Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh con đầu lòng giữa dòng sông Lô

Tiếng khóc oe oe vang lên giữa sông. Đứa con đầu lòng của tôi! Bác lái đò bẻ một mảnh nứa trên mui đò và cắt rốn cho con tôi.

Tối 13/12/1949, anh Hoàng từ Bộ Tổng tham mưu được phép về thăm nhà trước lúc chuẩn bị sang Trung Quốc công tác gấp. Trời mưa tầm tã, anh phải bơi qua ba con suối, nước đang ào ào dâng lên.

Trong gian nhà nhỏ lạnh buốt, khói củi sưởi tỏa lên mù mịt, tôi khóc. Không biết từ nay mình sẽ sống ra sao khi vắng anh. Anh im lặng, ngắm nhìn ngọn lửa.

Đêm sau, tôi đang ngủ bỗng thấy đau bụng dữ dội. Tôi lay anh dậy: “Có lẽ em chuyển bụng mất rồi”. Anh Hoàng ôm tôi: “Em gắng lên, để sáng mai rồi ta lo liệu”. Tôi vâng lời anh nằm im.

Cho đến 3h sáng, cơn đau tiếp tục dữ dội, tôi chịu không nổi nữa, khóc to lên. Chị Hà Đổng ở gian nhà bên cạnh chạy vội qua: “Anh Hoàng ơi, phải đưa gấp chị Phượng đi bệnh viện, chị sắp sinh rồi”.

Chúng tôi luống cuống, cả hai vợ chồng không biết phải làm sao. Chị Hà Đổng băng đồi chạy qua các nhà xung quanh đánh thức mọi người. Rất nhanh sau đó, tôi được đặt lên một cái võng, có luồn một đòn tre.

Sach Ganh ganh... gong gong... anh 1

Sông Lô sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 - Ảnh tư liệu: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Anh Phú và anh Cơ mỗi người khiêng một đầu đòn gánh. Có thêm hai anh cùng đi theo tiếp sức. Anh Hoàng đi đầu, tay cầm đuốc, tay cầm dao để phạt cây rừng.

Tôi nằm lắc lư trong võng, bụng co thắt dữ dội, nước ối đã bắt đầu vỡ. Tôi tưởng mình sắp chết. Mở mắt nhìn thấy một bầu trời đom đóm lập lòe lẫn trong tiếng côn trùng. Tôi nghiến răng, không dám rên.

Anh Hoàng: “Gắng lên, em ơi!”. Bảy cây số xuyên rừng rồi cũng qua. Bến đò sông Lô hiện ra, vắng vẻ, tối mịt, hoang vu. Mấy anh em thay nhau gọi đò. Tôi lại lên những cơn đau bụng khủng khiếp.

Bỗng một ánh đèn từ xa lập lòe trên sông. Rồi rất lâu, rất lâu sau đó, một con đò nhỏ cập bến.

Tiếng người đàn ông: “Ai gọi đò?”. Các anh khiêng tôi xuống bến, Anh Hoàng cầm tay tôi: “Thôi em cố gắng, anh phải đi ngay sáng nay mất rồi”. Tôi thất thanh: “Em ở một mình sao?”. Anh thở dài, rồi nhảy vọt lên bờ.

Một mình tôi nằm lại trên một con đò rách nát với hai vợ chồng người chèo đò đã lớn tuổi. Con đò ngược sông Lô, chậm chạp xuyên màn đêm. Khoảng chừng một tiếng sau, tôi lại lên cơn đau.

Năm ấy, hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không có ai. Tôi muốn chết. Tôi bò đến sát mạn thuyền và chuẩn bị nhảy xuống sông, Một tay vừa chạm làn nước lạnh buốt bỗng một cái đạp mạnh làm bụng tôi nhói lên. Tôi bừng tỉnh: “Mình chết nhưng đứa con có tội tình gì". Tôi lại bò vào trong khoang. Bác đò gái đã ở đấy: “Khổ thân cháu tôi, sinh đẻ đơn côi như thế này”.

Sau những cơn rặn khủng khiếp, bác ấy thốt lên: “Cái đầu nó đây rồi. Gắng lên con”. Tiếng khóc oe oe vang lên giữa sông. Đứa con đầu lòng của tôi! Bác lái đò bẻ một mảnh nứa trên mui đò và cắt rốn cho con tôi.

Tờ mờ sáng hôm sau, đò cập bến Tràng Xảo. Tôi được đặt lên băng ca cùng đứa con. Anh Hoàng và tôi đặt tên cháu là Nguyễn Phước và sau này cháu lấy bí danh là Sông Lô.

Sau này chúng tôi đã rất nhiều lần đi dọc sông Lô tìm kiếm hai vợ chồng người lái đò đêm ấy. Không thể nào tìm được.

Chỉ còn sông Lô mãi mãi một dòng xanh...

Một con đò của cơ quan đã đón tôi trở về. Bà con người Cao Lan gần đấy rất quý trẻ em, đã đem bắp, khoai, sắn treo vào liếp cửa nhà tôi. Họ gọi con tôi là thằng Tu Ma (Con chó con).

Có anh trong Nha nói đùa: “Bà này học trường Pháp có khác. Con trai đặt tên là Thomas!”. Mỗi ngày đi làm, tôi đặt cháu vào trong một cái cũi bằng tre. Khoảng hai tiếng sau trở về và cho cháu bú. Sống trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề nhưng rất may là Tu Ma của tôi mạnh khỏe, không khóc quá nhiều nên mẹ cũng yên tâm.

Gay go nhất là sáng sớm hay chiều muộn, phải đem tã lót ra bờ sông Lô để giặt. Dòng nước lạnh buốt, hai tay tôi tê cóng. Bỏ tã xuống sông, tã trôi đi không sao chụp lại được. Anh Hoàng phải lấy chiếc chăn của mình cắt ra làm nhiều mảnh để cho con dùng. Đành ngủ thiếu chăn giữa mùa đông Việt Bắc.

Tôi dần dần mất sữa vì thiếu ăn. Theo gương bà con địa phương, tôi ra phía sau rừng tìm một mảnh đất trồng rau, bắp, sắn. Sau giờ làm việc, tôi chặt bốn cây nứa thật to, nhét ở đầu bốn cái bùi nhùi bằng dầu hỏa và đặt xung quanh mảnh đất, đề phòng cọp đến. Mặt trời lặn rất nhanh, tôi đốt bùi nhùi lên, địu Phước sau lưng và bắt đầu cuốc đất, gieo hạt...

Có đêm mải làm, sương xuống ướt cả đầu con và cái địu. Nhưng Phước chịu đựng khổ cực rất khá, mập mạp, ít khóc và rất được các cô chú trong Nha cưng chiều. Khi Phước lên ba tuổi, không chịu nằm cũi nữa, tôi đem cháu theo. Lúc bấy giờ cơ quan cũng có vài chị em cùng cảnh con mọn như tôi.

Chúng tôi lấy những sợi dây rừng dài và mềm, buộc từ bàn làm việc đến chân của các cháu, cứ thế các cháu lê la bò quanh. Hết giờ làm, bố mẹ gỡ dây bế về. Bà con Cao Lan đi nương ghé qua nhìn, cứ lắc đầu cười: “Nhiều Tu Ma quá!”.

Xuân Phượng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY