Hôm 26/3, Bloomberg đưa tin Singapore mới tung ra gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá 48 tỷ SGD (33 tỷ USD) để đối phó với ảnh hưởng từ dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Đây là lần đầu tiên nước này dùng đến dự trữ quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
"Cuộc khủng hoảng chưa từng có"
Như vậy, gói cứu trợ của Singapore đã lên đến 55 tỷ SGD (37,76 tỷ USD), tương đương 11% GDP nước này, theo Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat.
"Tình huống bất thường này đòi hỏi những biện pháp phi thường", ông Heng nhấn mạnh.
Gói kích thích kinh tế mới nhất được đưa ra chỉ 5 tuần sau khi ông Heng tuyên bố ngân sách hàng năm sẽ chi 6,4 tỷ SGD (4,36 tỷ USD) cho chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại vì dịch virus.
Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế Singapore bị sụt giảm đáng kể, dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay bị hạ từ 4% xuống còn 1%.
Gói hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động có thu nhập thấp. Ảnh: Bloomberg. |
"Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có và rất phức tạp. Chỉ riêng về mặt kinh tế, đây có thể là lần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập", Bộ trưởng Tài chính Singapore nhận định.
Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch virus corona làm gián đoạn chuỗi cung ứng và du lịch. Lệnh phong tỏa của các đối tác thương mại quan trọng như Malaysia đã chặn đứng nguồn cung lao động và thực phẩm.
Hồi năm 2009, chính phủ Singapore đã phải dùng đến dự trữ quốc gia để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thời điểm đó, gói cứu trợ trị giá 20,5 tỷ SGD (14 tỷ USD) đã khiến khoản tiền dự trữ bị rút xuống còn 4,9 tỷ SGD (3,36 tỷ USD).
Trong tuyên bố trước Quốc hội Singapore, Tổng thống Halima Yacob khẳng định bà ủng hộ việc rút tiền dự trữ trong điều kiện hiện tại. "Chúng ta cần làm hết sức mình để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. Đây là một vấn đề sống còn", bà nhấn mạnh.
Các biện pháp nằm trong gói kích thích bao gồm loại bỏ thuế tài sản đối với các nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại vì virus, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp và trao tiền mặt trực tiếp cho những người kinh doanh độc lập. Ngoài ra, gói còn tăng cường hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, hoãn thu phí và lệ phí trong vòng một năm, hoãn thanh toán và trả lãi các khoản vay sinh viên và nợ thế chấp nhà ở công cộng.
Thái Lan, Malaysia nỗ lực cứu nền kinh tế
Theo Reuters, tương tự Singapore, Thái Lan cũng mạnh tay giải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động có thu nhập thấp thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 12,7 tỷ USD. Tuy nhiên, chính phủ nước này không hỗ trợ tiền mặt cho người thu nhập thấp.
Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch virus. Theo Bloomberg, các chuyên gia tại Fitch Ratings dự đoán tăng trưởng GDP của nước này chỉ còn 2% trong năm nay, thấp hơn mức dự đoán 3,6%-4% của chính phủ.
Các nhà hoạt định chính sách cũng đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy nền kinh tế. Hôm 22/3, Thủ tướng Muhyiddin Yassin bổ sung khoản trao tiền mặt và giảm giá điện cho gói cứu trợ 22 tỷ ringgit (4,5 tỷ USD). Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia cũng cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ như một phần của động thái đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng trị giá 30 tỷ ringgit (6,83 tỷ USD).
Ngày 3/3, cơ quan này cũng cắt giảm lãi suất xuống còn 2,5% mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Dịch virus corona gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng yêu cầu các bộ và tổ chức cắt giảm chi tiêu để tập trung ngân sách chống dịch Covid-19. Chỉ thị này theo sau một loạt biện pháp kích thích tài khóa và 2 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp.
Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn bị giới chuyên gia chỉ trích là "quá muộn màng" và "kém tác dụng" so với cách làm của các nền kinh tế lớn khác, theo Bloomberg.
Ủy ban ngân sách của Quốc hội Indonesia đang thúc giục tổng thống nước này tạm nâng mức thâm hụt ngân sách từ 3% GDP lên 5% GDP để tăng chi tiêu chống lại Covid-19.