Dương Quốc Tuấn, sinh viên năm 4, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đang làm thêm trong những ngày cận Tết. Để trang trải chi phí sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, Tuấn đã đăng ký làm thêm 2 công việc khác nhau là chạy bàn ở quán cà phê và làm dịch vụ vệ sinh nhà cửa.
Hai năm đón Tết xa nhà, Quốc Tuấn vẫn chưa quen với cảm giác một mình. Nhìn những người bạn cùng phòng trở về quê, không ít lần nam sinh viên suy nghĩ buông bỏ hết công việc để về nhà với gia đình.
Đây là năm thứ hai Dương Quốc Tuấn đón Tết Nguyên đán ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Những ngày làm việc cuối năm
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, 2 năm rồi, Dương Quốc Tuấn đều ở lại TP.HCM để làm thêm phụ giúp gia đình. Quê của Tuấn ở Quảng Ngãi. Giá vé máy bay tăng trong dịp Tết chính là nguyên nhân khiến nam sinh viên lựa chọn ở lại TP.HCM.
Những ngày cận Tết, Tuấn nhận được nhiều cuộc gọi thoại từ gia đình hơn. Trong mỗi cuộc gọi là lời mong ngóng và trách mắng của bố mẹ vì nam sinh viên không về quê ăn Tết. Khi TP.HCM bùng phát đợt dịch thứ tư, Tuấn đã không trở về quê vì thực hiện giãn cách. Đến hiện tại đã 9 tháng rồi, Tuấn chưa trở về nhà.
Ở lại TP.HCM, để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nam sinh viên đã đăng ký làm thêm hai công việc khác nhau. Nam sinh vừa chạy bàn ở quán cà phê, vừa làm dịch vụ vệ sinh nhà cửa, đi làm từ 7h đến 21h mới trở về phòng trọ. Nhiều lúc vì quá mệt, Tuấn quên cả bữa ăn của mình.
"Ý nghĩ bỏ hết tất cả để về quê không chỉ lóe lên một lần mà hầu như ngày nào tôi cũng suy nghĩ, nhưng điều kiện không cho phép tôi làm điều đó. Hôm nào tan làm, về phòng, tôi cũng thấy cô đơn và nhớ nhà", nam sinh viên nói.
Sau Tết, Tuấn dự định đi thực tập. Nam sinh viên chỉ hy vọng có thể xin công ty thực tập được nghỉ một đến hai ngày để trở về quê sau khoảng thời gian dài xa nhà.
Lương Viết Đồng ở lại TP.HCM để chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: NVCC. |
Cùng hoàn cảnh với Tuấn, Lương Viết Đồng, sinh viên năm nhất, cũng lựa chọn ở lại TP.HCM để làm thêm trong thời gian nghỉ Tết. Công việc của Đồng là tài xế xe ôm công nghệ. Nam sinh viên chia sẻ mức thu nhập của việc làm thêm này khá ổn nên đã duy trì hơn một tháng nay và dự định làm xuyên Tết.
Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà vì dịch bệnh diễn biến phức tạp và điều kiện kinh tế khó khăn, Đồng không chuẩn bị gì. Đối với nam sinh viên đây chỉ là thời gian để kiếm thêm thu nhập trước khi sắp học tập trực tiếp trở lại.
Những ngày cận Tết, Viết Đồng chở được nhiều khách hàng là sinh viên ra bến xe để về quê. Trên mỗi chuyến xe, nam sinh viên đều trò chuyện với khách hàng. Lắng nghe những câu chuyện về quê ăn Tết của các bạn sinh viên, Viết Đồng nhớ nhà và mong được trở về.
Dự định đón Tết online
Do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của gia đình, Nguyễn Phương Thảo, sinh viên năm thứ tư khoa Quản trị Kinh doanh đã lựa chọn ở lại TP.HCM để làm thêm xuyên Tết. Nữ sinh viên chỉ mong giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình bằng công việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi.
"Bố mẹ tôi chỉ có thể chu cấp tiền học, còn tiền sinh hoạt là bản thân tôi tự trang trải. Đợt dịch thứ tư bùng phát, vì không thể đi làm thêm nên tôi không có chi phí sống và học tập ở TP.HCM. Gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Thời gian cuối năm, tôi hoàn toàn 'kẹt' luôn nên ở lại TP.HCM ăn Tết và làm thêm", Phương Thảo nói.
Mỗi ngày, khi không có lịch học, Thảo sẽ làm thêm từ 7h đến 19h. Gia đình nữ sinh viên gồm 4 anh chị em. Là chị cả, Thảo áp lực vấn đề tài chính nhiều hơn. Việc phải về quê ăn Tết đối với nữ sinh viên là vấn đề lớn vì tiền vé máy bay và quà cáp cho các em ở nhà.
Phương Thảo không thể về quê đón Tết năm nay. Ảnh: NVCC. |
"Tôi buồn khi không thể về quê ăn Tết. Mỗi năm chỉ có một cái Tết, ai cũng muốn về quê nhưng điều kiện lại không cho phép. Gia đình tôi khá khó khăn, bây giờ mà về là thêm một gánh nặng kinh tế. Tôi cũng là sinh viên năm cuối, bình thường cũng tự lo được cho bản thân nên ở lại TP.HCM ăn Tết cũng không sao", Phương Thảo nói.
Những ngày cận Tết, gia đình mong ngóng Thảo trở về nhiều hơn. Nhận từng cuộc gọi, Thảo chỉ biết nói lý do đang đi thực tập để bố mẹ bớt lo lắng. Cả dãy trọ chỉ còn một mình nữ sinh viên ở lại. Phương Thảo cho biết sẽ đón giao thừa online với gia đình qua điện thoại và mong Tết qua nhanh để bớt buồn, cô đơn và chuẩn bị đi học trực tiếp.
Huyền Trang, sinh viên năm thứ tư ngành Luật Kinh tế cùng anh trai cũng lựa chọn ở lại TP.HCM làm thêm trong Tết để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nữ sinh viên lựa chọn công ty sắp thực tập để vừa làm thêm vừa học hỏi kinh nghiệm. Vì đã thi trực tuyến xong nên Trang lựa chọn làm toàn thời gian để vơi bớt nỗi nhớ nhà.
"Gia đình tôi chỉ có 2 anh em, đợt Tết này cả 2 chúng tôi đều không trở về quê, chỉ có bố mẹ ăn Tết một mình. Vì hoàn cảnh kinh tế, dịch bệnh cũng đang phức tạp, về Quảng Bình lại phải cách ly, thời gian nghỉ Tết cũng không được mấy ngày nên chúng tôi quyết định ở lại TP.HCM. Đây là lần đầu tiên anh em ăn Tết xa nhà nên bố mẹ cũng động viên để tranh thủ về nhà sau Tết", Huyền Trang nói.
Ở lại TP.HCM, những ngày cận Tết, hai anh em của Trang không bánh kẹo, không củ kiệu, dưa hành, mâm cỗ, đối với nữ sinh viên, Tết Nguyên đán năm nay là những cuộc gọi về quê - nơi bố mẹ đón Tết một mình.