Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Singapore thu phí ôtô vào nội đô ra sao?

Tắc nghẽn giao thông là tình trạng phổ biến, gây nhiều tranh cãi ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu này đã được Singapore giải quyết hiệu quả trong nhiều thập kỷ.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Singapore phải đối mặt với tình trạng tắc đường nghiêm trọng, kết quả của quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế nhanh chóng.

Năm 1975, hệ thống đăng ký vào nội đô - Area Licensing System (ALS) đi vào hoạt động. “Quốc đảo sư tử” là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thu phí đường bộ với phương tiện giao thông.

Người tham gia giao thông phải mua vé tại các trạm thu phí thủ công ở các lối vào khu trung tâm thương mại. Hệ thống khiến lượng ôtô vào trung tâm giảm 45%, các vụ tai nạn giảm 25%.

Tuy nhiên, biện pháp này dần bộc lộ nhiều khuyết điểm, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, chi phí hoạt động cao và gây bất tiện cho lái xe khi phải xếp hàng chờ lâu.

Giải quyết ùn tắc hiệu quả

Năm 1998, chính phủ Singapore thay thế bằng hệ thống thu phí đường bộ công nghệ cao, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing). Hệ thống ERP hoạt động khá đơn giản.

Thu phi noi do anh 1

Mô hình hoạt động của hệ thống ERP. Đồ hoạ: Land Transport Authority.

Người sở hữu ôtô cần lắp đặt thiết bị thu phí (IU) trên phương tiện và nạp tiền trước. Khi xe đi qua hệ thống ERP, số tiền phải trả sẽ được trừ tự động sau 10 giây. Phí ERP thay đổi phụ thuộc vào mật độ, loại xe, thời gian và địa điểm giao thông. Mức thu phí hiện nay dao động trong khoảng 0.35 đến 2.8 USD.

Tại các trạm ERP, hệ thống camera theo dõi lưu lượng hoạt động của các phương tiện, lưu lại biển số xe và giám sát việc các xe có gắn thiết bị thu phí hay không.

Trong trường hợp các xe “trốn vé”, trung tâm kiểm soát sẽ tiến hành “phạt nguội”, gửi thông báo cho lái xe. Nếu nộp phạt chậm trễ, số tiền sẽ ngày càng tăng và người vi phạm có thể bị phạt tù.

Nhờ hệ thống ERP, mật độ giao thông giảm 20%, 65% người dân Singapore lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng vì chi phí rẻ, tiện lợi hơn. Lượng khí thải CO2 và bụi giảm đáng kể.

ERP hạn chế nhu cầu giao thông, đường phố thông thoáng hơn, giảm ô nhiễm không khí, lượng khí thải và nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Thu phi noi do anh 2

Biểu đồ số liệu thể hiện ảnh hưởng của hệ thống ERP tới giao thông ở Singapore. Năm 1975 là thời điểm hệ thống ALS đi vào hoạt động. Năm 1998, Singapore đưa vào sử dụng hệ thống ERP. 

Đồ hoạ: Trà My.

 “Để giải quyết tình trạng ùn tắc trong những năm 1970, chúng tôi nhận thấy rằng cần tính phí nội đô vào giờ cao điểm. Chính phủ đã thảo luận công khai với người dân trong nhiều tháng. Việc thu phí cũng rất linh hoạt, chẳng hạn, xe ôtô chở 4 người được qua trạm mà không cần đăng ký ”, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chia sẻ.

"Kẻ trộm tiền hàng ngày"

Tuy nhiên, ERP lại được liệt kê vào một trong những điều tồi tệ nhất ở Singapore.

Người dân nước này thường gọi ERP là “Everyday Rob People” (tạm dịch: Kẻ trộm tiền hàng ngày). Với diện tích nhỏ, khoảng cách di chuyển không quá xa đồng nghĩa với việc phí đường bộ sẽ ngốn một khoản không nhỏ trong "hầu bao" của lái xe.

Mặc dù nhằm giảm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm ở những tuyến đường lớn, nhưng các xe phải nối đuôi nhau, chầm chậm đi qua chạm kiểm soát vào giờ tan tầm.

Với những người "lách luật", họ đưa xe vào các đường nhỏ hơn nhằm tránh đi qua cổng ERP, lại gây ra cảnh tắc nghẽn tại các tuyến ở vùng ven.

Khi hệ thống ERP được vận hành vào năm 1998, Singapore phải hợp lý hoá thu phí đường bộ bằng nhiều biện pháp.

Chẳng hạn, lệ phí đăng ký xe hay thuế đường bộ đều được cắt giảm. Những thay đổi này nhằm hợp lý hoá, tránh phí chồng phí.

Thu phi noi do anh 3

Hệ thống thu phí giao thông đường bộ ERP tại Singapore. 

Ảnh: Museum of the City.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore còn gây dựng niềm tin với người dân, đảm bảo không xảy ra thất thoát, tham nhũng. Khi đó, thiết bị IU được lắp đặt miễn phí trên xe ôtô và tiền thuế đường bộ trong vòng 5 năm được hoàn trả. Người dân được mời tham dự các cuộc thử nghiệm và phản hồi ý kiến.

Toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu trị giá khoảng 125 triệu USD, mỗi năm hệ thống thu về khoảng 50 triệu USD. Do vậy, chính phủ Singapore nhanh chóng thu hồi lại nguồn vốn. Doanh thu được sử dụng để xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường bộ và các phương tiện giao thông công cộng hàng quý.

Tranh cãi đề án thu phí ôtô vào trung tâm Sài Gòn

"Gia đình tôi ở quận 3, kinh doanh mặt hàng ăn uống nên ra vào nội đô mỗi ngày 3-4 lần. Nếu TP áp dụng đề án này thì tôi phải tốn thêm một khoản phí không nhỏ", một người dân nói.

Trà My

Bạn có thể quan tâm