Chia sẻ với Zing.vn, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho hay, phong trào thanh niên tình nguyện hiện nay kế thừa sức sống của phong trào Ba sẵn sàng, Năm xung phong, có sức hút và lan tỏa lớn trong thanh niên thời đại mới. Trước đây, các phong trào thanh niên gắn với hoàn cảnh lịch sử có tính giai đoạn nhất định, còn các phong trào hiện nay diễn ra trong thời gian dài; vì thế, cần đi vào chiều sâu theo từng chủ đề, đối tượng, địa bàn, nhu cầu thực tế của cuộc sống.
Các hoạt động tình nguyện không đặt cao giá trị kinh tế, mà phải lấy mục tiêu giáo dục, hoàn thiện nhân cách cho thanh niên là mục tiêu hàng đầu. Hoạt động tình nguyện xuất phát từ nhu cầu vốn có của người trẻ, nhiệt huyết, xung kích, dám dấn thân, phong trào thanh niên tình nguyện phát triển được đến ngày hôm nay chính là do các bạn trẻ vun đắp, họ vừa là người tham gia, vừa là người thiết kế phong trào.
Sẽ tính toán lại thời gian tổ chức Mùa hè xanh
- Bên cạnh nhiều mặt tích cực của phong trào thanh niên tình nguyện, vẫn còn những sự việc đáng tiếc, gần đây nhất là vụ 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn khi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở Quảng Ninh. Là người lãnh đạo phong trào, anh nghĩ gì?
- Trước hết, phải nói rằng tai nạn xảy ra với 3 sinh viên ĐH Ngoại thương vừa rồi là sự việc rất đau lòng. Cá nhân tôi xin được một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các em.
Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh: Dương Triều. |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã trực tiếp chỉ đạo tỉnh đoàn Quảng Ninh, Đoàn trường ĐH Ngoại thương trong công tác phối hợp tìm kiếm. Đoàn công tác của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và 3 tỉnh đoàn Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An sau đó đã đến hỗ trợ, thăm hỏi, chia buồn và động viên tới gia đình các em.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn xác định hoạt động tình nguyện phải hướng tới tính chuyên nghiệp, phát huy chuyên môn của thanh niên và lấy hoạt động tình nguyện tại chỗ làm nòng cốt cho phong trào thanh niên tình nguyện.
Việc 3 sinh viên Đại học Ngoại thương bị mất trong khi tham gia hoạt động tình nguyện là bài học đau xót cho những người làm tình nguyện.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phi Long
Dù có kinh nghiệm trong tổ chức, dù đã khảo sát địa bàn, tập huấn, việc 3 sinh viên ĐH Ngoại thương mất trong khi tham gia hoạt động tình nguyện là do rủi ro, bất khả kháng là bài học đau xót cho những người làm tình nguyện.
Bài học rút ra là phải kiên trì phương châm hành động của phong trào là an toàn - hiệu quả - thiết thực - không được chủ quan; hướng tới một phong trào phát triển bền vững. Phải lấy hoạt động tình nguyện tại chỗ, con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, công việc tại chỗ, chỉ đạo tại chỗ làm nòng cốt cho phong trào thì mới giảm thiểu những điều đáng tiếc xảy ra.
Do đó trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán để điều chuyển thời gian tổ chức hoạt động Mùa hè xanh vào thời điểm thích hợp để tránh mùa mưa lũ. Ở vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, chúng tôi sẽ tính toán lại phương thức tổ chức hoạt động cho phù hợp, chú trọng công tác tập huấn cho tình nguyện viên.
Anh Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, trao đổi với sinh viên. Ảnh: Đoàn Thanh niên. |
- Trong bài viết nhận được nhiều chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang trên Zing.vn, ông Giang đề xuất nhiều vấn đề như bố trí lao động phù hợp, sinh viên điểm mạnh của họ là trí óc chứ không phải tay chân mà cho đi san lấp đường, nạo vét cống rãnh; không nên coi hoạt động tình nguyện là chiến dịch, trận đánh... Trung ương Đoàn nghĩ gì về những đề nghị này?
- Phong trào thanh niên tình nguyện xuất phát từ chiến dịch Ánh sáng văn hoá hè của các bạn sinh viên TP HCM từ năm 1994. Sau đó, nhận thấy hiệu quả và xác định tình nguyện là nhu cầu được cống hiến của thanh niên, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã phát động phong trào này ở quy mô toàn quốc vào năm 2000 và tới nay đã bước sang năm thứ 17.
