Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone về vấn đề sinh viên đến từ vùng nông thôn Trung Quốc phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống ở thành phố lớn sau khi đậu vào các trường đại học hàng đầu tại nước này.
Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn gần biên giới Trung Quốc - Việt Nam, Alex Tang là một siêu sao, luôn đứng đầu trong lớp và giành được vô số giải thưởng về học tập.
Năm 2012, cô gái 18 tuổi đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh tại thị trấn của mình để vào được Đại học Fudan ở Thượng Hải - một trong những trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc.
Cả mùa hè, Tang đắm mình trong thành tích, lời chúc mừng của bạn bè, gia đình và vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về những cơ hội trước mắt. Khi tháng 9 đã đến, cũng như những tân sinh viên khác, Tang chuyển đến siêu đô thị ở phía Đông để bắt đầu cuộc sống mới.
Tuy nhiên, sau vài tuần, Tang cảm thấy xuống tinh thần vì mọi thứ không như cô tưởng tượng.
Sinh viên đến từ vùng nông thôn vật lộn để thích nghi với thành phố lớn. Ảnh: Sixth Tone. |
Lạc lõng, bối rối và thất vọng với cuộc sống đại học
Đối với Tang, một người lớn lên cách đó 2.000 km trong một vùng quê hẻo lánh, Thượng Hải là một nơi hoàn toàn xa lạ. Cô không biết cách đi tàu điện ngầm, chưa bao giờ thử một cái bánh trứng hoặc thưởng thức những bức tranh nghệ thuật hiện đại trong bảo tàng thành phố.
Thứ khiến cô cảm thấy áp lực nhất là phải cố gắng hòa hợp với các bạn cùng lớp - phần lớn trong số họ đều sinh ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
“Có một khoảng cách rất lớn giữa tôi và những đứa trẻ lớn lên ở thành phố về mặt tư duy. Tôi rất khó chấp nhận điều đó”, Alex Tang nói với Sixth Tone.
Tang thấy xa lạ ở vùng đất mới và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Ảnh: Sixth Tone. |
Ngay cả bây giờ, ở tuổi 26, Tang vẫn không lý giải được những cảm xúc phức tạp trong suốt 4 năm tại trường Fudan - một trải nghiệm mở rộng tầm nhìn của cô theo vô số cách, nhưng cũng làm tổn thương đến lòng tự trọng của cô. Nhưng ít nhất, Tang cũng nhận ra một điều quan trọng: Cô không cô đơn.
Gần đây, Tang tình cờ phát hiện một nhóm nhỏ trên mạng xã hội Douban. những người này tự gọi mình là “chuyên gia thi cử từ các thị trấn nhỏ”.
Giống như Tang, tất cả họ đều đến từ vùng nông thôn ở Trung Quốc và đã vượt qua tỷ lệ chọi khắc nghiệt trong kỳ thi gaokao để được nhận vào các trường đại học xuất sắc. Những câu chuyện về sự lo lắng và thất vọng của họ khiến Tang như thấy được bản thân mình trong đó.
Cụm từ “chuyên gia thi cử từ các thị trấn nhỏ” được một người dùng Douban đặt ra trong bài đăng trên blog để mô tả hành trình đấu tranh tinh thần của anh từ một học sinh siêu sao ở trường trung học đến một người thua cuộc ở trường đại học.
Sau thời niên thiếu nhồi nhét cho các bài kiểm tra, chàng trai trẻ phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống ở trường đại học.
Cuối cùng, anh quyết định theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ dân sự - nơi các ứng viên được lựa chọn dựa trên thành tích của họ trong một kỳ thi đầy thử thách.
“Đó có thể là định mệnh dành cho chuyên gia thi cử từ các thị trấn nhỏ”, người dùng này bày tỏ.
Khoảng cách vô hình giữa sinh viên thành thị và nông thôn
Nhiều sinh viên đến từ các vùng nông thôn cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự như vậy trên mạng, biến một góc nhỏ của mạng xã hội xứ Trung trở thành “hố cây” - không gian an toàn - cho các chuyên gia thi cử.
Sự xuất hiện của các cộng đồng trực tuyến này đã tạo ra những làn sóng tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng. Không chỉ là nơi tâm sự của các chuyên gia thi cử mà còn làm dấy lên những cuộc thảo luận rộng hơn về sự bất bình đẳng sâu sắc đang chia rẽ các trung tâm đô thị với vùng ngoại ô kém phát triển.
Sau nhiều thập kỷ chính phủ nỗ lực trong việc thúc đẩy giáo dục ở khu vực nông thôn, khoảng cách giữa nơi đây và thành phố vẫn còn rất lớn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 4, khoảng 2/3 học sinh thành thị sinh ra trong thập niên 90 đều được học đại học, so với nông thôn, tỷ lệ này chỉ có 1/3.
