Hồng Hạnh, sinh viên năm thứ tư, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), sắp bắt đầu kỳ thực tập cuối cùng kéo dài ba tháng tại một công ty lữ hành. Tuy đã có những trải nghiệm ở kỳ thực tập trước đó (vào tháng 4 năm 2021), Hồng Hạnh vẫn lo lắng khi dịch bệnh đang còn ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch.
"Hiện tại, theo tôi, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào nhưng nền du lịch của cả nước gần như vẫn đóng băng. Vấn đề thực tập đối với tôi khá khó khăn vì không có quá nhiều công ty để lựa chọn ứng tuyển, một số công ty mà tôi hướng đến cũng từ chối nhận thực tập sinh", Hồng Hạnh nói.
Hồng Hạnh không có nhiều sự lựa chọn về đơn vị thực tập trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Ít lựa chọn, không được nhận thực tập
Sau thời gian dài tìm kiếm đơn vị thực tập, Hồng Hạnh cũng lựa chọn được một công ty lữ hành để ứng tuyển. Theo nữ sinh viên, ngành du lịch sau dịch vẫn chưa hoạt động mạnh mẽ trở lại đã khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn khi đi thực tập.
Ít đơn vị để lựa chọn, Hồng Hạnh không thể xin vào các công ty theo nguyện vọng của bản thân. Nữ sinh viên nhận định, khi tham gia thực tập trong dịch, cơ hội để sinh viên trải nghiệm các kỹ năng thực tế như điều hành tour, sale cũng bị hạn chế do các tour du lịch không nhiều.
"Hiện tại đầu việc ít nên doanh nghiệp khó có thể đảm bảo chất lượng thực tập của sinh viên. Tôi thấy cơ hội để trở thành thực tập sinh tại các công ty du lịch đang rất ít và khắt khe", Hồng Hạnh nói.
Khi đưa ra quyết định thực tập vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Kiều Oanh, sinh viên năm thứ tư ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khá đắn đo.
Khoa Du lịch của Kiều Oanh cho phép sinh viên lựa chọn thực tập trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Dựa trên những trải nghiệm đã có từ đợt thực tập vào tháng 5, 6 năm 2021, Kiều Oanh quyết định đăng ký thực tập đợt cuối cùng trước Tết Nguyên đán.
c |
Cũng giống như Hồng Hạnh, Kiều Oanh từng phải học chuyên đề vì dịch ảnh hưởng đến quá trình thực tập. Ảnh: NVCC. |
"Hai năm đổ lại đây, sinh viên ngành du lịch thực sự khó khăn trong việc đi thực tập. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những anh chị khóa trước của tôi không thể đi thực tập mà phải thay vào đó là các buổi học chuyên đề, mời diễn giả từ các doanh nghiệp đến chia sẻ. Đến khoá của tôi thì đợt thực tập 2 tháng (tháng 5, 6 năm 2021) gặp trở ngại trong việc lựa chọn công ty và các công việc chuyên ngành. Nhiều công ty không nhận thực tập sinh", nữ sinh viên nói.
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Ngọc Ánh học khoa Du lịch, ĐH Tài Chính Marketing cho biết sinh viên khó có thể tìm được đơn vị thực tập trong thời gian này vì một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
"Sau khi tôi có cơ hội thực tập ở hai công ty, tôi cảm nhận bản thân không được tiếp xúc đúng chuyên môn, đa phần là công việc xoay quanh truyền thông marketing, không liên quan đến du lịch lữ hành. Thêm vào đó, thời điểm dịch bệnh, tôi chỉ có thể thực tập online, công việc khá nhiều và bị thụ động về thời gian. Ngoài ra, các công ty du lịch cũng đang gặp khó khăn nên việc thực tập không lương gần như là hiển nhiên", nữ sinh nói.
Tìm cách thích nghi với khó khăn
Để có thêm những trải nghiệm thực tế và thích nghi với việc thực tập trong mùa dịch, Kim Thảo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã cùng với giảng viên của nhà trường viết một bản đồ du lịch 4.0 dành cho sinh viên.
"Đây là bản đồ dành riêng cho sinh viên du lịch, khi tìm một địa điểm nào đó, tuyến đường di chuyển sẽ hiện ra và chú thích rõ ý nghĩa của từng tuyến đường cùng thông tin cụ thể của điểm đến. Đọc bản đồ là cách để các sinh viên du lịch đang thực tập trong mùa dịch có thể vừa ôn bài vừa có thêm các trải nghiệm thực tế, quan sát các địa điểm du lịch và ghi nhớ tốt hơn", Thảo nói.
Kim Thảo nhận thấy sinh viên thiếu nhiều trải nghiệm thực tế do thực tập trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Vì đã có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ hai nên Thảo không mất nhiều thời gian để tìm đơn vị thực tập. Kim Thảo cho biết sinh viên có thể truy cập vào một số website hoặc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội về tuyển dụng thực tập sinh để chọn đơn vị ứng tuyển.
Việc thực tập từ khi còn là sinh viên năm nhất đã giúp Tấn An, học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM thích nghi với những khó khăn khi làm việc trong mùa dịch. Theo An, sinh viên ngành du lịch ở giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dễ nhụt chí hoặc có suy nghĩ chuyển ngành. Nam sinh viên nhận định thay vì bỏ cuộc thì nên đối mặt và thích nghi với khó khăn.
"Tôi nghĩ các bạn nên chủ động tìm kiếm những công ty, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành khác nhau vì ngành du lịch cũng đang bắt đầu mở cửa trở lại, biết đâu lựa chọn được một công ty thực tập phù hợp, chứ đừng vì dịch bệnh mà bỏ ngang hoặc dời thực tập sang năm khác thì uổng. Các bạn cũng có thể nhờ thầy cô hoặc tận dụng mối quan hệ của thầy cô để tìm kiếm đơn vị thực tập", An nói.
Còn ở đơn vị thực tập của Kiều Oanh, nữ sinh viên cho biết công việc của thực tập sinh và nhân viên trong công ty dù gặp khó khăn nhưng vẫn nhẹ nhàng hơn trước dịch. Công ty cũng tạo điều kiện để nữ sinh viên tiếp xúc với nhiều mảng công việc khác nhau hơn. Tận dụng ưu điểm này, Oanh đã học hỏi thêm được nhiều kiến thức.
"Tôi nhận ra, cuối năm khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp là thời điểm hiệu quả để đi thực tập vì sinh viên được tiếp cận, học hỏi nhiều điều về ngành du lịch trong hoàn cảnh dịch bệnh. Cũng từ những khó khăn trong thời gian này, tôi thấy yêu quý nghề của mình hơn và nhận ra phải tiếp tục cố gắng để khi hoạt động du lịch trở lại mình có thể vững chãi trong nghề", Kiều Oanh nói.