Bộ Y tế Singapore ngày 20/10 ghi nhận 18 ca tử vong - cao nhất kể từ đầu đại dịch - và thêm 3.862 ca nhiễm mới.
Với số ca tử vong tăng cao kỷ lục ngày 20/10, tổng số người chết vì Covid-19 ở Singapore đã lên tới 264.
Số ca nhiễm mới hôm 20/10 được ghi nhận thấp hơn mức đỉnh vừa thiết lập một ngày trước đó - với 3.994 ca, vốn được Bộ Y tế Singapore đánh giá là mức tăng đột biến thường thấy sau dịp cuối tuần.
Hôm 20/10, ông Lawrence Wong, đồng Chủ nhiệm Ủy ban chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Singapore, nói: "Tình hình đến thời điểm này cho thấy chúng ta đối mặt với rủi ro đáng kể rằng hệ thống y tế quá tải", theo AFP.
Bộ trưởng Wong cho biết giới chức đang cố gắng tăng cường năng lực đáp ứng, "nhưng nó không chỉ đơn giản là bổ sung thêm giường hay mua thêm trang thiết bị. Đội ngũ y tế phải căng sức mình, trở nên mệt mỏi".
Giới chức y tế cho biết với "tỷ lệ tiêm chủng cao" (84% dân số tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19), phần lớn các trường hợp mắc bệnh của Singapore chỉ có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng.
Trong số 495 ca trở nặng thời gian qua, 54,7% bệnh nhân chưa được tiêm vaccine, số còn lại đã được tiêm phòng nhưng có bệnh nền.
Áp lực đối với hệ thống y tế buộc Singapore tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trước tình hình này, giới chức Singapore quyết định kéo dài các biện pháp phòng dịch để làm giảm sự lây lan. Các biện pháp sẽ được xem xét sau hai tuần và có thể điều chỉnh dựa trên tình hình dịch bệnh.
Channel News Asia dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Singapore cho biết: "Chúng ta cần thêm thời gian để ổn định tình hình trước những áp lực liên tục đối với hệ thống y tế".
Trước đó, Singapore hôm 27/9 tái lập các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, dự kiến kéo dài đến 24/10.
Dù vậy, số ca mắc mới tiếp tục tăng, dao động ở mức 3.000 trường hợp/ngày và chạm mốc kỷ lục hôm 19/10 với 3.994 ca, theo Reuters.
Số ca mắc mới trong nhóm trên 60 tuổi nhưng chưa được tiêm phòng tăng lên trong vài ngày qua, với khoảng 100 trường hợp/ngày. Đối tượng này chiếm khoảng 2/3 số ca phải sử dụng giường điều trị tích cực (ICU) và ca tử vong.
Hiện tại, khoảng 89% giường cách ly và 67% giường ICU - bao gồm số giường dành cho bệnh nhân không mắc Covid-19 - tại các bệnh viện công đã kín chỗ.
Bộ Y tế cho biết nguồn lực từ nhiều bệnh viện tư cũng đã được huy động cho công tác chống dịch.
“Ngay cả khi các bệnh viện tuyến công lập tiếp tục dành thêm giường cho bệnh nhân Covid-19, thời gian chờ đợi nhập viện có thể sẽ lâu hơn", Bộ Y tế thông tin.