Hiện tại Luật Xuất nhập cảnh Singapore (2008) quy định như sau về việc bắt giữ một người (arrest):
"Bất kỳ cảnh sát, viên chức nhập cảnh hoặc hải quan nào cũng có thể bắt giữ mà không cần lệnh bắt đối với một người mà anh ta có lý do để tin rằng đã vi phạm Đạo luật này hoặc các quy định" (khoản 3, điều 51).
Thời hạn trục xuất
"Bất cứ người nào có lý do để bị trục xuất khỏi Singapore theo Đạo luật này đều có thể bị bắt giữ bởi bất kỳ quan chức nhập cư nào nói chung, hay người được cơ quan kiểm soát ủy quyền hoặc một cảnh sát. (Người này cũng) có thể bị giam giữ trong bất kỳ nhà tù, đồn cảnh sát hoặc trụ sở quan lý nhập cư nào trong thời gian không quá 14 ngày tùy thuộc vào quyết định có ra lệnh trục xuất người đó hay không" (điều 35).
Như vậy, nếu suy từ điều 51, vi phạm Luật Xuất nhập cảnh của Singapore có thể rất rộng tùy thuộc theo luật. Còn nếu bị bắt theo quy định của điều 35, Singapore có thể trục xuất người bị sai phạm trong 14 ngày.
Đối tượng có thể bị trục xuất
Về cụm từ "có lý do để bị trục xuất", khái niệm này xuất hiện 5 lần trong Đạo luật Nhập cư và dùng cho các loại đối tượng sau: Thứ nhất, những người "nhập cảnh bất hợp pháp, có ý định nhập cảnh bất hợp pháp hoặc lưu trú bất hợp pháp tại Singapore". Thứ hai, những người "từng bị trục xuất khỏi Singapore nhưng trở lại và cư trú ở Singapore mà không có giấy phép bằng văn bản của cơ quan kiểm soát". Thứ ba, người phạm các tội quy định ở điều 5,6,8 hoặc 9. Thứ tư, người hiện diện bất hợp pháp tại Singapore theo quy định trong điều 15 và 62.
Quan chức xuất nhập cảnh của Singapore có thể bắt bất cứ ai mà họ cho là đối tượng đã vi phạm Luật Xuất nhập cảnh hoặc thuộc nhóm đối tượng có thể bị trục xuất. Ảnh: AFP. |
Nhiều quy định để trục xuất
Tuy nhiên, quy định về các tội trong những điều trên rất rộng. Chỉ riêng điều 8, quy định về "người nhập cư bị cấm" đã bao gồm các sai phạm như việc người nhập cảnh khai báo sai với cơ quan xuất nhập cảnh, môi giới mại dâm cho đến có bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Nằm trong danh sách "người nhập cư bị cấm" bao gồm cả đối tượng "theo quy định của luật hiện hành phải có giấy tờ đi đường có hiệu lực nhưng lại không có các giấy tờ này hoặc có giấy tờ giả mạo, hoặc giấy tờ đã bị sửa đổi, hoặc giấy tờ không tuân thủ đúng luật thành văn".
Những người từng bị kết án tù ở một quốc gia khác cũng nằm trong danh sách "người nhập cư bị cấm". Tuy nhiên, Đạo luật Nhập cư Singapore không đề cập đến đối tượng bị chính phủ một nước khác truy nã.
Nếu giới chức Singapore ra quyết định trục xuất một người, theo quy định trong khoản 2, điều 31 về việc trục xuất khỏi Singapore, người này có thể bị trả về quốc gia nơi ông đã khởi hành để đến Singapore, hoặc nơi sinh, đất nước ông mang hộ chiếu hoặc một nơi nào đó do cơ quan kiểm soát quyết định.
Người nhập cảnh vào Singapore qua một cửa khẩu với Malaysia. Ảnh: AFP. |
Trong trường hợp bị tuyên trục xuất, người đại diện của người bị trục xuất có thể kháng án trong thời gian và quy định được hướng dẫn. Tuy nhiên, việc kháng án không được xem là cơ sở để trì hoãn việc trục xuất.
Sau khi đã bị tuyên trục xuất, cơ quan kiểm soát có quyền ra lệnh tạm giữ người sắp bị trục xuất trong thời gian sắp xếp chi tiết việc trục xuất ông/bà ta. Dù vậy, cơ quan kiểm soát cũng có quyền thả tự do cho người đã bị quyết định trục xuất nhưng đã nộp đơn kháng án chống lại quyết định này, giới chức cũng có thể tạm ngưng việc ra quyết định về kháng cáo dựa theo các điều kiện để đảm bảo an ninh mà cơ quan kiểm soát nhập cư cho là phù hợp.