Hàng nghìn sinh vật được biết đến với cái tên "thủy thủ trong gió" đã dạt vào bờ biển Nam California. Ảnh: Los Angeles Times. |
Những sinh vật hình bầu dục, dẹt, với xúc tu nhỏ màu xanh thoạt nhìn có vẻ giống những con sứa nhỏ, thực tế là một loài thủy tức có tên là Velella velella, hay còn được biết với cái tên “thủy thủ trong gió”.
Với một cánh buồm chắc chắn, trong suốt chạy dọc thân trên, các sinh vật này di chuyển trên mặt biển với số lượng lớn, nhờ gió thổi mà trôi dạt tới hàng nghìn con vào bờ, gần đây nhất là các bãi biển ở California.
Nona Reimer, từng là giáo viên và hiện là chuyên gia giáo dục tự nhiên cho du khách cùng công ty, cho biết hôm 9/4 rằng hàng trăm Velella velella đã vây quanh hai bên chiếc thuyền chở du khách theo dõi cá voi gần Dana Point trong chuyến du ngoạn với Dana Wharf Whale Watching.
“Chúng tôi đang thấy hàng trăm, có thể là hàng nghìn con”, cô nói. “Thật bất thường khi thấy chúng với số lượng như thế này”.
Hôm 10/4, Công viên bang California báo cáo về các sinh vật không xương sống dạt vào bờ biển Crystal Cove ở Newport Beach, và xung quanh các xác thuyền được phát hiện ở phía bắc như Bờ biển quốc gia Point Reyes, phía bắc San Francisco. Chúng cũng được phát hiện ở San Clemente, Bãi biển Manhattan và dọc theo các bãi biển Nam California khác.
Một số lượng nhỏ loài sinh vật này thường dạt bờ vào mùa xuân và mùa hè mà không ai chú ý tới, nhưng ông Bruno Pernet, giáo sư sinh học tại Cal State Long Beach, cho biết cứ sau vài năm, điều kiện thức ăn sẽ khiến số lượng chúng tăng lên và gió sẽ đẩy chúng vào bờ.
“Chuyện không có gì lạ, nhưng sẽ xảy ra vài năm một lần”, ông nói.
Giáo sư Pernet cho hay loài sinh vật nhỏ này hoàn toàn phụ thuộc vào gió, dòng hải lưu và nguồn cung thức ăn, các điều kiện này đôi khi dẫn chúng đến dọc bờ biển ở Bắc và Nam California. Nước ấm hơn có thể cung cấp cho chúng nhiều thức ăn hơn.
Các nhà khoa học tin rằng những sinh vật này dùng màu xanh cơ thể để ngụy trang, tránh những kẻ săn mồi.
Sinh vật này có họ hàng với sứa lông châm, có thể tạo ra vết đốt rất đau, nhưng các xúc tu hầu như vô hại, ông Pernet chỉ rõ.
Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo khả năng chịu đựng khác nhau ở mỗi người, tốt nhất không nên chạm vào các xúc tu nếu thấy chúng trên cát.
Giáo sư Pernet cũng chỉ ra rằng loài sinh vật này có thói quen tập trung theo đặc tính "thuận bên phải hoặc thuận bên trái" - tức là cánh buồm của chúng hướng về bên phải hoặc bên trái. Rất có thể các nhóm “thủy thủ trong gió” dạt vào bờ những ngày gần đây hầu hết thuận bên phải hoặc thuận bên trái.
Trong một chuyến đi vào ngày 8/4 vừa rồi, cô Reimer, hay còn được gọi là Nona the Naturalist, lưu ý trên Instagram rằng hàng trăm con Velella velella đã được phát hiện, thu hút các loài khác tìm cách ăn chúng và tiến gần vào bờ.
Đã khoảng 4 hoặc 5 năm kể từ lần gần nhất cô gặp số lượng lớn chúng gần bờ tới vậy.
“Trong nước cũng có hàng trăm sinh vật này”, cô nói trong video được đăng hôm thứ 8/4, đang cầm chúng bằng cánh buồm trong veo. “Chúng có thể châm chích bằng các xúc tu rủ xuống khi ở trên mặt nước, vì vậy nếu bạn nhìn thấy chúng, bạn có thể cầm chúng bằng buồm”.
Tầm quan trọng của các đại dương
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Quyền lực biển - Lịch sử và địa chính trị của các đại dương trên thế giới”. Cựu Đô đốc Mỹ James G. Stavridis, từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO, đã đem đến cho người đọc hành trình đáng nhớ tới tất cả vùng biển quan trọng nhất trên thế giới, cùng với những góc nhìn đa chiều về biển hay sức mạnh của hải quân tới vận mệnh của quốc gia.