Bác sĩ Daniel Kanter, giám đốc bộ phận chăm sóc đặc biệt về thần kinh của Bệnh viện Đại học Cincinnati (Mỹ), cho biết anh Otto Warmbier đang ổn định nhưng "không có dấu hiệu nhận biết ngôn ngữ, phản ứng với lời nói hay nhận thức về môi trường xung quanh".
Thông tin này làm sáng tỏ thêm tuyên bố của gia đình Warmbier trước đó rằng con trai họ bị tổn thương não nghiêm trọng trong 17 tháng bị giam giữ ở Triều Tiên. Ông Fred Warmbier, cha của sinh viên, cũng bác bỏ giải thích của Bình Nhưỡng rằng chàng trai rơi vào hôn mê vì "ngộ độc thịt".
Theo CNN, hội chứng "thức không phản ứng" như lời bác sĩ còn gọi là trạng thái thực vật dai dẳng (PVS). Tuy nhiên, các bác sĩ không chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến những tổn thương ở Otto Warmbier.
Otto Warmbier xuất hiện trong một cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, hồi tháng 2/2016. Ảnh: Reuters. |
"Cậu ấy không nói chuyện", ông Kanter nói trong cuộc họp báo hôm 15/6. "Cậu ấy không có bất kỳ cử chỉ hay hành vi có chủ đích nào". Vị bác sĩ thần kinh cho hay sinh viên 22 tuổi người Mỹ chỉ "đang tự hít thở".
Các bác sĩ khẳng định không có dấu hiệu cho thấy hiện tượng ngộ độc thịt trong cơ thể Warmbier. Họ cũng cho hay cậu sinh viên bị "mất toàn diện các mô não ở khắp các vùng của não bộ".
"Kiểu thương tổn này ở não bộ thông thường được xem là hệ quả từ việc ngưng tim khi máu đến não không được cung cấp đủ trong một khoảng thời gian, khiến các mô não chết đi", bác sĩ Kanter giải thích.
Ngày 13/6, Otto Warmbier về đến Mỹ sau 17 tháng bị giam giữ và lao động khổ sai tại Triều Tiên. Theo các quan chức Triều Tiên, Warmbier phạm phải một tội “nghiêm trọng” khi bí mật đánh cắp áp phích tuyên truyền về cố lãnh đạo Kim Jong Il.