạn là người quản lý đủ khả năng để nắm bắt mọi thứ. Trước khi đến với MU, tôi đã thề với bản thân rằng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai mạnh mẽ hơn tôi. Cá tính của bạn lúc nào cũng phải lớn hơn của họ. Đó là điều sống còn”, Sir Alex tiết lộ trong chương trình nghiên cứu của giáo sư Elberse.
“Đôi khi bạn phải tự hỏi liệu có một cầu thủ nào đó gây ảnh hưởng không tốt tới bầu không khí trong phòng thay đồ, đến thành tích của đội bóng, đến cách kiểm soát của bạn với các cầu thủ khác, hay đến các nhân viên của đội bóng. Nếu có, không còn cách nào khác, bạn cần phải loại bỏ nhân tố đó ngay lập tức. Bạn cũng không nên bận tâm ngay cả khi đó là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Tầm nhìn dài hạn của CLB phải đặt trên cá nhân mỗi cầu thủ. Và người quản lý phải là người quan trọng nhất trong CLB”.
Sir Alex đánh giá rất cao vai trò của Keane, nhưng ông vẫn buộc phải loại bỏ ngôi sao này. |
Sir Alex cũng thừa nhận đôi lúc đưa ra những quyết định tàn nhẫn. “Ngài máy sấy tóc” đã dẫn chứng bằng những cầu thủ cụ thể như Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy và Roy Keane. Vị chiến lược gia 71 tuổi khẳng định đây đều là những siêu sao bóng đá và đều là công thần của MU. Tuy nhiên, vì nhận thấy ở những ngôi sao này có biểu hiện tiêu cực nên Sir Alex buộc phải gạt bỏ.
“Tôi luôn có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng khi nhận thấy một cầu thủ nào đó chuẩn bị gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn đội. Có thể đó là một hành động bốc đồng, nhưng tôi cho đó là điều cần thiết nên làm càng nhanh càng tốt. Đó cũng chính là lý do trước lúc đi ngủ, trong đầu tôi lại xuất hiện những nghi ngờ. Hôm sau tỉnh lại, tôi bắt đầu thực hiện các công việc cần thiết để duy trì kỷ luật. Tôi là một con bạc, một kẻ ưa mạo hiểm. Bạn có thể thấy điều đó qua cách chúng tôi thi đấu ở những giai đoạn cuối của mùa giải”.
Nhà cầm quân sắp được Hội đồng Old Trafford vinh danh vào tháng sau (lấy tên ông đặt cho một con đường bên cạnh sân Old Trafford) tiếp tục nói về cách làm thế nào để tạo ra một đội bóng bền vững.
Sir Alex tiết lộ bí quyết sử dụng những "ông già" như Ryan Giggs. |
“Phát triển đội bóng phải dần dần. Bạn phải rút dần các cầu thủ lớn tuổi, rồi thay bằng các cầu thủ trẻ chứ không nên làm đồng loạt cùng một lúc. Sau đây là hai hai yếu tố điều then chốt để thực hiện việc trên: Thứ nhất, bạn phải nhận định xem các cầu thủ sẽ tiến bộ thế nào, thi đấu ra sao trong ba năm tới. Thứ hai, xem các cầu thủ lớn tuổi có những biểu hiện gì? Liệu họ còn đủ sức thi đấu trong một thời gian dài như Ryan Giggs, Paul Scholes và Rio Ferdinand hay không?”.
“Biến một cầu thủ trở thành một chàng trai tuyệt là phải giúp họ phát huy hết tố chất trên sân cỏ. Đây là điều khó khăn nhất với một HLV. Nếu bạn nhận thấy cầu thủ đó có sự thay đổi tích cực, hay một sự suy thoái, bạn cần phải tự hỏi là mình đã làm cái gì ở hai năm trước. Chỉ khi đó bạn mới rút ra kinh nghiệm để làm tốt những công việc về sau”.
Mặc dù đưa ra những quan điểm độc tài đáng sợ, Sir Alex khẳng định đôi lúc ông vẫn đưa ra những quyết định mềm dẻo và linh hoạt. Chẳng hạn như ông không thường xuyên xuất hiện trong các buổi tập của MU cho tới ngày thứ năm. Thay vào đó, ông để các trợ lý làm việc với các cầu thủ nhằm giúp họ có bầu không khí thoải mái nhất.
"Ông già gân" đánh giá rất cao vai trò của các trợ lý. |
"Một buổi chiều tại Aberdeen, tôi đã có một cuộc trò chuyện với trợ lý của tôi trong lúc dùng trà. Trợ lý của tôi hỏi: 'Tôi không biết lý do tại sao anh lại đưa tôi đến đây?'. Tôi hỏi vặn lại: 'Tại sao anh lại hỏi vậy?' Ông ấy bảo ở đây ông ấy chẳng có việc gì để làm. Thay vì đến để đào tạo các cầu thủ trẻ, ông ấy đến để hỗ trợ tôi huấn luyện và chọn ra cầu thủ tốt nhất ở đội một. Nhưng bạn biết đó, đấy mới là là công việc của một trợ lý”.
Ở cuối chương trình nghiên cứu, Sir Alex một lần nữa nhấn mạnh đến giá trị của sự quan sát. “Ông già gân” cho rằng trên sân cỏ hay bất kỳ đâu, các HLV cũng đều phải để mắt tới các cầu thủ của mình. Chỉ có vậy, các HLV mới nắm bắt được tâm tư tình cảm, nguyện vọng để phát triển cầu thủ, hoặc thải loại những nhân tố bị xem là gây ảnh hưởng tới tiêu cực của đội bóng.