Chúng tôi xác định, tình nguyện là môi trường để các bạn thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Lao động tình nguyện dù ở cách thức nào cũng đáng trân quý, đó là nơi để các bạn trẻ trải nghiệm, hiểu biết thêm về những khó khăn của nhân dân và đất nước, để biết chia sẻ, biết yêu thương nhiều hơn.
Tổ chức hoạt động tình nguyện để đảm bảo an toàn, hiệu quả thì rất cần đề cao tính kỷ luật. Những lĩnh vực tình nguyện đều là việc mới, việc khó, ở địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi gọi tên các bạn thanh niên, sinh viên là chiến sĩ tình nguyện để phát huy tính tiên phong, tinh thần xung kích của các bạn trẻ.
Còn từ “chiến dịch” ở đây nên hiểu theo nghĩa là hoạt động cao điểm, có bắt đầu và kết thúc trong một khoảng thời gian nhất định, để đạt các mục tiêu nhất định. Đừng nên hiểu nó theo nghĩa một trận đánh, hay một cuộc chiến đấu trong chiến tranh.
Nếu phong trào tình nguyện không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên thì chắc chắn sẽ không thể phát triển trong suốt 17 năm qua.
Đoàn không độc quyền các chương trình tình nguyện
- Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động tình nguyện của thanh niên, sinh viên nên được xã hội hóa, Đoàn chỉ nên giữ vai trò trung gian, tham vấn, giới thiệu. Quan điểm của Trung ương Đoàn về vấn đề này?
- Chưa bao giờ tình nguyện là chương trình độc quyền của Đoàn Thanh niên. Nhà nước cũng không cấp kinh phí cho hoạt động này ở tất cả các cấp bộ Đoàn, Hội. Toàn bộ kinh phí đảm bảo cho hoạt động tình nguyện đều được cấp bộ Đoàn, Hội vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên.
Trong hoạt động tình nguyện, chúng tôi cũng xác định thanh niên giữ vai trò nòng cốt để lan toả tinh thần vì cộng đồng đến các đối tượng trong xã hội.
Mong muốn của chúng tôi là toàn dân làm tình nguyện, không chỉ là thanh niên. Đồng thời hoạt động tình nguyện hiện nay có sự tham gia rất đa dạng của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các giai tầng xã hội, có rất nhiều câu lạc bộ tình nguyện do các bạn thanh niên tự thành lập để tham gia hoạt động.
Thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Những hình ảnh như 1.000 thanh niên làm đoạn đường 700 m; hàng rào sinh viên đứng phân luồng trên phố gây nguy hiểm cho các em… làm dấy lên đánh giá về tính hình thức cũng như công tác tổ chức thiếu kế hoạch. Ông nghĩ gì khi nhận được các phản hồi này sau mỗi mùa hè?
- Sau mỗi chiến dịch, các cấp bộ Đoàn đều đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các hoạt động tình nguyện còn mang tính hình thức, phô trương, không an toàn, không thiết thực đều được chỉ rõ để rút kinh nghiệm.
Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo hoạt động tình nguyện phải đảm bảo 5 yếu tố: Tính rộng khắp, tính định hướng, tính dẫn dắt, tính hiệu quả và tính bền vững. Đây là phương châm để các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện và là thước đo phong trào.
- Thanh niên Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất của đất nước, luôn có khát vọng cống hiến, giúp đỡ xã hội. Trung ương Đoàn có kế hoạch gì để phát huy tối đa nguồn lực này?
- Mong muốn được cống hiến cho xã hội là nhu cầu chính đáng của các bạn trẻ. Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức có hiệu quả phong trào tình nguyện, Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai phong trào “xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Chúng tôi cũng xây dựng và phát động chương trình khởi nghiệp quốc gia, cổ vũ và hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
"Phong trào thanh niên tình nguyện đã ra đời và tồn tại 17 năm, có thể nói đây là một phong trào có sức sống mãnh liệt, thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia. Màu áo xanh thanh niên tình nguyện đã trở nên quen thuộc với nhân dân và cộng đồng xã hội.
Phong trào đã trở thành môi trường để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Các hoạt động như: Ánh sáng văn hóa hè, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục từ năm 1994 đến nay đã phát triển rất đa dạng như: hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí của Thầy thuốc trẻ, hoạt động tiếp sức mùa thi của sinh viên; hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học của các kỹ sư trẻ; các hoạt động hiến máu tình nguyện; tri ân các anh hùng, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; đặc biệt là các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các hoạt động an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được xã hội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao" - anh Nguyễn Phi Long.