Ngay cả khi sinh viên nông thôn muốn tiếp cận các trường đại học hàng đầu, họ cũng gặp phải những rào cản vô hình. |
Lớn lên ở một vùng quê xa xôi của phía Nam tỉnh Quảng Đông, Rebecca có tầm nhìn khá hạn hẹp về thế giới bên ngoài. Giống như nhiều người khác, từ nhỏ, cô đã tin rằng con đường đến một cuộc sống tốt hơn nằm ở những trường top đầu. Để đạt được điều đó, chỉ có một cách duy nhất là điểm thi hoàn hảo.
“Tôi hoàn toàn bị chi phối bởi thứ hạng, điểm số và cảm thấy đó là cả thế giới của mình. Thậm chí, khi tăng hạng trong lớp dù chỉ một chút, tôi cũng cảm thấy mình như đứng đầu thế giới”, Rebecca bày tỏ.
Trong kỳ thi gaokao, cô đậu vào một trong những trường đại học thuộc top 10 ở miền Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi bắt đầu học đại học, Rebecca bẽ bàng nhận ra trong khi cô dành cả thời niên thiếu để nhồi nhét kiến thức cho gaokao, các bạn cùng lớp đã đồng thời chuẩn bị cho cuộc sống sau kỳ thi quan trọng.
“Không giống như trường trung học, đại học là giai đoạn chuyển tiếp sang xã hội. Trí tuệ cảm xúc, kỹ năng thiết lập mạng lưới mối quan hệ và thậm chí ngoại hình của bạn cũng sẽ trở thành tiêu chí để đánh giá. Điều này không dễ cải thiện như làm một bài kiểm tra”, Rebecca nói.
Thiếu kỹ năng sống
Khi học năm 2, Rebecca thua cuộc trong lần bầu cử hội sinh viên do không có nhiều kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch cho các sự kiện lớn hoặc cuộc thi của trường.
“Những đứa trẻ từ các thành phố lớn có tài hùng biện và biết cách thiết lập mối quan hệ”, cô nói.
Liu Haifeng, giáo sư ngành mỹ thuật tại ĐH Chiết Giang, cho biết sự khác biệt rõ rệt giữa các sinh viên có thể thấy trong lớp học. Ông chỉ ra rằng những đứa trẻ đến từ các gia đình trung lưu bắt đầu đi du lịch nước ngoài và tìm cách tối ưu hóa việc kết nối xã hội từ khi còn trẻ, trong khi những người khác chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học.
Sinh viên đến từ vùng nông thông bẽ bàng nhận ra "cuộc sống không màu hồng" ở thành phố lớn. |
“Loại khoảng cách này không phải là về trí thông minh, nhưng là về kinh nghiệm xã hội. Nền tảng gia đình, điều kiện kinh tế và vốn sống cũng là vấn đề. Một khi những sinh viên này học cùng trường đại học, nơi nhấn mạnh đến sự độc lập và chủ động, thì các hạn chế của 'chuyên gia thi cử' sẽ xuất hiện”, ông Liu bày tỏ quan điểm.
Đối với Tang, lớp học là nơi đầu tiên cô phải tập thích nghi. Cô khá lúng túng khi không biết làm thế nào để sử dụng hiệu quả một công cụ tìm kiếm hoặc chuẩn bị một bài thuyết trình trong lớp.
Khoảnh khắc xấu hổ nhất của cô là trong buổi học tiếng Anh đầu tiên. Ở trường trung học, tiếng Anh là môn Tang học tốt nhất, nhưng tại Fudan, cô chỉ ngồi im lặng trong khi các bạn trò chuyện trôi chảy với giáo viên.
Theo một khảo sát của các chuyên gia tư vấn giáo dục Mycos vào năm 2018, sinh viên mới tốt nghiệp từ các gia đình nông thôn kiếm được trung bình 4.469 nhân dân tệ (675 USD) mỗi tháng - ít hơn so với sinh viên ở thành thị.
Nhiều người đổ lỗi cho tầm quan trọng vượt trội của gaokao vì đã thúc đẩy văn hóa thi cử cực đoan và sự ám ảnh vào các bài kiểm tra. Tuy nhiên, như Tang chỉ ra, nếu không có gaokao, cô gần như chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội được học ở Thượng Hải.
“Nhưng gaokao cũng giống như một miếng băng che đi vết thương của chúng ta thay vì giải quyết vấn đề thực sự, đó là sự mất cân đối các nguồn lực giáo dục ở thành thị và nông thôn”, Tang nói.
Ông Liu nói thêm rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các trường nông thôn, nhất là để thu hút nhiều giáo viên hàng đầu đến làm việc. Trong khi đó, các trường học có thể tập trung hơn vào việc giúp học sinh chuẩn bị những kỹ năng cho cuộc sống đại học.