Nguyễn Hoàng Ngân (sinh năm 1998, Quảng Ngãi) là một trong số ít sinh viên châu Á được nhận vào thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trong mùa hè này.
Trước đó, Hoàng Ngân cũng là gương mặt khá nổi trội trong giới nghiên cứu khoa học dành cho học sinh, sinh viên.
Với sự say mê khoa học của mình, 9X giành được nhiều thành tích ấn tượng trong học tập khi còn là học sinh chuyên Toán tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và nhận được suất học bổng trị giá 6 tỷ đồng của trường ĐH Pitzer College.
Trong buổi trò chuyện với Zing, Hoàng Ngân chia sẻ về hành trình ứng tuyển vào NASA và những dự định sau khi kết thúc kỳ thực tập tại cơ quan này.
Hoàng Ngân được nhiều người biết đến trong giới nghiên cứu khoa học dành cho học sinh, sinh viên. |
Mê khoa học từ bé
Hoàng Ngân cho biết người dẫn dắt anh đến niềm đam mê khoa học là bố. Từ nhỏ, Ngân thường được nghe bố lý giải về những hiện tượng xảy ra xung quanh, dần dần khoa học như một sợi dây gắn kết mọi mục tiêu và ước mơ của chàng trai 22 tuổi.
“Bố truyền đạt cho mình rất nhiều kiến thức về khoa học, giúp mình hứng thú với những sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Mình hay đặt câu hỏi tại sao với những điều chưa biết và tìm cách giải đáp. Lâu lâu, còn tự tháo đồ chơi, máy tính rồi tập lắp lại”, 9X Quảng Ngãi chia sẻ.
Lên cấp 3, Ngân chuyển vào TP.HCM để học lớp chuyên toán của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Từ sự yêu thích, Hoàng Ngân bắt đầu nghiêm túc theo đuổi khoa học khi tham dự hội thi Intel ISEF 2016. “Tại cuộc thi này, mình được truyền lửa và tham dự vào cộng đồng khoa học lớn mạnh nên đã quyết tâm theo đuổi ước mơ này đến cùng”, anh nói.
Chàng trai sinh năm 1998 từng tham gia vào nhiều dự án, cuộc thi về khoa học. Điển hình là dự án xe lăn vượt địa hình cho người khuyết tật. Nhờ mô hình này, Ngân "ghi điểm" với hội đồng tuyển sinh trường ĐH Pitzer và được tặng suất học bổng du học gần 6 tỷ đồng.
Chia sẻ với Zing, nam sinh cho biết khi chọn đề tài này, bản thân anh và bạn cùng đội cũng gặp khá nhiều khó khăn vì cả hai không biết nhiều về kỹ thuật và cơ khí. Do đó, từ khi lên ý tưởng đến lúc nộp sản phẩm, 9X mất gần một năm để hoàn thành.
“Mình chọn đề tài này là vì quan sát thấy nước ngoài có lối đi riêng cho người khuyết tật nhưng đường phố ở nước mình thì ít nên nếu có những thiết bị giúp đỡ cho họ là điều rất tốt. Tuy khó nhưng mình vẫn cố gắng thực hiện”, 9X nói.
Sau học kỳ đầu tại Đại học Pitzer, Ngân chuyển sang trường Harvey Mudd để theo đuổi song ngành toán học và vật lý.
Ước mơ vào NASA từ năm 3 tuổi
Giống như những sinh viên khác trong ngành khoa học, được làm tại NASA là ước mơ và cũng là mục tiêu từ rất lâu của Hoàng Ngân. 9X nói với Zing ước mơ này đã nhen nhóm từ năm 3 tuổi.
Do NASA thường không có nhiều chương trình cho mảng vật lý lý thuyết - chuyên ngành học của Ngân nên ban đầu anh định trau dồi thêm ở các trung tâm nghiên cứu khác chứ không nộp đơn vào cơ quan này.
Nhưng vì dịch Covid-19, những chương trình 9X đăng ký đều bị hủy bỏ, Ngân rơi vào khoảng thời gian bế tắc tìm nơi thực tập. Sau đó, anh may mắn được thầy hướng dẫn giới thiệu đến một giáo sư khác ở NASA.
Những dự án về cộng đồng giúp Ngân gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ở NASA. |
Từ lúc nhận email đến lúc phỏng vấn chỉ trong vòng một ngày, mọi thứ diễn ra khá nhanh và gấp rút, Ngân không có nhiều thời gian để chuẩn bị, nhưng anh cũng cố gắng hoàn thành tốt phần thi của mình.
Cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận thấy đây là cơ hội mà bất kỳ ai cũng có thể nắm bắt. “Trước đây, có nhiều người Việt cũng từng làm ở NASA hoặc làm ở những cơ quan lớn khác như Apple, Microsoft... Đây không phải việc quá khó mà sinh viên Việt Nam không thể đạt được. Mình thấy vui, nhưng cũng không thấy bản thân quá khác biệt so với mọi người, quan trọng là cố hết sức làm tốt”, 9X bày tỏ.
Được thực tập tại một cơ quan hàng không và vũ trụ hàng đầu thế giới, với Hoàng Ngân, đây là một điều vinh dự nhưng cũng là áp lực rất lớn. Ngoài việc phải báo cáo tiến độ mỗi ngày với các giáo sư, Ngân phải chủ động hoàn thành nhiệm vụ của mình chứ không được “trực tiếp cầm tay chỉ việc”.
Ngân là một trong số ít du học sinh Việt được nhận vào NASA. |
“Ngày nào mà mình không hoàn thành mục tiêu đề ra thì cũng khá căng thẳng, bên cạnh đó, bảo mật cũng là một vấn đề lớn”.
Ở NASA, vai trò của Ngân là Theoretical Physics Researcher (tạm dịch: Nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết). Đa số nhiệm vụ của anh đều tập trung vào mảng lý thuyết nhiều hơn là thực hành như kỹ sư.
Hiện tại, Ngân đang thiết kế một thí nghiệm giữa vệ tinh và mặt trăng đến Trái Đất để đo lường sự tương tác của thuyết lượng tử (quantum) và thuyết tương đối (relativity).
Ngoài ước mơ được vào NASA làm việc, Ngân còn mong muốn được thử sức ở Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) - nơi đặt cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới. Năm ngoái, khi là nghiên cứu sinh lĩnh vực Vật lý hạt tại SLAC National Accelerator, Ngân có cơ hội được tiếp cận loại máy gia tốc hạt với quy mô nhỏ hơn đặt tại ĐH Stanford, Mỹ.
Mong muốn trở thành nhà khoa học giỏi
Ước mơ lớn nhất của Ngân là trở thành nhà khoa học để được nghiên cứu những điều mình thích, phát minh sản phẩm giúp ích cho con người như cách tăng tốc độ máy tính, đường truyền...
Bên cạnh đó, anh còn mong muốn tạo ra một cộng đồng giúp đỡ những học sinh, sinh viên đang nghiên cứu khoa học.
Hiện ngoài công việc ở NASA, Ngân còn là founder của tổ chức phi lợi nhuận Science for the Future Fair (SFF).
9X chia sẻ đây là ý tưởng được anh nung nấu từ khi tham gia Intel ISEF. Bên cạnh mục đích xây dựng một mô hình sân chơi dành cho học sinh THPT và sinh viên đại học, Ngân còn muốn góp phần thay đổi suy nghĩ khoa học chỉ dành cho nam giới hoặc những người thông minh.
“Bất cứ ai cũng có thể tham gia vào cộng đồng khoa học và tạo ra thứ gì đó có ích cho đời sống. Mọi thứ đều có giá trị của riêng nó và đáng được trân trọng”, Hoàng Ngân chia sẻ.
9X Quảng Ngãi quyết tâm thành lập dự án sân chơi khoa học cho học sinh, sinh viên. |
Theo Ngân, học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc nghiên cứu khoa học như mơ hồ về mục đích, hiểu sai ý nghĩa của hoạt động này là phải sáng tạo ra cái gì đó đặc biệt thì mới được gọi là thành công.
“Khoa học là một cộng đồng, bất cứ sự sáng tạo nào đều được xây dựng để tạo ra kết quả cuối cùng. Cộng đồng khoa học phát triển là nhờ sự đóng góp của nhiều người, nhiều mảng khác nhau. Không phải cứ tạo ra một cái gì đó ứng dụng được ngay thì mới được công nhận”, 9X nói.
Sau khi kết thúc kỳ thực tập tại NASA, Hoàng Ngân sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình học của mình tại trường Harvey Mudd và dự định học tiếp lên bậc tiến sĩ.
Ngoài khoa học, Hoàng Ngân còn có sở thích khác là chụp ảnh và đi du lịch. 9X khá kín tiếng trên mạng xã hội và hiếm khi chia sẻ về đời tư của mình.