Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên năm nhất mong đợi học kỳ trực tiếp sau Tết Nguyên đán

Kết thúc kỳ học trực tuyến khó khăn, nhiều sinh viên năm nhất mong đợi môi trường học tập trực tiếp và gặp lại thầy cô, bạn bè.

Khi nhận thông báo nhà trường cho phép trở lại học trực tiếp sau Tết, Trần Thị Giang, sinh viên năm nhất ngành Marketing, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) rất hào hứng và mong đợi môi trường học tập mới.

"Em mong sẽ được gặp những người bạn đã học online cùng với mình, các bạn đã giúp đỡ em khá nhiều trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, em cũng mong khi học trực tiếp có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức bài giảng, vì lúc học online có nhiều thứ làm em bị xao nhãng. Em cũng mong rằng có thể tương tác trực tiếp với giảng viên để hỏi những vấn đề mình không hiểu ngay trong lúc học", Giang nói.

Sinh vien tro lai truong sau Tet anh 1

Sinh viên gặp khó khăn khi học trực tuyến. Ảnh minh họa: Oklahoma Watch.

Một kỳ học nhiều khó khăn

Thời gian học cấp 3, Trần Thị Giang chỉ cần đọc sơ qua các nội dung, sau đó nghe thầy cô giáo giảng bài là hiểu ngay kiến thức. Tuy nhiên, ở bậc đại học với hình thức học tập trực tuyến, phương pháp này của nữ sinh viên không còn hiệu quả.

"Học online, em đọc giáo trình trước nhưng khi thầy cô giảng bài em vẫn không hiểu gì. Đây đều là những môn học mới với em, không gặp được bạn bè, thầy cô nên em cũng không biết phải hỏi ai, vì vậy, nhiều lúc em thấy rất áp lực", nữ sinh chia sẻ.

Lê Văn Nam, sinh viên năm nhất ngành Marketing, ĐH Mở TP.HCM cho biết khá chán nản khi học online. Nam nhận định, sinh viên học trực tiếp sẽ được giao lưu với thầy cô, bạn bè và tiếp thu kiến thức tốt hơn học online tại nhà.

"Khó khăn nhất khi học trực tuyến là lượng kiến thức mà thầy cô truyền đạt đến sinh viên không được tốt 100% như ở trên trường. Lâu lâu, đang học thì cúp điện, mạng rớt nên em bị bỏ lỡ một lượng kiến thức rất là lớn", Nam chia sẻ.

Đồng quan điểm với Nam, Trần Thị Loan, sinh viên năm nhất ngành Kiểm toán, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận thấy kỳ học online của bản thân chỉ ở mức tạm ổn do khó tiếp cận được đầy đủ nội dung, kiến thức.

"Học online, có những đoạn trong bài em chưa hiểu nhưng khó mở lời do thầy cô đang giảng dạy. Lúc đó, tâm lý của em là không dám bật mic lên và hỏi bài", Loan nói.

Giai đoạn đầu khi học online, Ái Thuận, sinh viên ngành Kiểm toán, ĐH Kinh tế TP.HCM khó tập trung và bị phân tâm, làm việc khác trong lúc học. Đôi khi, vì thầy cô giảng nhanh nên nữ sinh viên lơ đãng và buồn ngủ. Ngoài học tập, Ái Thuận cũng tiếc nuối vì không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa được tổ chức theo hình thức trực tuyến, do mỏi mắt sau những giờ học căng thẳng qua máy tính.

Thay đổi để thích ứng

Trước những khó khăn khi học tập trực tuyến, Trần Thị Giang đã lựa chọn dành nhiều thời gian cho những môn học bản thân chưa hiểu rõ. Nữ sinh viên thường xem các bài giảng trên YouTube trước, trong tiết học sẽ ghi chú lại các ý của thầy cô giảng để hiểu bài hơn. Kết thúc buổi học, Giang xem kiến thức một lần nữa, chỗ nào không hiểu nữ sinh viên sẽ mở phần ghi âm, ghi hình của buổi học để nghe lại.

Sinh vien tro lai truong sau Tet anh 2

Trần Thị Giang đã thay đổi phương pháp học để học trực tuyến hiệu quả hơn. Ảnh: NVCC.

Cùng có phương pháp học tập như Giang, Trần Thị Loan thường đọc tài liệu trước, sau đó, ghi chú những điều cần chú ý lúc thầy cô giảng bài. Những lúc cảm thấy mơ hồ và buồn ngủ, Loan sẽ gác lại việc học và làm công việc khác để tỉnh ngủ. Kết thúc buổi học, nữ sinh sẽ nghe lại bài giảng.

Đối với Lê Thị Thủy Tiên, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngân hàng TP.HCM, việc học online sẽ hiệu quả nếu bản thân chăm chú nghe giảng. Nữ sinh viên nhận thấy học online vẫn có nhiều lợi ích.

"Khi học trực tuyến, em có thể xin vào lớp học khác có cùng giảng viên để học lại hoặc ghi âm buổi học. Em thấy việc học online giống như mình mua khóa học của các thầy cô. Em chỉ lo cúp điện hoặc đường truyền gặp vấn đề", nữ sinh viên nói.

Đối với Lê Văn Nam, để đảm bảo đường truyền ổn định khi học, nam sinh viên đã cài thêm mạng 4G, trường hợp đang học bị cúp điện có thể sử dụng mà không bị lỡ mất kiến thức.

Ái Thuận lựa chọn thay đổi giờ giấc sinh hoạt để tránh bị phân tâm, buồn ngủ khi học trực tuyến. Nữ sinh viên thường ngủ trưa khoảng 30 phút trước khi bắt đầu buổi học tiếp theo. Thuận cũng thường ghi chép bài giảng và tự giác làm bài tập để nắm vững kiến thức.

Gặp khó khăn vì không tìm được môi trường học tập phù hợp do nhà thiếu phòng riêng và tiếng ồn từ hàng xóm ồn, Hoàng Thành Thái, sinh viên Marketing trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tìm cách thích nghi.

"Em hạn chế thức khuya làm bài tập để tránh ảnh hưởng đến bố mẹ. Ngoài ra, em cũng dọn lại đồ đạc trong nhà để có góc học tập mới và cố gắng tập trung không quan tâm tới những tiếng ồn xung quanh nữa", Thành Thái nói.

Mong được học trực tiếp

Kết thúc một kỳ học trực tuyến khó khăn, nhiều sinh viên năm nhất mong đợi môi trường học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thành Thái hy vọng nhà trường sẽ tạo nhiều điều kiện để các sinh viên gặp gỡ, giao lưu với nhau. Nam sinh viên cho biết việc giao lưu sẽ giúp bản thân trau dồi kỹ năng giao tiếp và tạo được nhiều mối quan hệ có giá trị.

Ái Thuận háo hức chờ đợi ngày tới trường học tập trung. Nữ sinh viên cho biết chưa được đến trường bao giờ, kể từ khi trở thành tân sinh viên, nên rất mong được gặp bạn bè và nghe thầy cô giảng bài trực tiếp. Khi trở lại TP.HCM để học tập trung, nữ sinh viên sẽ bồi dưỡng thêm Anh văn và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Cũng giống như Ái Thuận, Trần Thị Loan dự định khi đi học trực tiếp sẽ bổ sung kiến thức tiếng Anh nhiều hơn và tập trung vào các môn chuyên ngành. Nữ sinh viên hy vọng sẽ có nhiều động lực học tập khi được học cùng bạn bè trên lớp và nghe giảng trực tiếp.

"Em đã tham khảo từ các anh chị khóa trước về cách tìm phòng trọ và phương pháp học tập hợp lý khi trở lại trường. Em mong muốn trong các buổi học trực tiếp thầy cô sẽ dạy sinh viên tận tình. Em sẽ phân bổ thời gian của mình lại để tiếp thu kiến thức hiệu quả", Lê Văn Nam chia sẻ.

Thủy Tiên cũng mong sẽ hiểu bài khi học trực tiếp. Nữ sinh viên dự định tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và có thêm thời gian để học các chứng chỉ tiếng Anh.

Hơn 17 triệu học sinh sẽ đến trường sau Tết Nguyên đán

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, dự kiến đến ngày 7/2, hơn 17 triệu học sinh (chiếm 75,71% tổng số học sinh cả nước) sẽ trở lại trường.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm